(TCTG)- Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành một hình tượng nghệ thuật sống động, một bài ca bất hủ về phẩm chất kiên trung của người chiến sĩ cách mạng suốt một đời vì nước, vì dân. Ngay sau khi Bác mất, ngỡ ngàng trước nỗi đau, các nhà thơ (không chỉ có Việt Nam), đã làm thơ khóc Bác với nỗi niềm tiếc thương vô hạn. Mỗi bài thơ là cả tấm lòng tri ân của thi nhân tưởng niệm vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Viết về Bác đã trở thành một nguồn cảm hứng không bao giờ với cạn đối với văn nghệ sĩ. Hình ảnh Bác hiện lên trong thơ với những nét giản dị, thân thương, mộc mạc được khắc họa từ rất nhiều chiều và đi vào tiềm thức người dân Việt Nam một cách tự nhiên. Ở các nhà thơ, có lúc cảm hứng sáng tác về Hồ Chủ Tịch gặp nhau, hòa quyện vào nhau làm nên cái chung. Nhưng cũng có lúc mỗi bài thơ tạo nên sự phong phú, đa diện và nhiều chiều trong bức chân dung đa màu sắc về cuộc đời cũng như trong sự nghiệp của Người. Di sản Người để lại là muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng. Người không quên một ai. Lòng nhân ái Hồ Chí Minh thật rộng rãi, bao la, nói như một nhà văn: “Hồ Chí Minh là con người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất!”.
Có thể khẳng định rằng khó có hình ảnh nào có được sức lay động mạnh mẽ, sức cuốn hút kỳ diệu với người nghệ sĩ bằng hình ảnh Hồ Chủ tịch.
Nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam, hầu như đều có thơ về Bác. Có thể kể đến những nhà thơ, như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Việt Phương, Thanh Hải, Vũ Quần Phương, Thu Bồn, Viễn Phương…Ngay sau khi Bác lặng lẽ vĩnh biệt chúng ta, bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, về với “Các cụ Các Mác, Lê Nin”, hàng loạt bài thơ khóc Bác ra đời, như một nén hương tri ân thấm thía, xúc động: “Bác ơi!” của Tố Hữu, “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” (Việt Phương), “Gửi lòng con đến cùng Cha” (Thu Bồn), “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” (Hải Như), “Thấm trong di chúc” (Vũ Quần Phương)…Tất cả đều được văn nghệ sĩ viết trong niềm kính phục, nỗi tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ mà cuộc đời đã trở thành huyền thoại bất tử.
Trong số các nhà thơ ấy, chưa ai vượt kỷ lục thơ về Bác như Tố Hữu. Cũng chưa có nhà thơ nào làm thơ viếng Bác nhanh và xúc động như nhà thơ Tố Hữu. Ngày 2/9/1969, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ trong Phủ Chủ tịch, Bác lặng lẽ vĩnh biệt chúng ta, bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới niềm đau thương, mất mát vô hạn. Ngay sau ngày Bác mất, ngày 6/9/1969, nhà thơ đã dâng Bác một điếu văn bi hùng (cách nói của nhà thơ Xuân Diệu) qua bài thơ “Bác ơi!”.
Bài thơ là tiếng lòng riêng của nhà thơ với Bác - một bài thơ hay nhất, cảm động nhất thể hiện lòng yêu mến, kính trọng, tiếc thương vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và ngợi ca công lao trời biển của Người. Tình cảm đặc biệt đó được xây dựng trên nội dung nhân đạo xã hội chủ nghĩa, đã trở thành tình cảm chung của cả dân tộc và nhân loại yêu chuộng hòa bình với lãnh tụ thiên tài.
Tình cảm mãnh liệt trong thơ Tố Hữu viết về Người vẫn có một sức lan tỏa diệu kỳ. Những vần thơ thấm đẫm nước mắt của nhà thơ cũng như nước mắt của toàn dân tộc Việt Nam thể hiện ở nguồn mạch thơ tuôn chảy theo nguồn cảm xúc dào dạt một cách tự nhiên, không ồn ào mà dư lắng nhịp đập của con tim:
“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa”
Nhà thơ đã nói được thật nhất tiếng lòng mình, “lòng trời” trong nỗi đau khôn xiết. Nhà thơ đã khái quát lên hình ảnh “đời tuôn nước mắt” cho nỗi đau chung của dân tộc, cho nỗi đau lớn lao của cả loài người tiến bộ. “Người tuôn nước mắt” đã gặp “trời tuôn mưa”. Đất trời, con người cùng chung chịu niềm đau thương, mất mát vô hạn. Nhà thơ đã miêu tả đúng hiện trạng khi những ngày đầu Bác đi xa, không khí ướt át, ảm đạm, đau buồn, trời đổ mưa kéo dài suốt tuần lễ. Hàng triệu người đi viếng Bác trong mưa. Nước mưa, nước mắt tràn nhòa, không còn phân biệt được đâu là nước mưa, nước mắt. Tố Hữu thảng thốt đến bên thang gác nghẹn ngào, nhạc thơ đứt đoạn, tức tưởi, đau đớn được câu thơ cắt nhịp 2/2/3 diễn tả tài tình sự thảng thốt khi “Phòng lặng/ rèm buông/ tắt ánh đèn/”.
Không thể tin Bác đã đi xa. Nhà thơ như vẫn thấy quanh Bác là “Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời”, là niềm tin tưởng, hy vọng của nhân dân miền Nam “Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!”. Nỗi đau mất đi người thân, như mất đi nguồn mạch sự sống, khiến nhà thơ xót xa khi nhìn “Trái bưởi vàng ngọt”, “hoa nhài tỏa hương” mà thiếu Bác trong cuộc đời. Vạn vật dẫu có đẹp mấy cũng trở nên vô nghĩa bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Đại từ phiếm chỉ ai (với ai?) kết hợp với câu cảm (hỡi) vừa là câu hỏi, vừa là câu cảm như tiếng khóc nức nở trong lòng nhà thơ, cùng đồng bào cả nước và của cả nhân loại. Bác mất đi là một tổn thất lớn không gì bù đắp nổi.
Bác đã trở thành người thiên cổ, trong hoài niệm của thi nhân, Người đi như trong cõi tiên: “Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm-Quanh mặt hồ in mây trắng bay”.
Miêu tả nỗi đau của mình, nhà thơ Tố Hữu đã phác lên hình ảnh sinh động, phác nên cuộc đời sinh hoạt giản dị, thanh bạch gắn liền với thiên nhiên, với cuộc sống của Bác. Nhà thơ thương Bác, thương một vị lãnh tụ suốt cuộc đời chỉ biết lo toan cho nước, cho dân “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Bài thơ bộc lộ những giai điệu của tâm hồn Tố Hữu khi nghe tin Bác mất, ca ngợi trái tim yêu thương “mênh mông” của Bác. Chính nguồn tình cảm cao quý này đã tạo ra sức mạnh vô biên cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Và Tố Hữu đã khái quát thành hai dòng tình cảm lớn là tình yêu nước “ôm cả non sông” và lòng thương người “mọi kiếp người”. Tìm hiểu con người Bác và thơ Bác, chúng ta càng thấy khái quát của Tố Hữu thật là sâu sắc. Như hiểu Bác, Tố Hữu mở rộng những khía cạnh của hai dòng tình cảm lớn đó để lý giải: “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau”. Và cụ thể hóa nỗi đau ấy là “nỗi đau dân nước”, đau đất nước còn cắt chia, đau vì nhiều dân tộc của “năm châu” còn chịu nhiều ách xiềng xích…
Hiểu thấu nỗi lòng của Bác đối với miền Nam, Tố Hữu đã diễn tả tình cảm sâu nặng của Bác đối với nhân dân miền Nam và tình cảm thiêng liêng của nhân dân Thành đồng Tổ quốc dành cho Bác:
“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng nghe mỗi tin mừng, tiếng súng xa”
|
Bác Hồ trồng cây vú sữa (Ảnh internet) |
Tố Hữu đã cảm nhận được điều bao trùm và hết sức cơ bản trong cách sống của
Hồ Chí Minh: con người ấy đạt đến cái tự nhiên như trời đất, tức là đã hoà đồng với tự nhiên, đã đạt đến cái cao sâu huyền diệu của sự sống. Và vì thế mà trường tồn với trời đất. Đó chính là ngọn nguồn sâu xa của niềm vui, tinh thần lạc quan và lẽ sống quên mình của Bác:
“Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”
Lòng nhân đạo bao la của Bác là một di sản quý báu: “Ôm cả non sông mọi kiếp người… Nâng niu tất cả chỉ quên mình” Từ lòng nhân đạo cao cả ấy, Bác đã hy sinh cả cuộc đời cho hạnh phúc của nhân dân, cho hôm nay và cho mai sau. Mỗi một nhận định, một minh chứng của Tố Hữu vừa có giá trị khái quát lại vừa cụ thể sinh động, làm nổi bật những khía cạnh tình cảm và tư tưởng phong phú của vị lãnh tụ : “Bác sống như trời đất của ta- Yêu từng ngọn lúa , mỗi cành hoa-Tự do cho mỗi đời nô lệ-Sữa để em thơ, lụa tặng già”.
Tố Hữu sống gần gũi với Bác Hồ, hiểu sâu sắc con người và hoạt động của Bác, được “toả sáng” bởi đạo đức, tác phong của Người nên trong những giây phút xúc động, nhà thơ đã cô đúc lại trong ngôn ngữ giản dị, trong sáng thành những lời rung động lòng người. Cuộc đời hoạt động cách mạng kỳ diệu của Bác, cuộc đời đầy hy sinh của Bác, là một cuộc đời vừa vĩ đại, vừa giản dị, thanh bạch:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Sự đối lập hình ảnh “áo vải mong manh” và “tượng đồng”, “hồn muôn trượng” và “phơi những lối mòn” cũng như sự đối lập trong từng câu thơ giữa hai vế đã khái quát được cả cuộc đời vĩ đại của Bác. Nghĩ đến công đức của Bác nhà thơ nhớ lại lời Di chúc của Bác “Còn non nước …”. Đoạn thơ vẫn là nỗi tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ, nhưng xúc động đã lý trí hơn, tình cảm được nén lại chiều sâu, biến đau thương thành sức mạnh: “Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều”.
Nhà thơ tin tưởng vào sự trường tồn của sự nghiệp cách mạng mà Người đã gây dựng và nguyện vươn lên vững chắc. Hình tượng của cả dân tộc Việt Nam hướng về Bác, quyết đi theo con đường của Bác được miêu tả hùng tráng, tươi đẹp:
“Yêu Bác , lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Bài thơ “Bác ơi !” của Tố Hữu xúc cảm dạt dào mà không bi luỵ, lý trí sáng suốt đã chế ngự được tình cảm đau thương. Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc hiện lên trong thơ với đầy đủ phẩm chất cao quý như tình yêu nước, lòng thương người, tác phong giản dị hoà hợp với thiên nhiên. Bằng nhạc điệu trang nghiêm, bằng hình ảnh thơ hoành tráng, bằng triết lý nhân bản sâu sắc, nhà thơ đã truyền đến người đọc niềm thương yêu, tôn kính vị lãnh tụ. Hình ảnh của Người hòa quyện với hình ảnh của Đảng, hình ảnh của cách mạng. Hình tượng thân thuộc mà vô cùng giản dị ấy của vị Cha già dân tộc được thể hiện một cách sâu sắc.
|
Bác Hồ với các chiến sĩ quân giải phóng Miền Nam (Ảnh internet) |
Nhà thơ Việt Phương trong tập thơ “
Cửa mở” đã có những bài thơ viết về Bác Hồ và về Đảng với những tình cảm trân trọng và sâu sắc. Ngày 2/9/1969, Bác Hồ - vị anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất, nhà văn hoá lớn ra đi và yên nghỉ giấc nghìn thu trong nỗi tiếc thương vô hạn của Dân tộc ta, của nhân dân. Việt Phương đi viếng Bác với vẻ mặt trầm tư. Suốt từ ngày 4-9 đến ngày 10-9-1969, nhà thơ lặng lẽ, suy nghĩ về Bác và để rồi viết bài thơ “
Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”. Bài thơ dài 104 câu đan quyện chất thơ, hồn thơ, tứ thơ một cách nhuần nhuyễn để ngợi ca công đức như trời biển của Hồ Chí Minh - một con người đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới:
“
Đêm nay nghìn vạn chúng con xếp thành hàng đi viếng Bác
Ôi làm sao nguôi được nhớ thương này
Chúng con đi cho cả người vắng mặt
Người chưa sinh người đã khuất cũng về đây
Việt Nam đau cả lòng người dạ đất
Sao mùa thu như nước mắt trời mây
Chúng con đi theo tiếng Người phía trước
Đường Hùng Vương dân tộc đi từ dựng nước đến ngày nay”
Nhà thơ khóc Bác trong niềm hồi tưởng về một người cộng sản chân chính suốt một đời quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, sống rất mực giản dị:
“Bác thường để lại đĩa gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ
…Khi ra đi chỉ dép lốp chiến trường”
Những sinh hoạt hàng ngày của Bác qua sự quan sát của nhà thơ đã đi vào thơ hết sức tự nhiên:
“Ngoài bảy nhăm Bác vẫn thường ném bóng
Cái gạt tàn thuốc lá hàng năm thôi không nóng trên bàn
Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng”
Bác ra đi trong niềm đau, nỗi tiếc thương vô hạn của dân tộc và nhân loại yêu chuộng hòa bình:
“Ba Đình nức nở và ròng ròng nước mắt
Ôi ta khóc tim ta dường như xé
Từ trái tim giọt lệ quá câu nguyền
Ta chẳng giấu trước bạn bè quốc tế
Nỗi đau này cao cả thiêng liêng”
Nhưng còn có một niềm đau rất riêng của nhà thơ trước việc ra đi của một vị lãnh tụ, cũng là đồng chí:
“Sao bao năm đồng chí với Người, con gọi Người:
Đồng chí
Là khi con vĩnh biệt Người, Đồng chí, Bác Hồ ơi
Con nguyện làm một mảnh của Người, đến trọn đời tận tụy
Hồ Chí Minh, người cộng sản rất mực Việt Nam
và vô cùng chung thuỷ con người”
Khi một trăm ngày Bác Hồ, Việt Phương viết bài thơ “Người như sự sống mãi sinh sôi”. Bài thơ là sự quy tụ những trái tim cùng chung nhịp đập nguyện suốt đời theo tư tưởng của Người:
“Tim vẫn đập cả khi ta quên mất
Buổi ta làm và trong giấc ta mơ
Trái tim ấy ta đúc bằng chân thật
Lắng tai nghe. Tim luôn đập: Bác Hồ”
“Tim vẫn đập. Ta nghe rồi tiếng Bác
Tiếng lương tâm ta khao khát yêu người
Dạ hương thầm theo suốt thời đánh giặc
Bác vào ta thành tiếng hát ngày mai”
Những ngày nhớ Bác, Việt Phương lặng lẽ đi trong mùa thu Hà Nội – mùa thu Thủ đô sẵn sàng tay súng chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhìn Tháp Rùa soi bóng trên hồ Gươm xanh trong; nghe hương cốm nồng nàn, hương hoa sữa quyến rũ trên đường Nguyễn Du; nghe tiếng gió từ phía sông Hồng lồng lộng...tất cả toát lên vẻ lạc quan, bình tĩnh của người Việt Nam trong chiến trận. Chính những lúc ấy, nhà thơ càng nghĩ nhiều đến Bác:
“Bác chiếu soi từ mỗi dòng nắng bạc
Bác nhìn ta từ tia mắt mỗi người
Ta sống đây, ta làm sao quên được
Bác của con. Con gọi: Bác Hồ ơi”
Việt Phương khâm phục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là xuất phát tự đáy lòng và từ trái tim của một người suốt đời vì nước, vì dân:
“Ta sẽ nói một lời tha thiết nhất
Lời còn ghi khi tất cả quên rồi
Lời sâu kín từ bao đời ấp ủ
Về Người như sự sống mãi sinh sôi”.
Bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” được nhà thơ Hải Như viết ngay trong tuần Bác mất. Nỗi đau thương không thể nói thành lời, nhưng nhà thơ đã cố gắng an ủi mình và mọi người ghìm tiếng nấc để Bác yên giấc ngàn thu:
“Hỡi ai đó, cắn chặt môi, hãy cố
Đừng để cho tiếng nấc động tai Người
Bác Hồ vừa chợp mắt ngủ đó thôi
Trước giường Bác, ta nghẹn ngào đứng ngắm”.
Nhân 100 ngày Bác mất, Hải Như tiếp tục viết bài thơ “Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra”:
“Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra
Đẹp thế đó, ôi linh hồn của Đảng...
Trái tim nhà thơ dào dạt niềm ước muốn:
“Xin Bác cứ tập bài quyền buổi sáng
Như mọi ngày trời mới rạng vầng đông”
Vẫn là những nỗi đau tột cùng khi dân tộc mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại, trong dòng nước mắt ấy, nhà thơ Vũ Quần Phương đã cảm nhận đầy đủ tư tưởng nhân văn của Người toát lên từ bài thơ “Thấm trong di chúc”:
Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân
Nói về Đảng cũng vì dân mà nói,
Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói
Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ǎn,
Thắng quân thù dẫu phải mấy mươi nǎm
Nhưng hạt thóc rụng giữa đồng Bác tiếc.
Nguồn biển lớn uống muôn đời không hết
Vẫn kính nhường từng hạt nước trong sông.
Trong Di chúc để lại Bác không quên một ai. Và “Lần đầu tiên Bác nói đến niềm riêng” thì vẫn là sự giản dị của một nhân cách lớn:
Bữa cơm ǎn vẫn quen nhút quen cà,
Lúc nhắm mắt xin dâng đừng tang chế.
Nghe tin Bác mất, từ chiến trường miền Nam, Thu Bồn đã Gửi lòng con đến cùng Cha để thắp nén hương viếng Bác. Bài thơ là tiếng lòng, là tình cảm tri ân của miền Nam thành đồng nhớ Bác khôn nguôi:
Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
Con qua Cẩm Lệ sông Hàn
Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha
Nhà thơ nói được nỗi niềm của miền Nam mong đợi Bác. Bao yêu thương, mong chờ, hy vọng, Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim phương Nam:
“Bác nằm lòng trải ven đê
Quả tim khuya sớm đi về miền Nam
…Mà con trông đợi Bác vô
Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng
Con xin gửi nắm đất nồng
Chắn che giữ nước sông Hồng đương lên
Cho con làm một mũi tên
Xòe nǎm cánh nhọn giương trên thành đồng”
Nếu như nhà thơ Tố Hữu viết về Bác bằng tình cảm chân thành và mộc mạc thì Chế Lan Viên lại có cách viết tinh tế, sâu sắc. Ông là một trong những nhà thơ sau Tố Hữu viết về Bác Hồ thành công nhất. Đôi khi Chế Lan Viên không quen viết kịp thời. Sự suy ngẫm, dồn nén, sau hai năm Bác qua đời, năm 1971, nhà thơ viết về Bác với tầm tư tưởng lớn, hết sức cảm động.
Khi Ðài Tiếng nói Việt Nam đọc thông cáo của Trung ương Bác Hồ mệt nặng, nhân dân cả nước có chung một nỗi lo lắng, bồn chồn như chính nhà thơ:
“Không, không bao giờ ta quên ngày hôm ấy
Cả gia đình lắng bên đài nghe thông cáo Trung ương
Bác mệt nặng. Lòng ta quây lấy Ðảng
Cơn đau lớn rồi đây sao? Cả đất nước kinh hoàng.
Ta dại dột từng nghĩ thầm đôi lúc
Bác sống cùng ta một số ngày trên trái đất
Rồi sẽ qua, như tất cả mọi thiên tài
Sự thật đến rồi đây sao!
Sự thật
Ðài chưa báo xong câu ... lòng đã khóc rồi!
(Giờ phút chót)
Thơ Chế Lan Viên thiên về triết lý. Trong bài thơ “Di chúc của Người”, nhà thơ viết:
“Di Chúc Người viết cho ta, đâu phải vì Người
Bác sợ khi Bác đi rồi, ta sẽ lạnh
Sợ ta đau, sợ ta rồi lơ đễnh
sợ ta quên
Người gửi lại một niềm tin.
... Mắt rưng lệ, ta đọc Di chúc Người từng câu, từng chữ
Ngỡ như trước mắt, trên cao đâu đó, Bác nhìn!”
Trong thơ Chế Lan Viên, Bác như bông hoa sen thơm ngát, như cây xanh tỏa bóng mát cho đời. Người ra đi, nhưng tình cảm, tư tưởng của Người vẫn còn mãi: “Bác vĩnh cửu muôn đời không thể mất/Người ở trong lăng và người ở ngoài lăng” (Trong lăng và ở bên ngoài). Như tựa đề một bài thơ của Chế Lan Viên “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người”, mỗi người dân Việt Nam hôm nay đang cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người- Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ nhận ra trong dòng nước mắt nhân dân ta khóc Bác một sức mạnh đã kết tinh :
... Tổ quốc khóc Người Cha. Ðấy là Việt Nam. Ðấy là sức mạnh
Tiếng khóc lọc hồn ta như lửa chói ngời
Mình nhận ra ta, ta nhận ra Người
Cả dân tộc tìm ra mình qua tiếng khóc
(Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối)
Tin Bác mất đến với bạn bè năm châu, sự tiếc thương về một vị lãnh tụ với nhân cách lớn đã khiến Cụ Riôkê Onisi (trên 100 tuổi), là một vị cao tǎng Nhật Bản có uy tín lớn đã nhịn ǎn và viết bài thơ “Trời xanh đón Người về” để kính viếng:
“Trời xanh đón người cứu nước về
Đau lòng chúng sinh trên đường mê
Xưa nay hiếm bậc lão anh kiệt
Chiếc lá thu bay: trời ủ ê”
Có thể nói bằng những đúc kết đặc sắc của mình, các nhà thơ đã phát hiện những khía cạnh tài tình trong phẩm chất cao quý Hồ Chủ Tịch. Người là linh hồn cho cách mạng Việt Nam với một sứ mệnh cao cả tìm ra con đường cứu nước cho cả dân tộc. Cảm xúc thẩm mĩ cùng trí tuệ sắc sảo đã làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ thiên tài. Đồng thời thơ đã diễn đạt khá trọn vẹn lòng kính yêu của các nhà thơ đối với anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
40 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cụ Các Mác, Lênin, về với thế giới người hiền, thì nỗi tiếc thương và những tình cảm mến yêu dành cho Người vẫn cháy bỏng khôn nguôi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Toàn dân đang náo nức trong niềm vui của mùa thu cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, giành độc lập tự do cho đất nước, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng mùa thu đã thiếu vắng một người – một trái tim nồng ấm “đỏ như sao hỏa, sáng sao kim”. Biến đau thương thành hành động cách mạng, chúng ta nguyện mang tư tưởng vĩ đại của người vào cuộc sống chiến đấu và dựng xây đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ trước lúc đi xa. Và mỗi con cháu của Người :
“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”
(Bác ơi! Tố Hữu)