Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 21/12/2009 21:46'(GMT+7)

Đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, chung tay, góp sức trên bước đường đổi mới và hội nhập

Ngày hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.

Ngày hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất-năm 2009 vừa diễn ra thành công với sự tham gia của 386 đại biểu đại diện cho gần 26 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đại hội đã diễn ra trong 2 ngày (17 và 18/12/2009). Tại phiên trù bị, Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và thông báo chương trình Đại hội. Đồng thời thông qua nội quy, báo cáo số lượng, chất lượng, cơ cấu đại biểu chính thức; cử 33 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2010; trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 94 đại biểu chính thức. Cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hương, báo công với Bác tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Phú Đình (Định Hóa). Buổi tối, các đại biểu tham gia dạ hội và biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Đến dự khai mạc phiên chính thức Đại hội có đồng chí Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số toàn quốc; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành, thị ủy và 386 đại biểu đại diện cho 16 dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các dân tộc thiểu số qua các thời kỳ và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2020. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã cùng nhân dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách, viết nên những trang sử vàng của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm vùng xây dựng An toàn khu kháng chiến, mà trung tâm được đặt tại huyện Định Hoá, một địa bàn quan trọng với lợi thế "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ". Đây là nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương Đảng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, mà đỉnh cao là quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Do có những cống hiến to lớn và thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh cùng 7 huyện, 54 xã, phường, thị trấn, 1 nhà máy và 3 cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 2 cá nhân là người dân tộc thiểu số. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những cống hiến to lớn của quân và dân Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 16 tập thể, 7 cá nhân; tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động cho 3 cá nhân (trong đó có 2 cá nhân là người dân tộc thiểu số), công nhận 134 bà mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 14 Bà mẹ là người dân tộc thiểu số)…

Với vị trí quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, Thái Nguyên đã từng là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc, ngày nay tiếp tục được Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tỉnh Thái Nguyên hiện có diện tích tự nhiên hơn 3.541km2, dân số tính đến tháng 4-2009 là gần 1,2 triệu người, gồm 8 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Hoa. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 25% dân số, tập trung chủ yếu ở địa bàn miền núi, vùng cao của các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ. Trong những năm qua, đặc biệt là từ tháng 3-2003, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) đã có Nghị quyết vế công tác dân tộc, tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng ta coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam, trong đó đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt.

Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai trên địa bàn các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, cụ thể như: Chương trình 135: với tổng số vốn gần 500 tỷ đồng đã xây dựng 11 trung tâm cụm xã, 626 công trình hạ tầng là đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, chợ và nhà văn hóa ở xã và các xóm, bản miền núi, vùng cao của tỉnh; tổ chức nhiều lớp đào tạo, dạy nghề, các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi, máy công cụ sản xuất và chế biến nông sản. Chương trình 134: với số vốn gần 85 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 4.200 hộ dân tộc thiểu số nghèo làm nhà ở, 3.867 hộ đào giếng, xây bể, tạo nguồn nước sinh hoạt; đầu tư 80 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 7.400 hộ ở 113 xóm; hỗ trợ, giúp đỡ cho hơn 250 hộ có đất ở để làm nhà; hỗ trợ bằng các hình thức cho hơn 2.000 hộ thiếu đất sản xuất để có thêm vốn sản xuất, có thêm việc làm, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Về chính sách trợ giá, trợ cước: với tổng kinh phí từ năm 2000 đến 2009 là 78 tỷ đồng, đã trợ giá cho hơn 5.000 tấn giống cây lương thực; trợ giá, trợ cước vận chuyển gần 235.000 tấn muối nguyên liệu và muối i ốt; trợ cước vận chuyển hơn 205.000 tấn phân bón, 8.500 tấn dầu hoả thắp sáng; cùng với trợ cước vận chuyển giống thủy sản, tiêu thụ nông sản, cấp không thu tiền thuốc chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc. Về chương trình định canh, định cư: với tổng vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng, đã vận động được 3.400 hộ, 20.500 nhân khẩu thực hiện định canh, định cư, ổn định nơi ở và sản xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ cho hơn 2.400 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn về sản xuất và đời sống; cho vay vốn để sản xuất không tính lãi với tổng kinh phí thực hiện từ năm 2007 đến năm 2009 là 7.948 triệu đồng cho hơn 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm mở các trường dân tộc nội trú, xét cử tuyển hàng trăm học sinh vào các trường đại học và cao đẳng; cấp gần 700 nghìn thẻ bảo hiểm tế cho người nghèo, gần 330 nghìn thẻ cho nhân dân ở các xã hưởng Chương trình 135 và thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 1 triệu lượt người với kinh phí Nhà nước chi hơn 73 tỷ đồng. Bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát triển…

Đại hội cũng đã nghe một số báo cáo của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và trao tặng bằng khen cho 46 tập thể, 99 cá nhân đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Thành công của Đại hội sẽ là nguồn động viên to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên, vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, sắt son với Đảng và hôm nay sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đó, đoàn kết bên nhau, cùng chung tay, góp sức với đồng bào cả nước trên bước đường đổi mới và hội nhập…/.

Hoàng Anh Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất