Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 4/8/2008 17:12'(GMT+7)

Đồng chí Tôn Đức Thắng – Nhà tuyên truyền, giáo dục cách mạng đức độ và tài năng

Bác Tôn thăm hỏi Đoàn đại diện đặc biệt cộng hòa miền Nam VN (1972) Ảnh TTXVN

Bác Tôn thăm hỏi Đoàn đại diện đặc biệt cộng hòa miền Nam VN (1972) Ảnh TTXVN

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử gợi nhớ truyền thống quật khởi, hào hùng của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xiết bao xúc động và thành kính nhớ đến đồng chí Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng tiền bối kiên cường, mẫu mực; tấm gương sáng tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách, đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, trong đó có bài học về công tác tuyên truyền, giáo dục. Đồng chí Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo cách mạng trưởng thành trong phong trào đấu tranh của quần chúng. Những quan điểm và phương thức tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục của đồng chí hình thành trong chính thực tiễn sinh động mà ở đó, phong cách cá nhân toát lên từ tư chất, tính cách, bản lĩnh, năng lực tư duy, năng lực tổng kết thực tiễn kinh nghiệm, tình cảm, niềm tin cách mạng…và sự tiếp thu tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, giáo dục.

1. Đồng chí Tôn Đức Thắng - nhà tuyên truyền tổ chức, vận động, tập hợp quần chúng bằng trí tuệ và tấm lòng cộng sản.

Đồng chí Tôn Đức Thắng bộc lộ năng khiếu tổ chức, vận động, tập hợp quần chúng từ rất sớm. Khả năng đứng mũi chịu sào của đồng chí đã nổi tiếng ngay từ khi còn học ở trường Bá Nghệ, khi là người thợ học việc, là thuỷ thủ trên tàu Pháp, nhất là khi đoàn kết công nhân thành lập Công hội. Công hội do đồng chí sáng lập là nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác-Lênin đến với giai cấp công nhân Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử phong trào công nhân Việt Nam, là dấu mốc khẳng định đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành nhà tuyên truyền của giai cấp vô sản. Tài năng tổ chức, thuyết phục của đồng chí càng toả sáng khi đồng chí là Trưởng ban Thường trực Quốc hội trực tiếp điều hành các kỳ họp và cùng đại biểu Quốc hội thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được sự thống nhất cao. Công tác tuyên truyền về Bầu cử đại biểu Quốc hội là những hoạt động trọng yếu mỗi khi sự kiện chính trị này diễn ra. Với tư cách là người lãnh đạo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia và chỉ đạo công tác tuyên truyền làm nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm công dân của mình để tham gia tích cực. Đồng chí đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, khoá III. Lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản và những trải nghiệm của cuộc đời hoạt động cách mạng đã hoà quyện vào nhau, tạo nên sự nhuần nhuyễn và sâu sắc trong phong cách tuyên truyền Tôn Đức Thắng.

Đồng chí Tôn Đức Thắng có khả năng cảm hoá được nhiều đối tượng và chuyển hoá nhận thức của họ bằng tấm lòng chân thành, ngôn ngữ chân thực, lý lẽ thấu đáo, đạo lý sâu xa, nghệ thuật thuyết phục, sự hiểu biết rộng rãi của người từng trải. Đó là những công nhân lao động lầm than, những đảng viên ở tù Côn Đảo, những nhân sĩ, trí thức, người trong các đảng phái, tôn giáo khác nhau, kiều bào, chính khách nước ngoài, thậm chí là những thanh niên hư hỏng, những người tù hung hãn, bất trị. Đó là nghệ thuật giải quyết mối quan hệ giữa người với người không bằng mệnh lệnh, cưỡng bức và sự can thiệp thô bạo mà bằng dân chủ, thuyết phục và sự hiểu biết lẫn nhau; là nghệ thuật hoá giải mâu thuẫn không đối kháng để đạt được sự thông cảm và nhận thức chung, từ đó tạo nên sự gắn kết của cả tập thể. Khi ở nhà tù Côn Đảo cũng như sau này khi giữ cương vị lãnh đạo cấp cao, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tìm cách thuyết phục mọi người bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, tính khoa học, vừa có tình cảm nhân ái, bao dung. Phương pháp tuyên truyền, giáo dục đó không chỉ tác động làm thay đổi nhận thức mà còn cảm hoá trái tim con người. Nó tạo ra những giá trị quy tụ được lòng người, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện đi theo Đảng và mọi hoạt động đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là nguyên nhân đã giúp đồng chí Tôn Đức Thắng thành công trong công tác vận động quần chúng, là điều làm nên sự kỳ diệu trong nghệ thuật tuyên truyền, giáo dục của đồng chí.

Phẩm chất quan trọng cần có của người làm công tác tuyên truyền, đó là tình cảm và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, và đây chính là những yếu tố quyết định chất lượng hoạt động tuyên truyền, làm tăng nghệ thuật truyền cảm, sức hấp dẫn và sự lay động lòng người. Niềm tin chính trị là kết quả của quá trình nhận thức sâu sắc, đúng đắn tri thức chính trị và lý tưởng chính trị. Niềm tin chính trị khi được hình thành trên cơ sở khoa học sẽ giúp người làm công tác tuyên truyền vững vàng và có định hướng đúng trước những quan hệ chính trị phức tạp, thường xuyên biến đổi, có hành động phù hợp với lý tưởng chính trị đã lựa chọn và những chuẩn mực chính trị do xã hội đặt ra. Niềm tin chính trị giúp cho người làm công tác tuyên truyền cách mạng rèn luyện bản lĩnh, sẵn sàng thực hiện và bảo vệ mục tiêu, lý tưởng. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà tuyên truyền như vậy.

Khi cùng những đảng viên trung kiên của chi bộ đảng ở nhà tù Côn Đảo thực hiện chủ trương “biến nhà tù thành trường học cách mạng”, đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và góp phần quan trọng vào việc truyền bá những kiến thức đó. Khi biết tin phát xít Đức điên cuồng tấn công Liên Xô, trong nội bộ chi bộ đảng nhà tù Côn Đảo đã diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt về vai trò của Liên Xô trong thế chiến thứ II. Bằng kiến thức lý luận vững chắc, sắc sảo và tầm hiểu biết thực tiễn, đồng chí đã lý giải và truyền niềm tin vào sự nghiệp cách mạng cho mọi người, góp phần làm ổn định tư tưởng đảng viên trong chi bộ. Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, nội bộ tù nhân có sự phân hoá, đồng chí đã cùng các đảng viên trong chi bộ vạch rõ sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa phát xít, khẳng định cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới nhất định thắng lợi. Vận dụng sáng tạo thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với bối cảnh lịch sử, đồng chí đã tham gia đánh bại những luận điệu phản động của một số tù nhân theo quan điểm Quốc dân đảng khi họ cố tình vu khống, xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, gieo rắc tư tưởng học thuyết “đấu tranh sinh tồn”, giúp họ nhận rõ những sai lầm trong tư tưởng và hành động. Đó là nghệ thuật giành thế chủ động, là thái độ tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái của người làm công tác tuyên truyền.

Tài năng tuyên truyền, thuyết phục của đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ được thể hiện trong quá trình tổ chức, vận động đồng bào trong nước mà còn được thể hiện rất sinh động trong các hoạt động đối ngoại. Khi tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang làm việc ở Pháp, cùng với các đồng chí khác, đồng chí tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, cảm hoá nhiều nghị sĩ Quốc hội Pháp, đại diện các đoàn thể quần chúng, các tầng lớp nhân dân Pháp, làm cho họ hiểu hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ủng hộ Việt Nam và thắt chặt thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Đồng chí tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức, đối thoại với một số người của các đảng phái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo khác nhau, làm cho họ nhận rõ ý nghĩa, vai trò quyết định của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Đồng chí Tôn Đức Thắng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền đối ngoại. Đồng chí nhận trình quốc thư, tiếp xúc với đại sứ nhiều nước, gửi thư, điện chúc mừng quốc khánh, viết bài nhân dịp kỷ niệm các sự kiện quốc tế trọng đại…Tranh thủ mọi điều kiện, mọi thời điểm lịch sử, đồng chí làm cho nhân dân tiến bộ thế giới thấy rõ bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, thể hiện khát vọng hoà bình, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân tiến bộ trên thế giới giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của bà con kiều bào trong công tác tuyên truyền đối ngoại. Đồng chí kêu gọi: “Các kiều bào hải ngoại lần này cũng phải tích cực hoạt động tìm đủ cách tuyên truyền cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta, gây thiện cảm với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới và đánh tan những luận điệu của bọn phản động quốc tế mong lừa bịp dư luận hoàn cầu để đè nén, bóc lột các dân tộc nhược tiểu”(1).

Người thợ máy Việt Nam kéo cờ đỏ trên chiến hạm Pháp ở Biển Đen ủng hộ Nhà nước Xô Viết năm nào đã thể hiện sinh động quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tinh thần quốc tế vô sản, về ngoại giao nhân dân, về thông tin đối ngoại tại nhiều diễn đàn khác nhau, trong nước và ở nước ngoài. Sức thu phục và cảm hoá của đồng chí toả ra, trước hết, từ trí tuệ của một con người suốt đời lăn lộn học tập, phấn đấu, lao động, sáng tạo vì dân, vì nước, và hơn thế, từ tấm lòng yêu nước, thương dân của một người cộng sản chân chính.

2. Đồng chí Tôn Đức Thắng -người thực hành xuất sắc công tác tuyên truyền, giáo dục theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mục đích của công tác tuyên truyền là chuyển tải quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân; giác ngộ lý tưởng, tư tưởng, tình cảm cách mạng, con đường đấu tranh cách mạng; tập hợp, đoàn kết, tổ chức, vận động các lực lượng quần chúng hành động cách mạng. Để đạt những mục tiêu trên, trước hết, cán bộ tuyên truyền phải dùng những lời lẽ giản dị, thiết thực, gần gũi với quần chúng, làm cho dân hiểu, dân tin, dân quyết tâm làm theo. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng đã nói và viết bằng tất cả sự nhiệt thành của người chiến sĩ cách mạng, bằng tấm lòng của người lãnh đạo, bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị của người lao động. Những vấn đề mà đồng chí nêu là sự phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Nguyên lý công tác tuyên truyền: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng chí Tôn Đức Thắng thể hiện xuất sắc. Thông qua ngôn ngữ, tác phong gần gũi, tự nhiên mà trong các buổi nói chuyện hay qua các bài viết của đồng chí, người nói với người nghe, người viết với người đọc hoàn toàn bình đẳng và đồng cảm. Ví dụ, ngày 26-3-1961, khi phát biểu với thanh niên, đồng chí đã nói một cách giản dị đầy thuyết phục: “Nếu như các thế hệ trước đây đã nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù, đã dám đứng lên đương đầu với kẻ thù tàn bạo và đã chiến thắng được chúng thì ngày nay, phát huy truyền thống ấy, các đồng chí hãy tỏ ra bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ, hãy chiến thắng chúng mà hoàn thành nhiệm vụ”(2). Khoảng cách giữa chủ thể tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền dường như được rút ngắn lại, chỉ thấy một không khí chan hoà, ấm cúng, ân cần và thấu hiểu.

Người cán bộ tuyên truyền muốn đạt được hiệu quả cao trong công tác phải hiểu được quy luật tư tưởng, tâm lý của quá trình truyền bá quan điểm, đường lối cho nhân dân; quy luật tiếp nhận thông tin của những giai tầng khác nhau trong xã hội; quy luật chuyển hoá tri thức khoa học trở thành niềm tin và hành động cách mạng của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: công tác dân vận phải đúng và phải khéo, không bỏ sót một người nào, làm cho đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ thông qua giáo dục, tuyên truyền và vận động trở thành tư tưởng, ý thức và hành động sáng tạo của quần chúng. Đồng chí Tôn Đức Thắng là người có phương thức tuyên truyền miệng đạt tới trình độ nghệ thuật độc đáo. Khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm, chủ trương của Đảng, khi chỉ đạo triển khai những quyết sách quan trọng, khi làm công tác ngoại giao hay đấu tranh phê phán tiêu cực, đồng chí đánh giá đúng về đối tượng để lựa chọn phương thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Trong cách thức tuyên truyền, đồng chí luôn trình bày nội dung cụ thể, thiết thực, rõ ràng, được người nghe hồ hởi đón nhận. Cách truyền đạt chủ trương, chính sách của đồng chí giản dị, rành mạch và thực tiễn. Đó là nghệ thuật khêu gợi vấn đề để đối tượng tuyên truyền hướng tới chân lý; là nghệ thuật dẫn giải mục tiêu của đường lối, chính sách đến biện pháp để đạt mục tiêu đó, giúp cho quần chúng thẩm thấu, lĩnh hội và hành động dễ dàng.

Đồng chí Tôn Đức Thắng làm công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau: bài nói, bài viết, đối thoại, diễn đàn… vận dụng linh hoạt văn phong hội thoại với các câu hỏi, câu kể, câu cảm thán, câu mệnh lệnh… Câu hỏi mà đồng chí nêu ra thường gắn với những băn khoăn, thắc mắc trong thực tế hoặc khơi dậy nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mỗi người, đưa ra những giải thích, chứng minh ngắn gọn và hướng dẫn họ làm theo đường lối cách mạng của Đảng. Đây chính là nghệ thuật chinh phục lòng người trong phương pháp tuyên truyền của đồng chí Tôn Đức Thắng. Tính cổ động trong ngôn ngữ tuyên truyền của đồng chí có sức mạnh hiệu triệu, thôi thúc hành động cao, thể hiện đậm nét trong những bài nói, viết về bầu cử đại biểu Quốc hội, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hay giao nhiệm vụ cho thanh niên... Đồng chí căn dặn: “Phải đề phòng chủ nghĩa mệnh lệnh: lợi dụng uy tín của Đảng trong quần chúng mà hạ lệnh làm bừa, không chịu khó thuyết phục, giải thích, làm cho quần chúng tự giác, tự động thi hành chính sách của Đảng”(3). Lối tuyên truyền, giáo dục áp đặt, một chiều sẽ tạo nên sự phản cảm, làm cho đối tượng tuyên truyền không muốn nghe, không muốn tiếp thu và đó sẽ là sự nguy hại đối với mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, giữa cán bộ và quần chúng.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là người có công trong việc góp phần xây dựng đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng chí giáo dục đạo đức không phải bằng lý luận cao xa mà bằng tấm gương mẫu mực, bằng lời nói đi đôi với việc làm, bằng sự khiêm tốn, giản dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: khi giáo dục người khác, phải có tinh thần thân ái và thái độ đúng mực, không nên lấy mình ra làm tiêu chí để đánh giá hay phê bình người khác. Cách thức giáo dục của đồng chí Tôn Đức Thắng cũng thấm đậm tình người như cách thức giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự tôn trọng nhân cách con người, là biểu hiện cao của văn hoá dân chủ, văn hoá trong giao tiếp, đối thoại, tranh luận. Phương châm ứng xử với mình, với người, với công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trong cách giáo dục cán bộ, đảng viên của đồng chí Tôn Đức Thắng: “Chỉ trích đây không phải là vạch cái xấu của người ra để mong vùi người ta xuống dưới mình, trái lại, phải âu yếm phê bình điều hay lẽ trái của người khác, tìm ra và nêu khuyết điểm của mình cho người khác cùng thấy để sửa chữa”(4). Đối với quần chúng, đồng chí căn dặn: “Chúng ta cần bàn bạc dân chủ với người ngoài Đảng, lắng nghe ý kiến của họ, ý kiến đúng chúng ta hoan nghênh, ý kiến sai chúng ta giải thích và chúng ta thực hiện phương pháp thân ái phê bình, tự phê bình”(5). Nắm được tâm lý, hiểu nguyện vọng, mong muốn, tôn trọng đề xuất yêu cầu của đối tượng tuyên truyền là những bí quyết giúp cho công tác tuyên truyền của đồng chí Tôn Đức Thắng đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Để tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Đồng chí Tôn Đức Thắng chính là người đã thực hành công tác tuyên truyền, giáo dục theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, cán bộ phải là người kiểu mẫu cho quần chúng làm theo, lấy gương người tốt việc tốt để giáo dục… Đồng chí coi trọng việc vận dụng lý luận cách mạng để soi sáng thực tiễn; đánh giá, tổng kết thực tiễn để rút ra bài học kinh nghiệm; tổ chức phong trào thi đua, động viên lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân; đề cao vai trò làm gương của cán bộ, đảng viên. Đồng chí đã giáo dục cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ bằng chính cuộc đời mình. Khi đánh giá về đồng chí Tôn Đức Thắng, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã nhận định: “Tôn Đức Thắng không phải là nhà lý luận, nhà tư tưởng hay nhà sáng tác mà là con người của hành động, hành động tiên phong”(6). Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu nhấn mạnh: “Cụ Tôn khác với các nhân vật khác ở chỗ, Cụ không có một tác phẩm nào cả, có chăng chỉ là chúng ta ghi lại những điều Cụ nói thôi… tác phẩm hay nhất của Cụ chính là cuộc đời của Cụ ”(7).

Sự kết hợp giữa lời nói và hành động trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục của đồng chí Tôn Đức Thắng thể hiện ở tác phong sâu sát, tỉ mỉ, tin yêu và quý trọng nhân dân với tư cách là đối tượng tuyên truyền. Ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn gương mẫu xuống tận các địa phương, các ngành, các cấp để kiểm tra đôn đốc, nắm thực chất tình hình, lắng nghe nguyện vọng của quần chúng, đưa ra những quyết sách sát thực tế. Theo đồng chí, lực lượng làm tuyên truyền, giáo dục là hệ thống chính trị, là các lực lượng xã hội, là quần chúng tuyên truyền vận động quần chúng. Đồng chí nhắc nhở giáo dục cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành: “Các đồng chí hãy xuống đồng ruộng, nhà máy, cơ quan, hay xuống quần chúng, làm cho đường lối chính sách của Đảng thấu suốt đến tận chi bộ, đến mọi đảng viên, đến tận quần chúng nhân dân”(8).

Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đồng chí yêu cầu khi tuyên truyền hoặc tổ chức thực hiện nghị quyết, cần chú ý nắm bắt thông tin phản hồi để tham mưu cho Đảng chỉ đạo đúng đắn. Công tác tuyên truyền không thụ động mà phải theo sát sự vận động của cuộc sống, làm cho nghị quyết Đảng thành hiện thực sinh động: “Trong khi thi hành chính sách của Đảng, các đồng chí phải kiểm tra, tìm hiểu xem nghị quyết và chủ trương của Đảng có đúng không. Thấy tình hình phát triển, chính sách của Đảng thiếu sót chỗ nào, thì đề nghị Trung ương bổ sung chỗ đó”(9). Đồng chí rất chú trọng đổi mới công tác huấn luyện và tuyên truyền theo hướng khoa học, thiết thực, không phô trương hình thức, máy móc giáo điều hay hời hợt, cẩu thả. Đồng chí nói: “Phải đề phòng chủ nghĩa hình thức, tức là treo cho nhiều cờ, lập trụ sở cho đẹp, có đàn hát, tiệc tùng, mít tinh, diễn thuyết không có nội dung, không có điều độ, mất thì giờ vô ích”(10). Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, giáo dục đã được đồng chí lĩnh hội và thực hành một cách thuần thục.

Đồng chí Tôn Đức Thắng biết cách khích lệ và cổ vũ thành tích của quần chúng, tạo tâm lý phấn khởi, từ đó dẫn dắt và kích thích quần chúng đến với những nhận thức mới, vạch ra mục tiêu, nghĩa vụ, trách nhiệm để quần chúng tự giác thực hiện. Tác dụng của khích lệ ở chỗ là nó có khả năng khuyến khích tiềm lực của con người; khai thác khả năng của con người; phát huy tính tích cực, tính tự giác và tính sáng tạo của con người. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn động viên cổ vũ kịp thời gương người tốt, việc tốt và lấy đó làm điển hình phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục. Hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm các sự kiện liên quan đến các đối tượng nhân dân như Ngày Bình dân học vụ (8/9), Ngày Học sinh toàn quốc (9/1), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7)… đồng chí lại gửi thư chúc mừng, khen ngợi, cổ vũ và dặn dò nhiệm vụ. Đồng chí có nhiều đóng góp trong việc làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về thi đua yêu nước trở thành động lực của cuộc kháng chiến kiến quốc. Khi là Trưởng ban thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí luôn nêu cao tinh thần “tự chỉ trích”, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, phê phán những nhận thức không đầy đủ về công tác thi đua dẫn đến những sai lầm trong lãnh đạo và tổ chức phong trào; đồng thời chỉ ra phương thức sửa chữa hạn chế, phương thức tiến hành nhằm đạt hiệu quả cao. Giáo dục nhận thức đúng đắn về bản chất của thi đua, đồng chí nói: “Thi đua là một thuật động viên, một phương thức lãnh đạo để thực hiện những công việc hàng ngày với mức độ cao hơn trong một thời gian ngắn hơn. Nó không phải là một việc tách rời những công việc và sự lãnh đạo hàng ngày của cấp uỷ”(11).

Nghiên cứu quan điểm và phong cách tuyên truyền, giáo dục của đồng chí Tôn Đức Thắng, chúng ta rút ra nhiều bài học bổ ích cho công tác này trong giai đoạn hiện nay. Những bài học đó rất sâu sắc và thiết thực trong bối cảnh chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, nhất là vào lúc Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang được triển khai sâu rộng, từng bước đi vào chiều sâu. Nói và làm bằng trí tuệ học từ nhân dân, bằng tấm lòng hy sinh, phấn đấu vì nhân dân - đó là bài học lớn mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Đảng ta, trước hết là người cán bộ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng của Đảng ./.

GS,TS. Phùng Hữu Phú
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

-------------------------------

(1), (2), (3), (4), (5), (8), (9), (10), (11) Sở Văn hoá và Thông tin An Giang - Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), Nxb An Giang, 1988, tr.186, 260, 213, 181, 253, 211, 211, 212, 182.

(6) Trần Bạch Đằng: “Một con người bình thường-vĩ đại” trong Tôn Đức Thắng- Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết (Hồi ký), NXB CTQG, HN 2003, trang 214.

(7) Trần Văn Giàu: “Cụ Tôn đã để lại cho chúng ta “tác phẩm cuộc đời” trong Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, sđd, trang 181.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất