Đích của cuộc thi là đưa những câu chuyện về VN đến với thế giới thông qua những hình thức thể hiện khác với những gì mà các nhà làm phim tài liệu của chúng ta quen làm.
Cơ hội cho những người ưa sáng tạo
Không vô cớ chọn vấn đề “Đô thị hoá ở VN” là đề tài của cuộc thi. Tưởng hẹp, nhưng thực chất đây là đề tài mở với biên độ rất rộng. Mong muốn của BTC dự án là khuyến khích các nhà làm phim tài liệu trẻ bộc lộ tài năng của mình qua việc ghi lại những khoảnh khắc chuyển dịch của xã hội Việt trong giai đoạn mở cửa và hội nhập. Các ứng viên tham gia cuộc thi (là người mang quốc tịch VN và đã có kinh nghiệm làm phim) sẽ trình bày dự thảo phim tài liệu có nội dung dựa trên chủ đề “Đô thị hoá ở Việt Nam” dài 30 phút để BTC dự án chọn khoảng 12 ứng viên tham gia khoá đào tạo ngắn hạn 3 ngày vào tháng 9.2009 tại Hà Nội. Tất cả những ứng viên này cũng có thể có cơ hội được tài trợ phí làm phim. Năm người được chọn ở vị trí cao nhất sẽ làm việc với Uproar Asia, một công ty Singapore chuyên sản xuất phim tài liệu và truyền hình được Discovery chỉ định, để sản xuất phim của mình. Những bộ phim này sẽ được phát hành lần đầu tiên trên sê-ri của kênh Discovery: “Nhìn về Việt Nam”. Tất cả chi phí sản xuất của các bộ phim cùng với thời gian đào tạo với Uproar châu Á sẽ được tài trợ bởi Quỹ Ford.
Sau 9 tháng làm việc, sẽ có khoảng từ 20 đến 40 nhà làm phim mang quốc tịch Việt Nam sẽ nhận được những kinh nghiệm rất thiết thực về đạo diễn và quản lý sản xuất, hay giám sát sản xuất và dựng phim,... Tất cả những kinh nghiệm này đều được dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu về sản xuất truyền hình.
Trước VN, Discovery đã tổ chức nhiều dự án sản xuất phim với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia và khá nhiều phim của dự án đã được trao giải thưởng.
Và tâm sự của những người làm Discovery Việt
Tại VN, nhóm làm phim Tài liệu khoa học- Ban Khoa giáo (Đài THVN) được coi là những người “mở đường” khi sử dụng phong cách của Discovery vào những đề tài thuần Việt. Liên tiếp gặt hái thành công từ các mùa giải thưởng của truyền hình và điện ảnh, từng “sốc” và “khóc” vì bị nghi “copy tài liệu nước ngoài” chỉ bởi phim “sinh động quá”, nhóm “mở đường” lặng lẽ chi chút tạo dựng diện mạo một dòng phim mới với không ít khó khăn. Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng phim Tài liệu- Khoa học tâm sự: “Kinh phí sản xuất 1 phim của chúng tôi là khoảng 2.000 USD, trong lúc cũng đề tài đó, Discovery đầu tư gấp vài trăm lần. Riêng tiền họ trả cho đội ngũ khoa học cố vấn cho phim cũng đủ để mình làm phim trong 5 năm. Kinh phí có hạn, nên trong nhiều trường hợp ở những phim khoa học chúng tôi phải tự mày mò nghiên cứu tài liệu; nếu có mời ai đó làm cố vấn thì cũng chỉ trả “cát xê” vài trăm ngàn đồng. Cát xê thấp nên... họ cũng chỉ “cố vấn” đúng với giá được trả. Tuy nhiên, cũng có một vài người thực sự nhiệt tình. Họ bảo, quý sự đam mê đến liều lĩnh của chúng tôi mà “lăn lộn cùng”. Đơn cử như vị cố vấn tham gia loạt phim về Công viên tự nhiên mà chúng tôi đang quay. Bám sát đoàn phim suốt chặng đường từ Nam ra Bắc, ròng rã cả tháng trời, vậy mà thù lao được trả chỉ có vài triệu, thật ngại quá”.
Đam mê phong cách Discovery nhưng nhóm làm phim của Lâm lại không dám chắc có thể tham gia vào dự án phim lần đầu tiên được Discovery châu Á tổ chức tại VN. Bởi, ngày 20.8 cả nhóm phải lên đường vào Gia Lai thực hiện tiếp sê- ri phim Công viên tự nhiên. Với mong muốn giới thiệu đến người xem nét độc đáo của địa mạo vỏ địa chất ở VN, ngoài những điều mà khán giả đã biết, nhóm làm phim Discovery Việt dự định tập trung làm nổi 4 nội dung : cổ sinh học, núi lửa, các sông ngầm, địa mạo đặc biệt ở các địa danh được gọi là Công viên tự nhiên của VN, như: Gành đá Đĩa, Phong Nha, Hồ Ba Bể v.v... Qua đó, trả lời hàng loạt câu hỏi mà dư luận đã và đang quan tâm, như: tại sao VN không phát hiện dấu vết khủng long? Các sinh vật cổ đại ở VN như thế nào? Hóa thạch động vật ở VN ra sao? v.v... Tuy nhiên, Hoàng Lâm cũng cho biết, cả nhóm sẽ tham gia vào buổi công bố dự án tới đây của Discovery châu Á để xem có thu xếp được thời gian “đua” với Discovery châu Á mà không ảnh hưởng đến kế hoạch làm phim đã ấn định với nhà đài.
Lần đầu làm phim là một cuộc thi nhằm tạo ra sân chơi cho các nhà làm phim bản địa để họ có thể kể những câu chuyện về đất nước mình với thế giới. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ được dịp tiếp xúc với những ý tưởng hấp dẫn, có sức thuyết phục, độc đáo về những thay đổi phi thường của Việt Nam, đồng thời phát hiện các tài năng từ đất nước này. (Kevin Dickie, Tổng phụ trách và Phó giám đốc thứ hai của Discovery khu vực Đông Nam Á, thuộc Disocvery châu Á-Thái Bình Dương)
Theo Nguyệt Nhi-VanHoaOnline