Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 30/7/2008 21:3'(GMT+7)

Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 7 (phần cuối)

Đề án “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

1. Sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết

- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ, giai cấp nông dân luôn là lực lượng hùng hậu nhất đi theo Đảng, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức là nền tảng chính trị của cách mạng, đóng góp vô cùng to lớn cả về người và của, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.

- Nông nghiệp và kinh tế nông thôn là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nông nghiệp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp; xuất khẩu nông sản đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế; tạo việc làm và thu nhập cho đa số người dân. Nông thôn là môi trường sống của đa số nhân dân, nơi bảo tồn và phát triển các truyền thống văn hoá dân tộc.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược, là cơ sở để đảm bảo ổn định tình hình chính trị - xã hội, sự phát triển hài hoà và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm và có nhiều chủ trương lớn về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các chủ trương của Đảng đã được Nhà nước thể chế hoá bằng các chính sách và được các cấp, các ngành triển khai trong thực tế. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000 - 2007 đã có 34 nghị định và quyết định về chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành và áp dụng.

- Trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn liên tục phát triển góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Thành tựu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói, giảm nghèo là một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của nước ta trong thời kỳ đổi mới, cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

- Tuy vậy, hiện nay đang xuất hiện nhiều thách thức mới trong nông nghiệp nông thôn và nông dân, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hoá đất nước. Trước tình hình đó, Đảng cần phải xem xét, đánh giá đúng tình hình và có những quyết sách mạnh mẽ, giải quyết kịp thời các vấn đề đang đặt ra. Xuất phát từ yêu cầu đó và thực hiện Chương trình toàn khoá, Hội nghị Trung ương lần này bàn và quyết nghị ra Nghị quyết “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

1. Những nội dung mới và cơ bản của Đề án

Đề án "Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn" dựa trên các tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng X, tập trung đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ năm 2000 đến nay, làm rõ thêm các quan điểm, đề ra mục tiêu và các chủ trương, giải pháp lớn nhằm giải quyết các vấn đề này trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Xin làm rõ một số điểm mới, một số điểm nhấn trong Đề án.

2.1. Về phạm vi của đề án:

- Trong quá trình thảo luận xây dựng Đề án và đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc, điều chỉnh phạm vi của Đề án theo 3 hướng:

+ Tập trung làm rõ việc tăng cường, đổi mới của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

+ Tách nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành 3 đề án để đi sâu.

+ Khuôn phạm vi đề án vào một số vấn đề bức xúc hiện nay, như: giao đất cho nông dân; áp dụng cơ chế thị trường trong nông nghiệp; phát huy vai trò của kinh tế hộ.

- Cân nhắc, thảo luận kỹ, Trung ương thống nhất với đề xuất của Bộ Chính trị:

+ Toàn bộ nội dung Đề án đều thể hiện trách nhiệm, nhận thức quyết sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, do đó không cần thiết phải nhấn mạnh đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở tiêu đề của Đề án.

+ Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tuy là 3 vấn đề, song có quan hệ rất mật thiết, tác động lẫn nhau, nếu tách ra sẽ khó thực hiên mối quan hệ rất biện chứng đó. Trong đề án, vừa coi trọng xem xét đồng thời cả 3 vấn đề để có giải pháp tổng thể, vừa chú ý đánh giá và có giải pháp riêng cho từng vấn đề.

+ Xung quanh vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngoài vấn đề giao đất cho nông dân, áp dụng cơ chế thị trường, phát triển kinh tế hộ, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, do vậy phạm vi của Đề án cần được mở rộng hơn.

Trung ương nhất trí hoàn thiện Đề án và ban hành Nghị quyết về "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

2.2. Đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn:

* Những thành tựu đạt được:

Trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới và phân tích thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ năm 2000 đến nay, Đề án đã khẳng định thành tựu đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân nước ta trong những năm vừa qua là khá toàn diện và to lớn, khái quát thành 5 thành tựu:

Một là: Nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tăng nhanh; trình độ khoa học - công nghệ được nâng cao hơn.

Hai là: Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.

Ba là: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là thuỷ lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Bốn là: Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xoá đói, giảm nghèo đạt thành tựu to lớn.

Năm là: Hệ thống chính trị ở nông thôn do Đảng lãnh đạo được tăng cường; vị thế chính trị của giai cấp nông dân được nâng cao; dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh, trật tự được giữ vững.

* Những yếu kém, khuyết điểm

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đề án đã phân tích sâu sắc nhiều mặt và rút ra 5 yếu kém, khuyết điểm của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể là:

Một là: Nông nghiệp phát triển kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều loại nông sản thấp.

Hai là: Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn.

Ba là: Các hình thức tổ chức sản xuất đổi mới chậm, chưa đủ sức phát triển mạnh sản xuất hàng hoá ở nông thôn.

Bốn là: Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai thấp.

Năm là: Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng lớn; tỉ lệ hộ nghèo còn cao; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần nhấn mạnh đánh giá: "toàn diện và to lớn":

- Đề nghị bỏ từ khá, giữ lại "toàn diện và to lớn".

- Thay "khá toàn diện và to lớn", bằng "rất to lớn và vĩ đại".

- Bỏ "và to lớn", giữ lại "khá toàn diện".

Cân nhắc, phân tích các mặt Trung ương nhất trí khẳng định: những thành tựu đạt được của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta những năm qua là to lớn và toàn diện. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, một số lĩnh vực phát triển còn chậm, thiếu vững chắc, còn nhiều vấn đề bức xúc phải giải quyết, vì vậy không thể đánh giá những thành tựu đó là "rất to lớn và vĩ đại", nhưng cũng không thể đánh giá là "khá toàn diện" mà không khẳng định "và to lớn".

2.3. Về quan điểm:

* Từ thực tiễn trong nước, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Đề án nêu 4 quan điểm cho giai đoạn phát triển mới như sau:

Quan điểm thứ nhất nhấn mạnh nhận thức nhất quán của Đảng về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí quan trọng, chiến lược lâu dài, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Quan điểm thứ hai nói rõ mối quan hệ hữu cơ giữa CNH, HĐH đất nước với CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và quan hệ khăng khít giữa 3 thành tố nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm và là nhân tố đảm bảo thành công của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. CNH, HĐH đất nước phải hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.

Quan điểm thứ ba nhấn mạnh các điều kiện và phương hướng giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng và cả nước ta để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, rừng và biển; khai thác thuận lợi trong hội nhập quốc tế; phát huy cao nội lực trong nông thôn; đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí.

Quan điểm thứ tư xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và vai trò của chính nông dân trong giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường, vươn lên của nông dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú làm nền tảng tinh thần của giai cấp nông dân, tạo động lực cho quá trình nâng cao mức sống của nhân dân để phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2.4. Mục tiêu:

Điểm mới của Đề án là tập trung nghiên cứu xác định rõ 3 cấp độ mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trong việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Về dài hạn, Đề án xác định mục tiêu tổng quát:

+ Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, đặc biệt tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị; nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

- Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nông và đội ngũ trí thức, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc, đảm bảo thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Về trung hạn, Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020 khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đạt:

+ Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5 - 4%/năm; duy trì ít nhất 3,8 triệu ha đất lúa, tạo năng lực sản xuất đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn lên gấp trên 2,5 lần so với hiện nay.

+ Lao động nông nghiệp được chuyển dịch còn 30% trong tổng lực lượng lao động, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%.

+ Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa hai vụ, 0,65 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản, diện tích làm muối, trên 3 triệu ha rau màu và cây công nghiệp; đảm bảo giao thông thông suốt bốn mùa tới tất cả các xã và có đường ô tô tới các thôn, bản; xây dựng các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền cơ bản đảm bảo nhu cầu đánh bắt hải sản; cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ; đảm bảo cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng tiến gần tới mức ở các đô thị trung bình.

+ Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

+ Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện sống an toàn cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các vùng thường xuyên bị ngập lũ khác; thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển đáp ứng yêu cầu chống lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng, mức nước triều tần suất 5% ứng với gió bão cấp 9 - 10. Ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện tốt hơn so với hiện nay.

- Về ngắn hạn, Đề án nêu rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, triển khai một bước công tác xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn, căn bản xoá nhà tạm; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; tăng cường công tác xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt ở 58 huyện còn trên 50% hộ nghèo; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản 3 - 3,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn không thấp hơn mức bình quân của cả nước. Lao động nông nghiệp còn dưới 50% lao động xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 10 - 11%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42 - 43%. Tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 75%.

2.5. Những nhiệm vụ và giải pháp:

Xuất phát từ đánh giá tổng quát, những bài học và nguyên nhân rút ra, để thực hiện các quan điểm và mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chính, trong đó có 7 giải pháp sẽ phải triển khai đồng bộ, lâu dài và đưa giải pháp thứ 8 để đề cập đến các công việc phải làm ngay từ nay đến năm 2010.

- Về 7 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản:

1 - Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

2- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, gắn với phát triển các đô thị

3- Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn

4- Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn

5- Phát triển nhanh đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn

6- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, huy động cao các nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân

7- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn

- Về những nhiệm vụ và giải pháp cấp bách cần thực hiện tới năm 2010 (nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ 8):

Để đạt được mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ X đề ra tới năm 2010, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau đây:

1. Hoàn thành việc rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp và quy hoạch chuyên ngành theo vùng.

2. Hoàn thành sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, Luật Ngân sách nhà nước. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn.

3. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai; thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là nước biển dâng; khống chế, dập tắt kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm, thuỷ sản và cây trồng.

4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, nhất lá xoá đói, giảm nghèo ở các huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%. Khắc phục nhanh những vấn đề bức xúc ở nông thôn, trước hết là những tồn tại liên quan tới thu hồi đất. Triển khai chương trình “xây dựng nông thôn mới”.

5. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn nông thôn; củng cố bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2008

Sau khi nghe Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và nhận định: Trong 6 tháng đầu năm và nhất là trong quý II/2008, với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành và của toàn dân, việc thực hiện Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 10-NQ/CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đã thu được một số kết quả bước đầu, nhưng chưa thật ổn định và vững chắc; mức lạm phát, nhập siêu còn cao, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của nền kinh tế giảm, đời sống của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng...

Tình hình kinh tế - xã hội hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Lạm phát còn cao, tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức cao; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn những yếu tố chưa ổn định; tăng trưởng kinh tế giảm, đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm trước và thấp hơn mục tiêu kế hoạch 7% đã được điều chỉnh.

Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, các cân đối vĩ mô chưa ổn định; áp lực tăng giá đầu vào với mặt bằng giá cả còn lớn; thời tiết, thiên tai, dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp. Để duy trì ổn định và phát triển đất nước, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo và được Trung ương nhất trí việc triển khai 5 nhóm giải pháp, bao gồm 28 giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận 22 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Trong nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề ra 6 giải pháp cụ thể, trong đó có các giải pháp như: tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ một cách linh hoạt; thực hiện chính sách tài khoá theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước,v.v. Trong nhóm giải pháp duy trì tăng trưởng bền vững nhằm mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hợp lý cao nhất có thể được gồm 6 giải pháp cụ thể; trong nhóm giải pháp ổn định an sinh xã hội có 8 giải pháp cụ thể; trong nhóm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng có 5 giải pháp cụ thể; trong nhóm giải pháp về lãnh đạo công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền có 3 giải pháp cụ thể. Trung ương dành một thời lượng thích đáng để nghe kỹ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng, bàn và quyết định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm: Một là, từ đánh giá của Chính phủ cũng như là từ kiểm nghiệm trong thực tiễn, chúng ta ghi nhận một thực tế rằng: trong 6 tháng qua, đặc biệt từ tháng 5, tháng 6, khi thực hiện những giải pháp Bộ Chính trị, Quốc hội quyết định và những giải pháp cụ thể Chính phủ đưa ra, bước đầu đã có kết quả, đã góp phần giải quyết một bước những khó khăn do tình trạng lạm phát, tăng giá tạo ra trong 6 tháng đầu năm 2008. Điều đó cho phép chúng ta tin tưởng vào quyết tâm và khả năng lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lý và điều hành của Nhà nước để khắc phục, hạn chế được tình trạng lạm phát và thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục phát triển kinh tế một cách bền vững.

Tuy có tiến bộ, nhưng tình hình sắp tới còn rất khó khăn và rất phức tạp, diễn biến kinh tế thế giới hiện nay còn đang rất khó lường. Trong cuộc giao ban gần đây của Chính phủ, đồng chí Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành và đặc biệt lưu ý công tác tư tưởng là phải nói rõ những cố gắng của toàn Đảng, toàn dân để cán bộ, nhân dân yên tâm, không được nói quá, phải nói đúng và lường cho hết những khó khăn, thách thức ở phía trước để chuẩn bị tinh thần chủ động dự báo, đối phó với những tình huống phức tạp.

Trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành và chính sách tài khoá theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, hoãn, dãn đầu tư những công trình chưa thật sự cấp bách, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, chỉ đạo thực hiện tiết kiệm một cách kiên quyết cả trong sản xuất và tiêu dùng... nhằm kiềm chế lạm phát; phải tiếp tục rà soát, bãi bỏ các quy định không phù hợp cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khai thác thế mạnh của các ngành công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, áp dụng chính sách thuế linh hoạt để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thu hút và đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn vốn FDI, ODA... nhằm duy trì tăng trưởng hợp lý và bền vững. Thực hiện tốt các chính sách ổn định an sinh xã hội; giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc; xây dựng tiêu chí mới để xác định chuẩn nghèo, chủ động đề phòng thiên tai, dịch bệnh. Đi đôi với những biện pháp chủ yếu về kinh tế - xã hội, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị ra Kết luận, xác định chủ trương và các giải pháp để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn khó khăn, yếu kém, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2008.

Từ việc Trung ương tập trung nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, có thể rút ra một số nhận thức sau đây:

- Thực tiễn 6 tháng qua, những kết quả cụ thể và chuyển biến tích cực của tình hình cho chúng ta cơ sở để tin tưởng và quyết tâm về khả năng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững của Đảng, Nhà nước.

- Tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, không được chủ quan, cần nắm sát, dự báo đúng để bình tĩnh, chủ động giải quyết những tình huống khó khăn mới nảy sinh, không để bị động.

- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, từ mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần đoàn kết, thống nhất cao, quyết tâm thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, trước hết là thực hiện tốt Cuộc vận động Thực hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng; quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

*

* *

Những nội dung thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị Trung ương lần này rất quan trọng và cần thiết, vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa mang tính thời sự cấp bách, đáp ứng những đòi hỏi mới của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: “Với việc ra 3 nghị quyết lần này, chúng ta đã hoàn thành việc cụ thể hoá các nội dung lãnh đạo để triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Các nghị quyết của Trung ương là một thể thống nhất về mục tiêu, có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đại hội. Vì vậy, việc triển khai thực hiện phải được tiến hành đồng bộ, đồng thời”.

Có nghị quyết đúng là rất quan trọng, nhưng việc tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống mới là điều quyết định. Đồng chí Tổng Bí thư đã “đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương, các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và các cán bộ, đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tạo sự nhất trí cao về nhận thức, tư tưởng, quan điểm, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện với quyết tâm cao, biến nghị quyết thành hiện thực thắng lợi. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã nêu, đưa tình hình kinh tế - xã hội vượt ra khỏi khó khăn, tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất