Cổng làng - cánh cửa văn hóa
"Cổng chào dẫn vào thành phố, biển giới thiệu hay chúc thượng lộ bình an, đồng hồ lớn ở những khu vực này, theo tôi thấy đều không mang dấu ấn văn hóa, không thể hiện được bản sắc" - nhà thơ Nguyễn Trọng Văn nhận xét. Ông cũng cho rằng: "Một chiếc cổng Việt xây với phong cách cổ truyền và quy mô phù hợp mới mang ý nghĩa gợi mở về văn hóa, nâng cao tính cố kết cộng đồng".
Trong phác thảo của người đề ra ý tưởng xây dựng cổng làng cho Thủ đô, sẽ có khoảng 4-5 chiếc cổng đặt ở những điểm dẫn vào vùng trung tâm và hướng về các vùng văn hóa xung quanh thành phố. Đó là Kinh Bắc, xứ Đoài, vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ… Mỗi cổng mang phong cách kiến trúc với những hoa văn, họa tiết và chất liệu đặc trưng cho vùng văn hóa đó. Cổng Kinh Bắc cầu kỳ, tinh tế như âm hưởng những bài quan họ, với nét lịch lãm, văn hiến của con người nơi đây. Cổng Đoài với vẻ giản dị, chắc khỏe, xây bằng đá ong, thứ vật liệu phổ biến của người dân miền đất cổ...
Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn chia sẻ: "Vào và ra khỏi Hà Nội qua chiếc cổng làng ấy, người ta thấy gần gũi hơn, thấy như đi về nhà mình, quê mình, thấy gắn bó chứ không chỉ coi đây là chốn mưu sinh".
Cần nhiều cánh tay
Tác giả của ý tưởng đã đăng ký bản quyền này đã đề đạt lên UBND TP Hà Nội, Sở VH-TT&DL, Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội. Hy vọng từ đây có thể xây dựng thành đề án trình thành phố và tiến hành theo hai hướng: kinh phí của Hà Nội hoặc kêu gọi xã hội hóa. Nếu đề án được thành phố phê duyệt, hướng xã hội hóa cũng nhiều khả thi vì vốn đầu tư không quá lớn, không ảnh hưởng nhiều về mặt bằng…
Trong ý tưởng về mẫu cổng, có mấy cách: lựa chọn, kế thừa hợp lý những cổng làng tiêu biểu của vùng để thể hiện được phong cách chung của nhiều cổng làng cũ; hoặc tìm chọn một mẫu cổng đẹp nhất, tiêu biểu nhất của mỗi vùng rồi "phóng đại" lên cho phù hợp với không gian, cảnh quan nơi đặt… Có nhiều địa điểm cho những chiếc cổng làng theo nhà thơ Nguyễn Trọng Văn: ngã tư Cầu Giấy, ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, ngã tư đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt…
Thiết nghĩ, tuy không phải là công trình quy mô lớn nhưng nếu được tiến hành, dự án trên rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa. Chặng đường từ ý tưởng đến thực tiễn không gần, nhưng trong thời điểm cả nước hướng về ngày Đại lễ này, mỗi ý tưởng là một động lực mạnh mẽ để thành phố của chúng ta vững vàng khi bước vào ngưỡng nghìn năm tuổi.
Theo Lưu Nguyễn-HNM