Trong một tác phẩm âm nhạc khó có thể chỉ ra chỗ này hoặc thủ pháp này là dân tộc, còn chỗ kia, thủ pháp nọ là hiện đại. Bởi vì một tác phẩm hoàn chỉnh có tính sáng tạo luôn luôn hình thành trong mối quan hệ hữu cơ: dân tộc hóa yếu tố hiện đại và ngược lại, hiện đại hóa yếu tố dân tộc. Tuy nhiên để phân tích vẫn phải so sánh để tìm ra sự khác biệt giữa cái cũ - tức cái vốn có và cái mới - tức cái du nhập, bổ sung.
Tôi nhớ, nhạc sĩ Ðỗ Nhuận đã tạo cái mới cho bài Hoa thơm bướm lượn (quan họ) chỉ bằng một nốt nhạc. Chúng ta biết bài dân ca đã kết bằng âm chủ được nhắc lại hai lần: Bướm lượn là bướm ối a nó bay, bướm dạo là bướm ối a nó bay. Ðỗ Nhuận chỉ cho về âm chủ ở lần nhắc lại, còn lần trước đó thì dừng ở một âm bậc cao hơn, tạo nên sự đòi hỏi mạnh hơn để được về âm chủ. Có lẽ đây là sự đổi mới cực bé, chỉ bằng một nốt nhạc, nhưng ý nghĩa lại rất lớn, bởi nó khẳng định sự đòi hỏi phát triển mạnh mẽ hơn để tạo nên vẻ đẹp mới, hợp với tâm lý thời đại. Có lẽ nhờ sự nhạy bén hiếm có này mà cố nhạc sĩ Ðỗ Nhuận đã tạo nên cho mình một ngôn ngữ riêng: mộc mạc mà hóm hỉnh, có duyên, man mác mà đằm sâu lắng đọng. Tôi thật sự kinh ngạc khi được biết những đặc điểm này được tác giả sáng tạo nên chủ yếu từ bài Xuân nữ, một bài dân ca của đồng bằng Bắc Bộ. Khi còn là quản ca của một đại đội, tôi đã được nhạc sĩ Ðỗ Nhuận chỉ bảo: "Phải ngấm dân ca để thể hiện tâm hồn con người hôm nay". Tôi nghĩ đây là bài giảng đầu tiên cho tôi về tính dân tộc và tính hiện đại.
Cho đến hôm nay, nền âm nhạc Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm thành công được viết nên từ chất liệu dân ca cụ thể, hoặc chỉ mang mầu sắc dân ca của vùng miền. Có thể coi đây là cách từ nguồn đi ra. Có một cách khác, ngược lại, là từ ngoài về nguồn. Ðây cũng là một dòng lớn nảy sinh và phát triển trước hết từ các thành phố. Thành thị luôn luôn là nơi tập trung những yếu tố ngoại nhập, không chỉ trong âm nhạc mà trong toàn bộ nền văn học - nghệ thuật. Nền tân nhạc của chúng ta đã hình thành từ môi trường này qua ba bước là "nhạc tây lời tây", "nhạc tây lời ta", "bài ta lời ta". Nhiều tác phẩm trong dòng này không rõ âm hưởng ngũ cung nhưng vẫn mang đậm tâm hồn của người Việt, đã góp phần không nhỏ tạo nên ngôn ngữ ca khúc cách mạng Việt Nam. Một thể loại mới hình thành trong nền ca khúc cách mạng là hành khúc, mà trong kho tàng dân ca của chúng ta vốn không có thể loại này. Như vậy, cái mới có thể được nảy sinh trong một nốt nhạc, trong một bài hát cho đến một thể loại và cuối cùng là cả một nền nhạc.
Nhạc nhẹ với tiết tấu trẻ trung, được sự hỗ trợ của các nhạc cụ điện tử, lại sinh ra cùng thời với cuộc cách mạng khoa học công nghệ thông tin nên đã phát triển như vũ bão. Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay có nhiều thuận lợi so với thời tân nhạc; nếu yêu thích có thể trong một thời gian ngắn tiếp xúc với toàn bộ nền âm nhạc đại chúng trên thế giới và nếu muốn có thể chỉ tuần trước tuần sau, thậm chí ngày một ngày hai là đã tự "sáng tác". Sự phát triển tới mức ồ ạt không cần qua ba bước như thời tân nhạc, không phân ranh giới giữa chuyên nghiệp và không chuyên đã có lúc tạo ra sự ngộ nhận: đây là cái mới đích thực, đồng thời là nền âm nhạc tiêu biểu đích thực của Việt Nam hôm nay. Theo thiển ý của tôi, đây là một sân chơi âm nhạc rất cần cho tuổi trẻ hôm nay và đương nhiên nó không thể nằm ngoài nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nhưng với những đặc thù của riêng nó. Vấn đề là định hướng tốt, quản lý tốt.
Nhìn chung nền ca khúc cách mạng của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục phát triển để trở thành một ngôn ngữ đủ sức lan tỏa. Thời gian qua chúng ta đã phạm một sai lầm lớn là coi nhẹ nền khí nhạc, trong lúc chỉ có nền khí nhạc mới tạo nên động lực thật sự thúc đẩy sự hoàn thiện của ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại. Tại sao vậy? Vì trước hết, khi không còn bị phụ thuộc vào lời ca thì chất âm nhạc thuần túy được bộc lộ với tất cả vẻ đẹp của nó, từ tạo dựng hình tượng nghệ thuật trong chủ đề âm nhạc, trong phát triển, trong tái hiện với những thủ pháp tinh vi, tế nhị nhất, thể hiện trong âm sắc của tất cả các loại nhạc cụ, trong âm vực rộng lớn của cả dàn nhạc với sự biến đổi khôn lường của cường độ tốc độ, ngoài ra sự pha trộn mầu sắc thông qua sự kết hợp các bộ (bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng, bộ gõ...), và chúng ta có thể tìm thấy các trường phái, các tư tưởng lớn của thời đại từng được thể hiện trong những tác phẩm nhạc không lời. Chắc chắn không nhầm lẫn khi ngôn ngữ âm nhạc không lời mà đỉnh cao là giao hưởng được thế giới tôn vinh là âm nhạc bác học. Vì vậy cho tới giờ, một trong những thước đo dân trí của một dân tộc, của một nước là căn cứ vào nền âm nhạc bác học của nước ấy, của dân tộc ấy.
Vậy dân ta có thể nghe được nhạc giao hưởng không? Xin trả lời ngay: một bộ phận dân ta đã nghe được nhạc giao hưởng từ cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Thật cảm động khi ăn chưa no, mặc chưa ấm, chương trình học không nhẹ chút nào mà các sinh viên nô nức tới nghe dàn nhạc giao hưởng trình diễn chật kín hội trường, chật kín sân bãi. Cũng thời điểm ấy tuổi trẻ học đường còn được thưởng thức nghệ thuật ba-lê - một ngôn ngữ đẹp từ đường nét cơ thể đẹp trên nền nhạc giao hưởng, năng lực thẩm mỹ qua mắt nhìn, tai nghe được nâng lên rõ rệt. Tôi đã được dự buổi trình diễn đầu tiên tác phẩm Tiếng pháo giao thừa của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, chỉ bằng những nhạc cụ gõ dân tộc, tác giả đã diễn đạt được sự hồi hộp trước phút giao thừa qua tiếng mõ đều đều, thi thoảng điểm xuyết tiếng trống lúc gần lúc xa, rồi niềm vui bất ngờ ập tới khi tiếng pháo giao thừa nổ ran qua thủ pháp gõ vào tang trống... Cuối cùng phút giao thừa cũng qua, chỉ còn tiếng tích tắc của thời gian lặng lẽ, vô tình, vang lên nhỏ dần, gieo vào lòng người nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Tác phẩm vừa dứt, một tràng pháo tay vang lên mạnh và kéo dài như muốn diễn đạt một lần nữa niềm vui đón giao thừa nhưng dành riêng tặng cho tác giả. Ðặc biệt là tác phẩm Ông Gióng, với lối trình diễn bằng dàn nhạc dân tộc, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát như dựng lên một chuyện tranh được vẽ bằng bút pháp tranh Ðông Hồ hết sức sinh động. Người nghe như được sống trở lại trên quê hương thời rất xa xưa trong những giây phút thanh bình cũng như trước hiểm họa ngoại xâm, và rồi cùng dân làng đúc ngựa sắt, nón sắt, giáp sắt, gậy sắt và cùng lên đường đi đánh giặc cho đến ngày thắng lợi... Tác phẩm đã được nhiều lần giới thiệu trên làn sóng phát thanh theo yêu cầu của nhiều thế hệ thính giả, và đã được dựng lên thành phim hoạt hình. Theo tôi, những dẫn chứng vừa nêu đã có thể nói lên phần nào cảm thụ nhạy bén không chỉ riêng của lớp trẻ đối với nhạc không lời, chỉ tiếc rằng giá như chúng ta chú ý giữ được nền nếp sinh hoạt này liên tục từ lúc đó đến bây giờ mà không bị ngắt quãng một thời gian khá dài. Việc coi nhẹ khí nhạc đã biến nền âm nhạc Việt Nam trở nên khập khiễng, thậm chí một nền âm nhạc đi một chân, gây nên sức ỳ lớn trong quá trình phát triển.
Cũng từ nhận thức không đầy đủ này nên vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc cho đến hôm nay vẫn chủ yếu chỉ được xem xét và nghiên cứu trong phạm vi hẹp là ca khúc; không khác gì để uốn một dòng sông mà không chịu ra giữa dòng để đo đạc, xem xét để từ đó tìm ra giải pháp và quy trình, mà mới chỉ đo đạc nguồn nước đổ ra con sông đó. Chúng ta đều biết ý nghĩa quan trọng của mối quan hệ sáng tác - biểu diễn và công chúng. Nhưng theo tôi việc cần làm trước mắt là đặt trọng trách củng cố và phát triển hoạt động khí nhạc lên vai Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời tạo mọi điều kiện để Hội hoàn thành trọng trách này. Một khi chính hội viên Hội Nhạc sĩ không mặn mà với khí nhạc thì làm sao vận động được công chúng tìm hiểu và say mê thể loại này?
Số lượng băng nhạc các tác phẩm khí nhạc của chúng ta hiện có, trong đó không ít giao hưởng, đủ để giới thiệu cho nhiều cuộc hội thảo. Nếu tổ chức Câu lạc bộ khí nhạc thì sẽ tạo được nếp sinh hoạt thường xuyên hàng tuần nghe nhau, trao đổi, động viên giúp nhau ngày một nâng cao tay nghề, đồng thời góp phần nâng cao trình độ thẩm âm trong công chúng. Chỉ có vậy dần dần chúng ta mới có được sự quân bình tương đối giữa khí nhạc và thanh nhạc, giữa ca khúc và giao hưởng. Lâu nay ngành nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc luôn luôn được coi là yếu. Theo tôi, lỗi cũng một phần ở tổ chức. Vì đã có lúc ở Viện Âm nhạc đã thành nếp sinh hoạt tác giả - tác phẩm, nhờ đó các nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình có thể phát biểu chính kiến của mình, giới thiệu, khích lệ cũng như uốn nắn những lệch lạc trong đời sống âm nhạc. Nếu khôi phục được nề nếp này với hình thức câu lạc bộ, tôi tin Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tạo được sinh khí mới trong nghề nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thiết thực để các nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc hành nghề.
Nền âm nhạc mới Việt Nam của chúng ta, bao gồm cả khí nhạc và thanh nhạc đã có thể cung cấp đủ tư liệu để chúng ta viết nên những công trình mang tính lý thuyết, đem lại cái nhìn sâu và rộng, bao quát tổng thể một ngôn ngữ mới đầy sức sống đang hình thành. Thông thường lý thuyết chỉ được viết ra khi đã có những tác phẩm mẫu mực được công chúng trong và ngoài nước thừa nhận (như những sách lý thuyết âm nhạc cơ bản, sách phân tích tác phẩm, sách giới thiệu các thủ pháp phối âm phối khí được sử dụng trong các nhạc viện thế giới,...). Tuy nhiên, nếu chỉ chờ đến khi có những tác phẩm mẫu mực - thực chất là những tác phẩm của những thiên tài - thì tiến trình sẽ phải kéo quá dài. Chúng ta có thể rút ngắn tiến trình này bằng cách tiến hành nghiên cứu song song với thực hành, vừa thúc đẩy vừa gợi mở cho thực hành, đồng thời đúc kết thành những điều mang tính lý thuyết. Có thể coi đây cũng là một cách "đi hai chân" đáp ứng với yêu cầu phát triển hôm nay./.
Nhạc sỹ Doãn Nho
(Theo Nhân Dân điện tử)