Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 3/1/2011 11:9'(GMT+7)

Đối tác kinh tế số 1 của Việt Nam năm 2011: Mỹ hay Trung Quốc?

Trung Quốc chuyển từ lượng sang chất

Chuyển từ nền kinh tế đòi hỏi nhiều nhân công sang một nền kinh tế cần nhiều vốn sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và cả thế giới.

Ông Bernard Baumohl, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Princeton (Mỹ) cho biết thực ra quá trình này đã đang diễn ra. Nói cách khác, thật sai lầm nếu ai đó tin rằng tất cả các sản phẩm Trung Quốc đều là hàng hóa giá rẻ hay nguyên liệu công nghiệp thô.

Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế của mình, và cuối cùng sẽ thay đổi cấu trúc nền kinh tế, chuyển từ xuất khẩu sang tiêu thụ hàng hóa nội địa nhiều hơn.

Việc kết hợp tăng lương và tăng giá tiền tệ có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Vậy nên, điều thật sự quan trọng là Trung Quốc phải chuyển từ nền kinh tế đòi hỏi nhiều nhân công sang một nền kinh tế cần vốn. Và Trung Quốc sẽ phải chuyển một số thiết bị sản xuất của mình ra nước ngoài.

Ông Baumohl tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của ông, tăng trưởng toàn thế giới sẽ khoảng 3,7% trong năm nay và sẽ tăng lên 4,2% và 4,6% trong hai năm 2011, 2012.

Ông Baumohl cũng ca ngợi Trung Quốc đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trung Quốc thực sự đã làm được rất nhiều trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc suy thoái thế giới. Trong khi Mỹ và phần còn lại của thế giới chịu suy thoái, Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ thần kỳ.

Mỹ mất vị trí số Một?

Các nhà phân tích kinh tế Mỹ ước tính GDP Mỹ chỉ sẽ tăng tối đa 3,0% năm 2011, một số dự báo còn bi quan hơn, cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ có thể đạt khoảng 2,6%, so với tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 3,1%. Khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ rất yếu, tình hình suy thoái vẫn còn kéo dài trong thời kỳ sau khủng hoảng. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành quốc gia có sản lượng công nghiệp dẫn đầu thế giới vào năm 2011, theo dự báo của tổ chức HIS Global Insight.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong vòng 110 năm qua, nước Mỹ mất đi vị trí cường quốc công nghiệp số một thế giới. Năm 2009, Hoa Kỳ chiếm 19,9% xuất lượng công nghiệp của toàn thế giới, trong khi Trung Quốc chiếm 18,6%. Trong năm 2010, khi GDP Trung Quốc vẫn tăng trưởng đến 9% thì Mỹ chỉ tăng 3,1% và khoảng cách chỉ số công nghiệp của hai nước còn rất nhỏ.

Việt Nam với chính sách tiền tệ thắt chặt

Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam được IMF dự báo tăng trưởng khoảng 6,5%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của Campuchia (6,8%) và Lào (7%) một ít. Tuy nhiên, so với các nước còn lại của ASEAN, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn là cao nhất. Thật ra, đây không phải là điều đáng tự hào nếu biết rằng khả năng ta bắt kịp họ vẫn còn là một chuyện xa vời.

Cho dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì biện pháp thắt chặt tiền tệ trong năm 2011 để chống lạm phát và chính sách tài khóa của Chính phủ sẽ không quá mở rộng như những năm trước, tốc độ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam sẽ khó thể xuống thấp hơn mức thực hiện của năm 2010. Tình trạng khiếm hụt cán cân thương mại năm 2011 vẫn còn cao, tuy sẽ không vượt mức của năm 2010, do những nỗ lực kiềm chế nhập siêu của Chính phủ.

Nhập khẩu sẽ được cân nhắc thận trọng hơn do tỷ giá đồng bạc Việt Nam so với đồng USD có giảm đôi chút, tuy nhiên các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối đầu với một thị trường thế giới cạnh tranh quyết liệt, với những đối thủ nước ngoài có quyết tâm hơn và được sự hỗ trợ tốt hơn từ các chính phủ và hệ thống ngân hàng của họ.

Trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục bị điêu đứng bởi hàng ngoại, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chi phí tài chính, trong đó đáng chú ý là mức lãi suất tín dụng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, trong khi lương công nhân khó hạ giảm dưới áp lực của lạm phát. Áp lực chi phí cao sẽ làm giảm năng suất công nghiệp và lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các doanh nghiệp nhà nước.

Điều có thể thấy là các doanh nghiệp quốc doanh sẽ càng gặp nhiều khó khăn, khi sự bao cấp từ ngân sách đang giảm dần với một chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, ngoại trừ những tập đoàn lớn còn được hưởng ưu thế độc quyền.

Việc duy trì lâu dài tỷ giá 19.450 đồng ăn 1 USD trong cả năm 2011 sẽ là một việc rất khó khăn. Do đó, một sự điều chỉnh giảm khoảng 5 - 6% tỷ giá chính thức giữa VND/USD vào giữa năm 2011 là rất có khả năng, nếu những nỗ lực giảm bớt khiếm hụt cán cân thương mại và củng cố dự trữ ngoại tệ quốc gia là quyết tâm thực sự của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Dù rằng một số ngân hàng nhỏ đã được phép của Ngân hàng Nhà nước hoãn lại việc tăng vốn pháp định cho đến cuối năm 2011, nhưng do những khó khăn về thanh khoản, về chi phí huy động, về hiệu quả hoạt động, về tỷ suất lợi nhuận..., khả năng sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng thương mại nhỏ để đạt mức vốn pháp định tối thiểu là có thể xảy ra, và đó nên được xem là một điều tốt trong điều kiện thiếu thốn nhân sự ngân hàng, đặc biệt là thiếu cấp quản lý điều hành có đủ tâm và tầm như tình trạng hiện nay.

Đã có những dấu hiệu cho thấy có nhiều khả năng Việt Nam sẽ rơi vào điều mà các nhà phân tích kinh tế gọi là "bẫy thu nhập trung bình" mà đặc trưng là hiệu quả đầu tư thấp (ICOR đang vượt con số 8), năng suất lao động thấp và năng lực cạnh tranh suy giảm. Nếu không quyết tâm hành động để vượt qua cái bẫy này, Việt Nam sẽ mãi mãi là một nước có thu nhập so sánh từ thấp đến trung bình.

Theo Bee.net

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất