Thứ Ba, 26/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 22/9/2016 8:22'(GMT+7)

Đội ngũ văn nghệ sĩ đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Ngày 21/9, tại Hà Nội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng trao Quyết định chỉ định Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 cho nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo quyết định trên, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ này gồm 14 thành viên, trong đó nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam được chỉ định là Bí thư Đảng đoàn; nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là Phó Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng lắng nghe ý kiến của của đại diện Đảng đoàn, các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, địa phương về đặc thù của văn học nghệ thuật. Các đại biểu cùng thảo luận về tình hình văn học nghệ thuật hiện nay, những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho văn học nghệ thuật trong tình hình mới cùng khó khăn, thách thức mà văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ phải đối mặt.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã tiến hành - Tổ chức cho văn nghệ sĩ cả nước học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (Bốn lớp với gần 800 văn nghệ sĩ là cán bộ chủ chốt và văn nghệ sĩ tiêu biểu, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức). Xây dựng đề án và đã được Thủ tướng phê duyệt “Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020.” Kiện toàn tổ chức bộ máy: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cho đến nay cơ bản kiện toàn xong bộ máy tổ chức, sau Đại hội và đi vào hoạt động.

Những năm qua, đại bộ phận văn nghệ sĩ đã phát huy tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc và nhân dân trong những năm kháng chiến trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay, phấn đấu cho một nền văn học nghệ thuật Việt Nam, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua cuộc sống của một số anh chị em văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, môi trường sáng tạo trong nền kinh tế thị trường nhưng vẫn đạt được những thành tích trong sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu lý luận phê bình, quảng bá tác phẩm, xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng tài năng trẻ và từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Về đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật: Hiện nay, số lượng văn nghệ sĩ cả nước có trên 42 ngàn người, tập hợp ở 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Hệ thống tổ chức Hội Văn học nghệ thuật đã được củng cố ở các địa phương, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn hạn chế. Song đây là một lực lượng quan trọng gắn bó với Đảng, cách mạng hơn 70 năm qua (từ 1943 đến nay), tắm mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới. Những năm qua, đất nước phát triển mạnh mẽ hệ thống thông tin, công nghệ người nghệ sĩ được tiếp nhận nhiều tư liệu mới. Nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ đã có những phát hiện sáng tạo biểu dương, những nhân tố mới, con người mới. Đó là những tấm gương lao động cần cù, sáng tạo, gắn bó đầy tình nghĩa… có tác dụng động viên, khích lệ, nâng đỡ con người, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách con người Việt Nam hôm nay. Đó còn là những hình tượng trong các tác phẩm nghệ thuật thể hiện khát vọng làm giàu, rũ bỏ đói nghèo, lạc hậu, vươn lên cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những tác phẩm viết về đề tài lịch sử, về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là những tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng có được tư duy, tầm nhìn mới, chất lượng mới. Một số tác giả, tác phẩm đi sâu vào những vấn đề đạo đức, lối sống xã hội, phê phán, lên án mọi biểu hiện của suy thoái tư tưởng, đạo đức, chà đạp lên phẩm giá con người. Khi tình hình biển Đông trở nên phức tạp, nhiều văn nghệ sĩ đã hướng ngòi bút về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ biên cương bờ cõi, khêu gợi giá trị truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông ta trong cuộc chiến chống xâm lăng.

Tất cả những tác phẩm văn học nghệ thuật đó làm phong phú và sâu sắc thêm dòng chảy chính của văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay là chủ nghĩa yêu nước, tính nhân văn, dân chủ, dân tộc, khoa học dưới ánh sáng đổi mới của Đảng

Nhiều tác giả và tác phẩm đã thể hiện tinh thần đồng hành và nhập cuộc với cuộc sống rộng lớn của đất nước, của nhân dân. Với chất liệu mới, cách nhìn và những xúc động thẩm mỹ mới, các tác phẩm đã khắc phục được sự đơn giản và dễ dãi để đi vào chiều sâu, bản chất của cuộc cách mạng xã hội rộng lớn và sâu xa hiện nay là cuộc đấu tranh quyết liệt để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện vận hành theo cơ chế thị trường. Văn học nghệ thuật đã đem đến một nhận thức xã hội rất quan trọng, đó là, nhiệm vụ dựng nước và giữ nước nhưng nội dung, quy mô, tính chất và hình thức đã có sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật mà yếu tố quyết định vẫn là văn hoá, là con người.

Một số tác giả, tác phẩm tiếp tục trở về với truyền thống văn hoá dân tộc, với lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm được tác giả đầu tư thời gian, công sức sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu mới. Tác phẩm có giá trị sử thi nhưng lại được trình bày bằng bút pháp nghệ thuật mới, sinh động, giàu giá trị nhân văn, sâu sắc.

Ở một số tác phẩm vấn đề đạo đức xã hội trở thành một chủ đề trung tâm, nóng bỏng, là đòi hỏi bức thiết của công chúng nghệ thuật. Cuộc đấu tranh thiện ác xưa nay đã là chuyện muôn thuở. Cái mới là cuộc đấu tranh đó hôm nay được gắn liền với một vấn đề trung tâm đó là nhiệm vụ xây dựng con người. Các Hội Văn học nghệ thuật đã huy động một đội ngũ có tài năng nhất vào trận địa phức tạp và cấp bách này.Với ý thức góp phần làm trong lành môi trường xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta nhiệt tình đón nhận cuộc vận động "sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", coi đó là một cơ hội để thông qua tác phẩm viết về Bác, về đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành vi, lối sống của con người hôm nay.

Được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa chiều, văn học nghệ thuật nước ta đã có điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh dạn tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, làm tăng thêm hiệu quả của sự phản ánh và giá trị thẩm mỹ, đáp ứng thị hiếu đa dạng, phong phú của người dân.

Dù còn khó khăn, kinh phí hoạt động hạn chế, hầu hết các Hội đều cố gắng phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những tài năng trẻ, nguồn kế cận đầy triển vọng của văn học nghệ thuật nước nhà. Họ có sức trẻ, có tài năng tỏ rõ ưu thế cảm nhận, nắm bắt cái mới và hội nhập mạnh mẽ với thế giới.

Với sự chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Ban Bí thư Trung ương và các cấp ủy Đảng, về căn bản đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn ổn định tư tưởng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước trước những biến động của đời sống xã hội. Có thái độ không khoan nhượng trước những thế lực thù địch với cách mạng nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Tự chuyển hóa”… Kiên quyết phản đối trước những âm mưu của Trung Quốc xâm hại vùng trời, vùng biển của nước ta tại biển Đông. Kiên quyết cùng Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, chống các hành vi tội ác, những việc làm xấu làm xói mòn đạo đức, lối sống, các giá trị nhân văn…

Các đại biểu kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện tiến trình xây dựng cơ chế chính sách đối với văn học nghệ thuật, triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đề nghị Chính phủ giải quyết 25% phụ cấp công vụ cho cán bộ, công nhân viên công tác trong các Hội Văn học nghệ thuật.

Các đại biểu kiến nghị Nhà nước cần đưa cơ chế “Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật” đã được thực hiện từ năm 1999 đến nay thành chính sách thường xuyên để tạo điều kiện cho các Hội văn học nghệ thuật hoạt động ổn định, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; cho phép Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xây dựng Đề án thống nhất mô hình và kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố.

 
 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Thời gian qua Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các tổ chức Hội, đội ngũ văn nghệ sĩ đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các sáng tạo văn học nghệ thuật. Đảng luôn đề cao vai trò của văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều sáng tác chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước, dân tộc. Nhờ đó, đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, môi trường sáng tác dân chủ được khuyến khích, hỗ trợ, văn nghệ sĩ được tiếp cận nhiều tư liệu mới, có nhiều tác phẩm tốt. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội, các Hội ở địa phương được củng cố, lớn mạnh; chính sách, hỗ trợ của Nhà nước đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho văn nghệ sĩ đóng góp cho sự nghiệp chung của Đảng, dân tộc. Với nỗ lực của mình, nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã được trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, văn học nghệ thuật nước ta vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc tình hình đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật thời gian qua được quan tâm song chưa đảm bảo được vai trò định hướng sáng tác. Hoạt động của các hội văn học nghệ thuật cần đầu tư thêm…

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi văn học nghệ thuật là mặt trận quan trọng, tổ chức Hội là tổ chức quan trọng, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, kiến nghị giúp hoàn thiện chính sách, đường lối phát triển văn học nghệ thuật. Việc hỗ trợ cũng cần được xác định rõ đối tượng để nguồn hỗ trợ được sử dụng hiệu quả. Tổ chức bộ máy trong các Hội phải tạo được sự thống nhất, đoàn kết. Bản thân các văn nghệ sĩ cần tích cực đấu tranh, trao đổi để thúc đẩy sự phát triển…

Hiện nay, số lượng văn nghệ sĩ cả nước có trên 42.000 người, tập hợp ở 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa chiều, văn học nghệ thuật nước ta có điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh dạn tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, làm tăng thêm hiệu quả của sự phản ánh, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng thị hiếu đa dạng, phong phú của người dân.

Dù còn khó khăn, kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng hầu hết các Hội đều cố gắng phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những tài năng trẻ, nguồn kế cận đầy triển vọng của văn học nghệ thuật nước nhà. Lớp văn nghệ sĩ kế cận có sức trẻ, có tài năng tỏ rõ ưu thế cảm nhận, nắm bắt cái mới và hội nhập mạnh mẽ với thế giới.../.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất