Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 30/9/1910, trong một gia đình viên chức nghèo tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, Nghệ An, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Sớm tiếp thu truyền thống quê hương, gia đình, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng, mới 16 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực tham gia hoạt động yêu nước trong phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 1927, ở tuổi 17, Nguyễn Thị Minh Khai đã được chính thức kết nạp vào tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng (tên gọi mới của Hội Phục Việt)(1); đồng thời, chịu ảnh hưởng nhiều về đường lối và phương thức hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Từ thực tiễn hoạt động đấu tranh cách mạng, Nguyễn Thị Minh Khai đã nhanh chóng trở thành một cán bộ cốt cán trong phong trào cách mạng: Bí thư Phụ nữ đoàn và tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy Tân Việt tỉnh Nghệ An (1929), thành viên tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929). Đồng chí đã luôn năng động, tích cực, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của phong trào công nhân ở Vinh và công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy. Chính vì vậy, đến năm 1928 “phụ nữ đoàn” phát triển thêm được 50 người; đặc biệt, số chị em phụ nữ tham gia các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ ngày càng đông, góp phần thúc đẩy quá trình hợp nhất các tổ chức Đảng, thành một chính Đảng duy nhất để tập hợp lực lượng.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, trở thành đảng viên của Đảng, Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục đảm trách công tác tuyên truyền, vận động, huấn luyện phụ nữ, đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy (Nghệ An), tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng và tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt trong Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931.
Thực hiện sự phân công của tổ chức Đảng, tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai rời quê hương sang Hồng Kông (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Trong thời gian ở Trung Quốc (3/1930 đến cuối 1934), đồng chí luôn thể hiện rõ ý chí kiên trung, kiên định với sự nghiệp cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trong đó có người phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bên cạnh việc cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giúp việc cho cơ quan Đảng trong vai trò của một người chắp mối liên lạc, đồng chí không ngừng học hỏi lý luận, văn hóa, ngoại ngữ và thực tiễn dưới sự chỉ dạy của người thầy Nguyễn Ái Quốc. Mọi gian nguy, thử thách, tù đày, tra tấn của nhà tù Tưởng Giới Thạch, không làm đồng chí chùn bước mà ngày càng hun đúc nhiệt huyết cách mạng, lòng kiên trung. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vinh dự là một trong 6 đại biểu đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tổ chức ở Mátxcơva (Liên Xô)(2).
Trong thời gian chờ Đại hội VII khai mạc (cuối 1934 - 7/1935), theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai vào học Trường Đại học Phương Đông để nâng cao trình độ lý luận và kiến thức phục vụ lý tưởng cao cả và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tại diễn đàn Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, trong phiên họp thứ 40, ngày 16/8/1935, Nguyễn Thị Minh Khai với bí danh Phan Lan đã có tham luận với nội dung lên án, tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã thi hành chính sách tàn bạo, dã man đối với nhân dân Đông Dương, nhất là đối với phụ nữ; nêu bật vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Tham luận đã khẳng định: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, cho sự thành lập mặt trận thống nhất chống bọn gây chiến”(3). Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên (tháng 9, 10/1935), Nguyễn Thị Minh Khai đã tham dự, phát biểu nêu rõ tình cảnh, những hoạt động và nhiệm vụ trước mắt của thanh niên trong đó có nữ thanh niên Đông Dương. Các tham luận của Nguyễn Thị Minh Khai đã nhận được sự hoan nghênh của các đại biểu tham dự đại hội, đồng thời góp phần giúp Quốc tế Cộng sản hiểu rõ hơn tình hình thực tế, tình cảnh của người dân thuộc địa, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ. Từ đó đặt ra nhiệm vụ cho các đảng cộng sản cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thanh niên và phụ nữ ở các thuộc địa.
Sau khi tham dự các Đại hội của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Thị Minh Khai ở lại Liên Xô tiếp tục học tập tại Trường Đại học Phương Đông khoảng một năm. Đầu năm 1937, đồng chí về Sài Gòn hoạt động, được bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ. Cùng với các đồng chí trong Xứ ủy, Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực hoạt động không ngừng, bám sát cơ sở, tổ chức các cuộc đấu tranh ở thành phố. Cuối năm 1937, đồng chí được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và trở thành một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1938-1939 ở Sài Gòn. Đồng chí đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, công nhân Công ty Hỏa Xa Sài Gòn, của công nhân và phụ nữ Hóc Môn, Gia Định; mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ ở thành phố và các lớp huấn luyện cho cán bộ nữ ở các tỉnh Nam Bộ; viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề chống phản động thuộc địa, chống phong kiến và vận động phụ nữ tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Những luận điểm sắc sảo, lý luận chặt chẽ trong các bài viết của đồng chí như: “Nếu mỗi người đều lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bực mà bỏ công việc xã hội thì công việc giải phóng phụ nữ không biết đến đời nào sẽ thực hiện được? Phụ nữ giải phóng là công việc của toàn thể phụ nữ đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của mọi người”(4) đã trực tiếp chống lại thuyết “Phụ nữ hồi gia”, vạch rõ nhiệm vụ quan trọng của giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng nam nữ, từng bước nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động cách mạng cho chị em phụ nữ. Từ đó, số lượng phụ nữ hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào cách mạng do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai khởi xướng ngày càng đông. Các bà, các chị không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, đã tích cực góp sức người, sức của cho các phong trào học chữ quốc ngữ, nâng cao trình độ,thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Nam Kỳ ngày càng phát triển.
Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong - Thư ký Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng và cũng là người chồng thương yêu của Nguyễn Thị Minh Khai về hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Hai vợ chồng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong có điều kiện được ở bên nhau. Tuy nhiên, đặt lợi ích của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc lên trên hết, các đồng chí dành thời gian chủ yếu cho công việc của tổ chức và không được ở cùng nhà, mà chỉ thỉnh thoảng mới được gặp nhau.
Đầu năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai sinh con gái đầu lòng Lê Nguyễn Hồng Minh. Hạnh phúc của buổi đầu làm mẹ, như bao người phụ nữ, người mẹ Việt Nam khác, đồng chí rất yêu thương con, muốn được trực tiếp chăm sóc, che trở cho con. Tuy nhiên, do yêu cầu của thực tiễn cách mạng, Nguyễn Thị Minh Khai đã phải nén lòng hy sinh tình mẫu tử thiêng liêng, gửi con gái còn đỏ hỏn, cho cơ sở cách mạng - gia đình ông bà Dương Bạch Mai nuôi, để tập trung hoạt động cách mạng. Đồng chí đã hy sinh tình riêng để đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không may bị sa vào tay giặc. Nhà tù thực dân đã dùng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man, tàn bạo nhưng không thể lay chuyển tinh thần, ý chí cách mạng trong con người Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí đã lấy máu mình viết lên cánh cửa xà lim ở khám Catina những dòng bất khuất: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết; Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời. Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ. Triệt để thực hành chết mới thôi”.
Không khuất phục được Nguyễn Thị Minh Khai, thực dân Pháp đưa đồng chí ra tòa án thực dân xét xử. Trải qua 4 phiên tòa (2 phiên tòa dân sự và 2 phiên tòa quân sự), chính quyền thực dân Pháp kết án đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai 7 lần, trong đó có 2 án tử hình do tòa án binh xử với tội danh chúng gán cho là “xúi giục dân chúng làm rối loạn quốc gia” và “mưu toan lật đổ chính phủ”. Đồng chí vẫn bình thản trước âm mưu tàn bạo của kẻ thù. Tại tòa án của thực dân, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã mạnh mẽ bác bỏ mọi luận điệu sai trái, những bất công, phi lý của tòa án thực dân bằng những lời lẽ đanh thép: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước mà không có tội sao?”(5) và khẳng định: “Chúng mày sẽ không thể nào giết hết được những người cách mạng Việt Nam, cũng không tài nào dập tắt được cách mạng Việt Nam... Cách mạng Việt Nam sẽ thắng”(6).
Ngày 28/8/1941, đồng chí đã oanh liệt hy sinh trước mũi súng quân thù. Đồng chí hy sinh nhưng tinh thần, ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ vẫn còn vang vọng mãi tới ngày nay.
Cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tuy ngắn ngủi (31 tuổi) nhưng đã thể hiện tấm gương kiên trung của người phụ nữ Việt Nam. Đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, gian nguy thử thách để đi theo và kiên định lý tưởng cao cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đồng thời, hoạt động và cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã thể hiện rõ tấm gương đạo đức cao cả theo người thầy vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng chí đã thực hiện triệt để phương châm đạo đức chí công vô tư, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết, hy sinh lợi ích cá nhân, hy sinh tình riêng, tình mẫu tử vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều đổi thay, mục tiêu hướng tới của sự nghiệp cách mạng cũng có nhiều thay đổi từ đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người tới mục tiêu: “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(7). Đặc biệt, vai trò, vị thế của phụ nữ đã ngày càng được nâng lên. Phụ nữ không chỉ thoát khỏi ách áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân mà còn vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình. Phụ nữ ngày càng bình đẳng với nam giới từ trong luật pháp tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trên lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham chính ngày càng tang(8). Tuy nhiên, trong điều kiện mới, việc nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ, thực hiện giải phóng triệt để phụ nữ vẫn là vấn đề được đặt ra.
Soi rọi từ quan điểm, hoạt động cách mạng và tấm gương hy sinh vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, chúng ta có thể học được nhiều bài học quý báu.
Thứ nhất, giải phóng phụ nữ là sự nghiệp chung của toàn xã hội, do đó để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong điều kiện mới cần có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bên cạnh chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới làm căn cứ trong hoạt động thực tiễn.
Thứ hai, cần phát huy vai trò nỗ lực vươn lên của nữ giới. Đây là quan điểm đã thể hiện rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các bài nói, viết của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Trong điều kiện mới, bản thân phụ nữ cần tiếp tục nỗ lực nhiều mặt để vượt qua mọi rào cản, thách thức đấu tranh vì quyền bình đẳng và sự tiến bộ của bản thân cũng như của giới mình như: không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức mọi mặt; chủ động về công việc, tự lập về kinh tế; phải luôn có ý thức phấn đấu kết hợp hài hòa giữa tiến bộ nghề nghiệp và hạnh phúc gia đình; phải biết chủ động đấu tranh cho quyền lợi của bản thân, tự tin vào năng lực, khả năng của chính mình; biết vượt lên chính mình để xóa bỏ suy nghĩ “tự ti”, “an bài của số phận”
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần thực hiện tốt đạo đức cách mạng trong sáng, cần biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, đoàn kết, phát triển, văn minh và giàu mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã đi xa gần 80 năm, nhưng những quan điểm về giải phóng phụ nữ, hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức cao cả của đồng chí vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc./
TS. Trần Thị Huyền
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
__________________
(1) Hội Phục Việt ra đời ngày 14/7/1925. Trong quá trình tồn tại Hội đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau: Hưng Nam (3/1926), Việt Nam Cách mạng Đảng (hè 1926); Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội (7/1927 ); Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt, 14/7/1928) (Trần Hữu Chương: Tân Việt Cách mạng Đảng (Hồi ký), bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng).
(2) 6 đại biểu gồm: Lê Hồng Phong (Lítvinốp), Nguyễn Thị Minh Khai (Thị Vai), Hoàng Văn Nọn (Cao Bằng) và ba đại biểu nữa (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.5, tr.203)
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.5, tr.346-347.
(4) Bài viết Đàn bà con gái nhà Nam đăng trên tuần báo Đọc báo Dân chúng (số ra ngày 14/9/1938 và 24/9/1938)
(5) Dẫn theo Nguyễn Thế Kỷ: Nguyễn Thị Minh Khai người con ưu tú của quê hương Nghệ An, in trong sách: Nguyễn Thị Minh Khai - Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2015, tr.26.
(6) Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - Ban Tuyên huấn Trung ương: Nữ chiến sĩ cách mạng-chị Minh Khai, H, 1951, tr.16.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng, tháng 2/2020, tr.12
(8) Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XI là 27,31%, khóa XII là 25,76% và khóa XIII là 24,4%, khóa XIV là 26,72%.