Với phương châm "Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) trở thành điểm tựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng biên giới thượng nguồn sông Chảy.
Chúng tôi lên Ðồn Biên phòng 235 Pha Long vào lúc cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai do Ðảng và Nhà nước trao tặng, nhân dịp Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3-3. Trong câu chuyện với Ðại úy, Phó Ðồn trưởng nghiệp vụ Mai Ðức Thịnh, được biết anh đã nối tiếp người cha thân yêu, nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng để bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cha anh nguyên là Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Pha Long, nay đã về nghỉ hưu. "Tôi sinh ra ở đồn biên phòng, lớn lên và trưởng thành từ mảnh đất biên giới Pha Long, nên tự nguyện thi vào Học viện Biên phòng, nối tiếp công việc của cha và được gần gũi đồng bào dân tộc đã cưu mang, đùm bọc tôi từ nhỏ, đó là niềm tự hào"- Thịnh nói. Những người lính ở Ðồn Biên phòng Pha Long thuộc nhiều miền quê khác nhau như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Lào Cai..., nhưng đều coi "Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".
Ðồn Biên phòng Pha Long quản lý 16,3 km đường biên giới, thuộc hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Hỏi chuyện Thượng úy Tạ Xuân Hòa, Ðội trưởng Ðội vận động quần chúng, mới biết Pha Long là một trong số rất ít xã của huyện Mường Khương còn thôn Ma Lù Thàng chưa có đường giao thông, phải đi bộ bằng đường mòn của dân. Mùa đông ở đây rét buốt thịt da, mùa hè ruồi vàng đốt sưng cả mặt. Thế nhưng bốn cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của đội, phân công theo tổ hai người, liên tục bám bản, bám dân theo quy trình khép kín, "ba cùng" với đồng bào, nhờ vậy nắm rất chắc tình hình địa bàn, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Những năm qua, đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Tu Dí, Pa Dí... đã cung cấp cho đồn hàng nghìn nguồn tin, trong đó có 427 tin có giá trị, tham gia 1.800 buổi tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc. Ðồng bào các dân tộc nơi đây đã xây dựng được 10 "Tổ tự quản đường biên", 28 "Tổ tự quản an ninh thôn bản", với 285 hộ có ruộng, rừng, nương rẫy sát biên giới cam kết với Ðồn Biên phòng tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới.
Ðồn Biên phòng 235 tập trung tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xã và hỗ trợ trực tiếp người dân phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống, nâng cao dân trí. Ðược trên chấp thuận và tín nhiệm của địa phương, hai sĩ quan của Ðồn đã tham gia cấp ủy xã, đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Ðảng ủy. Bằng năng lực và uy tín của mình, các đồng chí tích cực tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng bộ xã và hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ của Ðồn còn giúp dân quy hoạch và khai hoang được 165 ha ruộng nước; trồng hơn 700 ha ngô, đậu tương bằng giống cao sản; trồng mới 30 ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chảy. Ðặc biệt, vận động được 50 hộ đồng bào Mông, Nùng, Tu Dí, Pa Dí... lập trang trại sản xuất nông sản sạch, như gạo Séng Cù, lợn đen Mường Khương, gà Ðông Cảo... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào. Ðơn vị huy động toàn bộ lực lượng cùng với dân mở mới 12 km đường đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất; đồng thời tổ chức bà con thường xuyên duy tu hơn 80 km đường liên thôn, bản; bảo đảm thông suốt trong mùa mưa, giúp cho việc đi lại dễ dàng.
Ðến thôn Sín Chải, Trưởng thôn Giàng Seo Sài dẫn chúng tôi đến thăm cháu Sùng Ðức Phượng vừa bị ngộ độc do ăn phải quả dại trong rừng, được Thiếu tá quân y Vũ Văn Tê của Ðồn kịp thời cứu chữa, đã hồi phục sức khỏe. Bà Giàng Thị Sung, dân tộc Mông, nắm chặt bàn tay Thiếu tá Tê, nói: "Cảm ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm. Mình sẽ bảo chồng làm lễ theo phong tục nhận bộ đội Tê làm bố nuôi con trai mình. Bộ đội Biên phòng đồng ý nhé". Thiếu tá Vũ Văn Tê cho biết: Những năm qua, quân y của Ðồn đã phối hợp chặt chẽ Trạm Y tế xã phòng, chống dịch bệnh; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 3.000 người; góp phần xây dựng Trạm Y tế xã Pha Long đạt chuẩn quốc gia năm 2010. Thiếu tá, Chính trị viên Phan Ðức Mạnh cho biết thêm: Ðồn còn phối hợp Phòng Giáo dục - Ðào tạo mở tám lớp học để xóa mù cho 214 học viên là người dân tộc thiểu số ở địa phương; ủng hộ 15 triệu đồng mua sách, bút, vở viết, dụng cụ học tập giúp 58 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trở lại học tập. Cán bộ, chiến sĩ của Ðồn đã bằng công sức và quyên góp tiền giúp 15 hộ nghèo có nhà ở chắc chắn, ấm áp mỗi khi sương buốt gió lạnh tràn tới, tô đậm thêm truyền thống hết lòng vì dân, dựa vào dân, bảo vệ dân của người lính mang quân hàm xanh.
Tháng 3, đứng giữa sân Ðồn Biên phòng Pha Long sương trắng ràn rạt bay, nhìn lá cờ Tổ quốc in sắc đỏ trên nền trời trắng mờ sương, càng thấy thiêng liêng chủ quyền, cương thổ quốc gia. Càng thêm tin tưởng những người lính Biên phòng nơi đây ngày đêm vững bước tuần tra, chắc tay súng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, gìn giữ bình yên cho nhân dân./.
(Theo: Quốc Hồng/ND)