Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 1/8/2009 6:48'(GMT+7)

Dọn sạch bom mìn ở Việt Nam: Phải mất 300 năm và 10 tỉ USD

Bản đồ ô nhiễm bom mìn ở 6 tỉnh được khảo sát.

Bản đồ ô nhiễm bom mìn ở 6 tỉnh được khảo sát.

 

Theo kết quả điều tra công bố ngày 31.7, cuộc khảo sát chi tiết ở 6 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất cho thấy, hơn 35% diện tích đất đai của các tỉnh này vẫn ô nhiễm bom mìn vật nổ do chiến tranh để lại.

Cuộc khảo sát được do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bomicen) thực hiện, với sự tài trợ của Chính phủ Mỹ, nhằm xây dựng bộ dữ liệu bản đồ kỹ thuật số, xác định rõ những khu ô nhiễm bom mìn, mức độ ô nhiễm bom mìn và mức độ ảnh hưởng đối với đời sống kinh tế xã hội.

Đại tá Phan Đức Tuấn: Với tiến độ công việc như hiện nay là rà phá được 20 nghìn hécta đất mỗi năm, Việt Nam phải mất 300 năm và trên 10 tỉ USD mới dọn sạch được đất đai ô nhiễm bom mìn trên cả nước. Chúng tôi rất mong các chính phủ và các nhà tài trợ giúp đỡ để sớm giải quyết vấn đề bom mìn.

Theo dự thảo chiến lược quốc gia về rà phá bom mìn, đến năm 2050 Việt Nam sẽ dọn sạch 51% diện tích đất đai ô nhiễm và BQP đề nghị Chính phủ Việt Nam chi 3 tỉ USD đến năm 2025 cho việc này. Tác động kinh tế xã hội của ô nhiễm bom mìn là rất lớn. Ở các vùng đó, người dân không dám khai hoang, trồng trọt, phát triển chăn nuôi. Chỉ riêng năm 2008, Việt Nam đã chi 69,5 triệu USD để rà phá bom mìn trước các dự án xây dựng, một con số rất tốn kém.

Tại 6 tỉnh được khảo sát, gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi, kể từ khi chiến tranh kết thúc, bom đạn, rocket và mìn sát thương đã cướp đi cuộc sống của 10.529 người, làm bị thương 12.231 người. Quảng Bình và Quảng Trị là hai tỉnh có tổng số nạn nhân lớn nhất trong 39 năm sau chiến tranh.

Cuộc khảo sát được triển khai từ tháng 2.2004 đến tháng 12.2008. Kết quả điều tra sử dụng dữ liệu lưu trữ của quân đội Mỹ ghi lại tất cả các trận oanh tạc trên không trong thời gian chiến tranh, đồng thời phỏng vấn hơn 33 nghìn người dân sinh sống ở toàn bộ các xã, phường của sáu tỉnh miền Trung. Trong quá trình điều tra, VVAF và Bomicen đã rà phá 1.358ha đất ô nhiễm và phá huỷ an toàn 24.018 bom mìn, vật nổ, trong đó có 6 quả bom phá từ 250 đến 1.000 bảng Anh.

Đại tá Phan Đức Tuấn cho biết, theo dự thảo chiến lược quốc gia về rà phá bom mìn ở Việt Nam, đến năm 2015 mới dọn sạch được bom mìn ở 30% diện tích đất đai của 6 tỉnh trên. Bộ Quốc phòng sẽ gửi kết quả điều tra cho uỷ ban quân sự của 6 tỉnh để các tỉnh lập dự án gửi Chính phủ nhằm rà phá độc lập, đưa vào dự án phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh và kêu gọi tài trợ từ bên ngoài.

Giám đốc Bomicen, đại tá - Nguyễn Trọng Cảnh, cho biết: "Vào giai đoạn cuối của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tiến hành điều tra, khảo sát trên toàn quốc nhằm đánh giá tác động về mặt kinh tế xã hội của sự ô nhiễm. Cán bộ trong nước đến nay đã đủ trình độ nhân rộng cuộc điều tra ở 6 tỉnh này lên toàn quốc khi huy động được nguồn ngân sách".

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak hy vọng rằng, cuộc điều tra này sẽ giúp cung cấp cho Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ những thông tin thiết yếu về tác động của bom mìn, vật nổ với các cộng đồng dân cư. Ông khuyến khích Việt Nam sớm xây dựng chiến lược quốc gia về rà phá bom mìn.

"Mỹ muốn tiếp tục hợp tác với Bomicen để làm cho Việt Nam thành một nơi an toàn hơn cho người dân. Tăng cường năng lực của Việt Nam để giải quyết vấn đề bom mìn là một trong những ưu tiên của tôi," ông nói./.

(Theo Lao Động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất