Thứ Bảy, 23/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Ba, 28/8/2018 8:16'(GMT+7)

Những thương binh, bệnh binh làm theo lời Bác

Anh Trần Đức Thắng đang chăm sóc vườn cam của gia đình.

Anh Trần Đức Thắng đang chăm sóc vườn cam của gia đình.

Chúng tôi đến xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, vùng căn cứ cách mạng và là cái nôi của cuộc Nam kỳ khởi nghĩa từ những năm 40 của thế kỷ trước. Người dân nơi đây kể về người thương binh Lương Văn A với niềm tự hào và sự trìu mến. Qua cây cầu bê-tông gắn bảng “cầu Hai A”, để đến nhà anh, chúng tôi được người dân cho biết, chiếc cầu này do anh Hai A đứng ra vận động xây cất vì vậy, mọi người kiến nghị chính quyền địa phương lấy tên anh đặt cho cây cầu. “Trong kháng chiến, Hai A luôn ôn hòa, gần gũi với quần chúng nhưng dũng cảm, ngoan cường khi đối đầu với quân giặc. Hòa bình, anh là người cán bộ địa phương mẫn cán, tận tụy. Đến nay, đã về hưu nhưng anh vẫn nhiệt tình giúp đỡ mọi người, nhất là các gia đình chính sách có đời sống khó khăn. Anh đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động, nổi bật là tính chăm chỉ lao động, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất”, ông Đặng Minh Liệt, một cựu chiến binh ở địa phương chân thành nhận xét về thương binh Lương Văn A.

Tháng 12-1973, chàng trai 18 tuổi Lương Văn A, sau sáu tháng nhập ngũ đã cùng đồng đội kiên cường gan dạ chặn bước quân thù đang vây càn khu căn cứ. Trận chiến thắng lợi, khu căn cứ được bảo toàn, nhiều đồng đội anh dũng hy sinh, riêng anh bị thương nặng ở ngực và mất vĩnh viễn bàn tay trái. Điều trị lành vết thương, anh xin trở lại đơn vị tiếp tục công tác cho đến ngày chiến thắng 30-4-1975. Sau đó, anh tiếp tục công tác mặc dù được xác nhận là thương binh với tỷ lệ thương tật 35%. Thời gian làm việc, anh đã tham gia hai nhiệm kỳ HĐND huyện, ba nhiệm kỳ làm cấp ủy huyện và 10 năm là Bí thư Đảng ủy xã. Anh cũng được tổ chức điều động giữ chức vụ cán bộ cấp huyện. Với bất cứ vị trí, cương vị công tác nào, anh cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Trò chuyện với chúng tôi, Hai A ít nói về mình mà luôn đề cập đến những vấn đề mà anh trăn trở, như: Làm thế nào để nông dân xứ mình làm giàu chính đáng; chuyện đầu ra bền vững cho nông sản… Anh luôn tâm đắc những lời Bác Hồ dạy, tích cực thi đua, xây dựng nông thôn mới, đang làm cho quê hương anh thay da đổi thịt theo hướng hiện đại hơn. Anh nói về những mô hình văn hóa cơ sở cần phải được đổi mới vừa góp phần hiện đại nông thôn mà vẫn phát huy tình làng, nghĩa xóm, mọi người đoàn kết, quan tâm lẫn nhau.

Anh Lương Văn Biết, ở ấp Xa Mau 1, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị cũng được biết đến là tấm gương vượt khó trong cuộc sống. Tham gia cách mạng từ năm 1971, khi mới 19 tuổi, anh công tác y tế địa phương trong chiến tranh, rồi cán bộ nhiều đơn vị khác nhau từ huyện đến tỉnh. Do bị nhiễm chất độc hóa học cho nên đến năm 2000, anh mắc căn bệnh hiểm nghèo. Anh sút hơn 20 kg, cơ thể gầy ốm, sức khỏe ngày càng sa sút. Bác sĩ xác định anh bị tiểu đường nặng và đề nghị anh phải nghỉ công tác, trở về địa phương điều trị. Lúc này, kinh tế gia đình anh càng thêm khó khăn, các con còn nhỏ và đang đi học phổ thông. Với ý chí kiên cường, anh Biết điều chỉnh chế độ ăn uống, siêng năng tập thể dục kết hợp dùng thuốc điều trị theo phác đồ. Nhờ kiên trì, ba năm sau, sức khỏe anh dần bình phục. Lúc này, mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) đang thành công ở địa phương. Anh Biết tham gia Hội Nông dân và tích cực học tập kỹ thuật từ những lớp tập huấn chăn nuôi lợn (heo).

Do quyết tâm và có kế hoạch tốt, anh được giới thiệu vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội và ngành nông nghiệp hỗ trợ giống. Sau ba năm, anh đã có 30 con lợn giống, tăng gấp ba lần năm đầu tiên. Anh mở rộng nuôi heo thịt và diện tích chuồng cũng tăng đạt mô hình kinh tế trang trại khép kín. Anh phát triển các ao nuôi cá, vườn trồng dừa, chuối. Đến nay, do cách quản lý hiệu quả, các mô hình kinh tế gia đình của anh Biết luôn năm sau cao hơn năm trước. Mỗi năm tổng thu nhập từ các mô hình hơn 460 triệu đồng. “Lúc nào lời dạy thi đua của Bác cũng là nguồn động viên lớn lao giúp tôi vượt qua khó khăn, luôn tự tin và cùng tập thể phấn đấu để đạt kết quả thật tốt”, anh Biết chia sẻ.

Sinh năm 1954, kém anh Biết hai tuổi, anh Trần Đức Thắng, ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú là bệnh binh nhiễm chất độc hóa học nhưng vẫn vượt khó làm giàu chân chính. Sinh ra và lớn lên trong vùng nông thôn thuộc khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Sóc Trăng, anh Thắng tham gia cách mạng từ năm 1973. Đến năm 2010 anh về hưu sau nhiều vị trí công tác trong lực lượng vũ trang và cấp xã, huyện.

Mặc dù được xác định nhiễm chất độc hóa học và bị tiểu đường tuýp 2 nhưng với tinh thần lạc quan, sau khi nghỉ công tác về địa phương, anh Thắng cải tạo mảnh vườn tạp nhà trở thành trang trại 13 nghìn mét vuông trồng cam sành. Sau ba năm chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam sành của anh đơm hoa, sai quả luôn được thương lái thu mua với giá cao. Từ vụ thu hoạch đầu tiên đến năm 2017, sau khi trừ chi phí, anh Thắng đạt lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2018, anh tiếp tục mở rộng thêm 2.000 m2 vườn, nâng diện tích trồng cam của trang trại anh lên 15 nghìn mét vuông.

Với nụ cười hiền từ, anh Thắng lạc quan cho biết: Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ và lời dạy của Bác vào cuộc sống, tôi luôn tự tin và phấn đấu vượt qua chính mình. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chính quyền cho tham gia tập huấn, tôi nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật nông nghiệp và vận dụng thành công mô hình nuôi trồng, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Từ những kết quả đạt được, kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định, phát triển. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nông dân và tích cực tham gia cùng địa phương phát triển thành công mô hình kinh tế hộ gia đình, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương mình.

Nguyễn Phong/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất