Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 23/8/2009 20:33'(GMT+7)

"Hậu tái cấp phép" ?

Việc cấp mới giấy phép ka-ra-ô-kê, vũ trường sẽ giúp việc quản lý hoạt động kinh doanh này chặt chẽ hơn.

Việc cấp mới giấy phép ka-ra-ô-kê, vũ trường sẽ giúp việc quản lý hoạt động kinh doanh này chặt chẽ hơn.


Sau hơn 4 năm tạm ngừng, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản trình Chính phủ về dự thảo nghị định và quy chế thay thế Nghị định 11/2006 và quy chế về hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng. Trong đó, việc cấp mới giấy phép ka-ra-ô-kê, vũ trường thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Cần thiết phải cấp phép mới

Theo lý giải từ Bộ VH-TT&DL, sở dĩ Bộ đề nghị cấp phép mới cho loại hình kinh doanh văn hóa công cộng này nhằm mục đích "đáp ứng một phần nhu cầu xã hội". Đồng thời, ngành văn hóa cũng khẳng định, sau một thời gian tạm ngừng cấp phép, thắt chặt quản lý, lĩnh vực này đã ít nhiều đi vào "quy củ". Hơn nữa, việc ngừng cấp phép đã làm cho nảy sinh nhiều biến tướng khiến người quản lý văn hóa tại các địa phương, nhất là các thành phố lớn lúng túng trong công tác quản lý. Không cấp phép kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường thì họ hoạt động dưới dạng phòng thu âm, tổ chức các cuộc nhảy tập thể ở những quán bar… Như vậy, có thể thấy rằng về mặt quản lý nhà nước, việc cấp phép mới sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn, tốt hơn nữa loại hình dịch vụ kinh doanh tương đối nhạy cảm này.

Theo thống kê mới nhất của Bộ VH-TT&DL, tính đến nay đã có 48/63 địa phương xây dựng xong quy hoạch ka-ra-ô-kê, vũ trường với 8.659 cơ sở đang hoạt động và con số được quy hoạch đến năm 2020 là 11.419 cơ sở. Như vậy, tuy là cấp phép mới nhưng Bộ cũng sẽ "khống chế mức trần", từ nay đến thời điểm 2020 sẽ có gần 3.000 giấy phép mới sẽ được cấp. Tất nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường cũng như nhu cầu xã hội đối với loại hình giải trí này.

Sẽ quản lý như thế nào?

Mặc dù đề nghị Chính phủ cho cấp phép mới song hình như những người quản lý văn hóa cũng chưa chuẩn bị phương thức quản lý như thế nào nếu xảy ra tình trạng xin phép ồ ạt - trong một thời gian ngắn. Câu hỏi đặt ra là đối với những cơ sở đang hoạt động, liệu những người có trách nhiệm ở các địa phương đã quản lý "ổn chưa ?". Và với những điều kiện kinh doanh mới liệu có bao nhiêu cơ sở đủ điều kiện cấp phép khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Phải có sự đồng ý của hộ liền kề, cách trường học, công trình tín ngưỡng tôn giáo 200m…? Với những điều kiện không mấy đơn giản đó, việc cho cấp phép mới có dẫn đến tình trạng "chạy giấy phép"? Ông Lê Anh Tuyến - Cục trưởng Cục Pháp chế - Bộ VH-TT&DL thừa nhận, đây là "cuộc chiến" mà người bị động chính là cơ quan quản lý văn hóa, cũng như lực lượng liên ngành. Biện pháp duy nhất có thể áp dụng là "cơ sở kinh doanh nào vi phạm sẽ xử phạt". Có thể thấy, vấn đề "hậu cấp phép mới" chưa được tính tới, vẫn là cách làm "đến đâu hay đến đó", "phối kết hợp của nhiều ngành" và rất có thể "lại tạm ngừng cấp phép lần hai" khi nảy sinh những sự cố ngoài mong muốn.

Nhiều vấn đề mới cần quan tâm

Từ nhiều năm qua, nhất là khi tạm ngừng cấp mới, lĩnh vực kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường luôn bị coi là điểm nóng của xã hội, đôi khi nó còn bị "thổi nóng trên mức cần thiết". Dẫu biết rằng, về mặt quản lý nhà nước xác định đây là loại lĩnh vực hạn chế kinh doanh, không khuyến khích phát triển. Về mặt xã hội, những biểu hiện của nó khiến có người nghĩ nó là nơi "phát sinh tệ nạn xã hội". Nhưng đây chỉ là những vấn đề các cơ quan nhà nước quản lý được, còn những vấn đề khác trong lĩnh vực này từ lâu còn bỏ ngỏ. Đó là hoạt động kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường tại các tàu nước ngoài, tàu có sao, khu kinh tế. Đây là những nơi diễn ra hoạt động này rất phong phú, đa dạng lại phức tạp với yếu tố nước ngoài. Đề cập đến vấn đề này, ông Tuyến cho biết, sẽ ra văn bản điều chỉnh riêng, song thời điểm nào thì chưa có câu trả lời chính xác từ cơ quan quản lý văn hóa.

Có lẽ sẽ phải một thời gian tương đối dài, vì rằng, ngay như thời gian hoạt động của các cơ sở trong nước cũng đang phải tiếp tục bàn luận: Cơ sở kinh doanh điện tử sẽ đóng cửa từ mấy giờ và sẽ hoạt động trở lại vào mấy giờ (22h - 23h và mở cửa vào 8h sáng?). Đối với cơ sở du lịch từ 4 sao trở lên (cơ sở này thuộc diện được cấp mới) sẽ được hoạt động đến mấy giờ đêm (12h đêm, tối đa là 2h sáng). Một quy định chưa nhận được sự đồng tình từ các địa phương là việc mở rộng cấp phép mới cho các quán bar thuộc khách sạn 3 sao, vũ trường trong khách sạn 4 sao cũng như thời gian hoạt động của nó (khống chế thời gian hoạt động). Theo giải thích của Bộ VH-TT&DL, sở dĩ khống chế thời gian hoạt động của nó vì "e rằng không quản lý nổi". Hiện cả nước có khoảng 130 khách sạn 4-5 sao, tất nhiên con số này không dừng lại ở đây trong thời gian tới. Việc "chỉ cấp phép cho các khách sạn 4-5 sao" cũng là nằm trong chủ trương "hạn chế kinh doanh và không khuyến khích phát triển"./.

(Theo: Phạm Hải/HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất