Thứ Bảy, 23/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 31/8/2018 9:39'(GMT+7)

Đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong trái tim Bác Hồ

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc

Đánh giá cao vị trí trọng yếu của vùng miền núi - nơi có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, đối ngoại và quốc phòng; là vị trí “căn cứ địa cách mạng”, “nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống”, “nơi tiếp giáp các nước láng giềng”… Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến địa bàn chiến lược này và dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam tình cảm đặc biệt.

“SỐNG CHẾT CÓ NHAU, SƯỚNG KHỔ CÙNG NHAU, NO ĐÓI GIÚP NHAU”

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”[1].

Vì vậy, tin tưởng vào lòng trung thành, tinh thần chịu đựng hy sinh, lối sống giản dị, chất phác và sự tận tụy với công việc của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngày 28/1/1941, khi trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân; xây dựng Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và sau đó là Tây Bắc, Tây Nguyên… làm căn cứ địa của cách mạng. Từ đây, Người đã tuyên truyền, cổ vũ đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia phong trào cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đào tạo đội ngũ cán bộ từ những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Nùng,v.v.. như Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ, Dương Đại Lâm… thành những “hạt giống đỏ”, góp phần phát triển phong trào cách mạng.


 

Trong những ngày đầu cách mạng ấy, dù phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số đã một lòng kiên trung, tin tưởng và theo Đảng, theo Bác Hồ; không chỉ căm thù bọn giặc xâm lăng mà còn nỗ lực gây dựng những viên gạch đầu tiên của phong trào cách mạng, đoàn kết và góp sức mình vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”[2]. Cùng đó, Người cũng nêu rõ, để nâng cao đời sống của đồng bào, cùng với việc bãi bỏ hết “những điều hủ tệ cũ”, “bao nhiêu bất bình trước sẽ sửa chữa đi”, Chính phủ “sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt”: 1) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng; 2) Về văn hóa, sẽ chú ý trình độ học thức cho đồng bào dân tộc… Cùng với đó, các dân tộc anh em được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình.

Tháng 4/1946, bức tâm thư Người gửi cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Plâycu (Gia Lai) cũng thể hiện rõ quan điểm nhất quán: Nước Việt Nam là nước chung của các dân tộc anh em. Theo đó, Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta - phải có đủ đại biểu các dân tộc; Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả đồng bào các dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc).

QUAN TÂM VÀ CHĂM LO ĐỒNG BÀO

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng trở về Thủ đô, tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, kiên trì cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số trong những năm đấu tranh giành chính quyền, trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng nhớ ơn công lao của đồng bào: “Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau... Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”[3].



Ngày 7/5/1955, nhân một năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, trong thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, Người khẳng định: “Vùng Tây - Bắc ta được hoàn toàn giải phóng, đó là do các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hăng hái kháng chiến; do bộ đội ta anh dũng đánh giặc; do Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo sáng suốt”. Vì thế, Chính phủ quyết định thành lập Khu tự trị Thái - Mèo với mục đích làm cho các dân tộc anh em ở nơi đây dần dần tự quản lý lấy công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt, để miền núi tiến kịp miền xuôi.

Không chỉ quan tâm, gửi thư thăm đồng bào, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số Liên khu 4 ra Thủ đô dự Lễ Quốc khánh (8/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng gồm tỉnh Quảng Yên và Khu Hồng Gai cũ (nay là Quảng Ninh) nhân dịp Đoàn về thăm thủ đô (10/1958) và căn dặn mọi người phải tăng cường đoàn kết, hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, cảnh giác với âm mưu chia rẽ phá hoại của bọn tay sai Mỹ - Diệm. Tháng 11/1958, Người tiếp đoàn đại biểu các dân tộc khu Lao - Hà - Yên về thăm Thủ đô và tháng 5/1959, khi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu các dân tộc Tây Bắc về dự Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Thủ đô, Người dặn dò các đại biểu cần động viên bà con tăng gia sản xuất để đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn sản xuất có kết quả, phải tổ chức tổ đổi công, nơi nào có tổ đổi công rồi thì phải làm thật tốt để tiến dần lên hợp tác xã. Ngày 7/5/1959, nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lên thăm đồng bào, cán bộ các dân tộc Tây Bắc, khi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tại buổi mít tinh ở Thuận Châu (Sơn La), Người khen ngợi tinh thần đoàn kết kháng chiến cũng như tinh thần đoàn kết sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội, cán bộ trong toàn Khu Tây Bắc...

Tháng 12/1963, Người tặng huy hiệu cho hai giáo viên miền núi là anh Trương Văn Chín, 20 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Thanh Long (Hà Quảng, Cao Bằng) đã tận tuỵ dạy dỗ con em đồng bào dân tộc Dao và anh Lộc Văn Phưa, 38 tuổi, dân tộc Thái ở xã Hiên Kiệt (Quan Hoá, Thanh Hoá), què cả hai chân vẫn tận tụy dạy bà con học chữ. Tháng 9/1964, Người thưởng huy hiệu cho hai công nhân Lâm trường Mai Siu (Bắc Giang) vừa công tác vừa dạy các cháu thiếu nhi và đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương học chữ quốc ngữ; Người cũng đã gửi thư khen và gửi phần thưởng cho 654 học sinh giỏi của 18 tỉnh miền Bắc trong năm học 1964-1965, trong đó có 33 em người dân tộc thiểu số...

Tháng 10/1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh ba vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải chú trọng, đó là: 1) Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Ðây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số...; 2) Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay; 3) Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần[4].


 

Đặc biệt, tháng 8/1963, khi đến dự Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Người đã nêu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với miền núi và nhắc nhở các cán bộ tuyên truyền phải ghi nhớ: Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Trong công tác, mỗi cán bộ phải luôn tự hỏi và trả lời được các câu hỏi: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?; nhất là phải xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Cùng đó, Người đồng thời chỉ thị cho các ngành, các cấp ở Trung ương phải nhận trách nhiệm và có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi về kinh tế cũng như về văn hoá để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc.…

TIẾP TỤC THỰC HIỆN TỐT ĐẠI ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC

Tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự nhất quán “trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”[5]. Điều đó thể hiện rõ trong chủ trương và những quyết sách của Người, Trung ương Ðảng và Chính phủ khi xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Cụ thể là tập trung cho ba vấn đề lớn: 1) Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số; 2) Xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; 3) Xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Không chỉ dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn coi trọng công tác dân vận đồng bào: từ việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ để đồng bào nhận thức sâu sắc hơn về ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, đến việc làm cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất, để từng bước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Trong đó, yếu tố quyết định để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào chính là tinh thần tự nỗ lực, tự phấn đấu vươn lên của mỗi dân tộc, song cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng, Chính phủ và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, nhất là các dân tộc anh em sinh sống trên cùng một địa bàn. Sự ưu tiên, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương góp phần tạo nên nguồn sức mạnh cộng sinh, tổng hợp, khơi thức nội lực của từng dân tộc sẽ thiết thực nhân nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và đó chính là củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của đồng bào, chứ không phải bao biện, làm thay, thủ tiêu tinh thần tự lực cánh sinh của đồng bào các dân tộc cùng sống trên dải đất hình chữ S.

Cũng theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện một cách đa dạng, thiết thực, hiệu quả, linh hoạt hơn nữa công tác dân tộc và chiến lược đoàn kết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong triển khai thực hiện, đặc biệt chú ý tới các yếu tố, điều kiện đặc thù về tự nhiên, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, trình độ phát triển của từng dân tộc, từng vùng, để có giải pháp và lộ trình phù hợp nhất. Thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; Nghị định 20/CP của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, xóa mù; Nghị định 82/CP của Chính phủ về dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trung tâm giáo dục thường xuyên; Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…


Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển

 
Thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc cần cẩn trọng, không thể nóng vội, áp đặt, dập khuôn, máy móc. Việc thực hiện tích cực và khẩn trương phải dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng và đi từng bước thận trọng, vững chắc. Trong đó, xử lý đúng đắn, hài hòa việc ưu tiên đầu tư hỗ trợ theo vùng và theo từng dân tộc cụ thể phải thống nhất trong nhận thức, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Quán triệt sâu sắc trong nhận thức và trong hành động của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần bình đẳng dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, chống sự hẹp hòi dân tộc, tính kỳ thị, cục bộ địa phương và tâm lý tự ti dân tộc. Các dân tộc anh em đoàn kết máu thịt, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, tôn trọng và có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của đất nước, của từng dân tộc.

Đồng bào dân tộc lắng nghe bằng lý trí, nhưng cũng nghe bằng tấm lòng. Chính sách dân tộc phải dựa trên các nguyên tắc nhất định, nhưng cũng cần sự linh hoạt và phải xuất phát từ tinh thần phục vụ đồng bào, từ tình thương yêu chân thành đồng bào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”. Tấm lòng và tư tưởng đó của Người vẫn giữ nguyên giá trị trong quá trình  xây dựng và triển khai các chính sách dân tộc hiện nay.

 

Nguyễn Văn Công

Giám đốc khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.4, tr.217-218

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t.4, tr.110

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 210

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.181-182

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.608

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất