Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 2/8/2008 11:3'(GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về "Đổi mới trong lãnh đạo cách mạng"

Bác Hồ thăm đồng ruộng HTX Lạc Trung-Bình Dương-Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc (tháng 1 năm 1961)

Bác Hồ thăm đồng ruộng HTX Lạc Trung-Bình Dương-Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc (tháng 1 năm 1961)

Công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo được chính thức tiến hành từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), đến nay đã thu được nhiều thắng lợi. Đánh giá tổng quát thành công của 10 năm đổi mới, Đại hội lần thứ VIII của Đảng năm 1996 đã kết luận: ''Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng... Nước ta ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội...”(1)Đường lối đổi mới cũng được Đại hội nhấn mạnh:

“Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn...”(2). Nguyên nhân quan trọng là Đảng ta đã "kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh (3).

Nhìn về lịch sử, đây là lần đầu tiên Đảng tiến hành công cuộc đổi mới một cách quy mô và toàn diện. Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đây cũng là một việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trước khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa xã hội, mỗi đảng cách mạng đều tự mình tìm thấy con đường thoát ra khỏi khủng hoảng. Đường lối chung đều là vận dụng sáng tạo lý luận Mác- Lê-nin vào hoàn cảnh đặc thù của đất nước mình và mỗi đảng đều thu được những thành quả nhất định. Riêng Đảng ta, nhờ có tư tuởng Hồ Chí Minh (sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam) dẫn đường, và kế thừa truyền thống cải cách, đổi mới của ông cha, đã có được những bước đi vững chắc. Nay, qua hơn 20 năm đổi mới, việc tìm ra những bài học lịch sử trong kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới là một điều bổ ích.

Trước hết, sinh thời, Bác Hồ ít dùng từ "đổi mới", nhưng trong thực tiễn thì tư duy và hành động cách mạng của Người mang nhiều ý nghĩa đổi mới.

Năm 1911, khi ra đi cứu nước, Người đã không theo cách đi của cha anh là sang phương Đông tìm sự viện trợ ở "những người da vàng" phong kiến, tư sản, mà quyết đi sang phương Tây nhằm thấy rõ căn bệnh của chế độ "nô lệ thuộc địa" để tìm phương thuốc cứu chữa. Ở phương Tây, trong khi các bậc cha anh tìm sự cứu giúp của văn minh tư sản thì với Bác Hồ, khẩu hiệu "Tự do, bình đẳng, bác ái” tuy vẫn còn cuốn hút sự chú ý của Người, nhưng cái mà Nguyễn Ái Quốc say sưa tìm hiểu lại là "cái mới” của thời đại. Đó là lý luận cách mạng vô sản và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế gắn với phong trào dân tộc thuộc địa.

Gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin, Nguyễn Ái Quốc nhạy cảm nắm bắt lấy cái mới. Đó là sự phát triển của chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng dân tộc và thuộc địa. Khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” của Mác đã được Lê-nin phát triển lên thành khẩu hiệu ''Vô sán toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”. Đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa của Lê nin, Nguyễn Ái Quốc đã “vui mừng đến phát khóc lên" vì thấy rõ: "Đây là con đường giải phóng chúng ta"(4). Thực tiễn của cách mạng Việt Nam và thế giới đã cho Người thấy: Vô sản chính quốc phải cùng vô sản và nhân dân các thuộc địa trên toàn thế giới liên kết lại với nhau mới có thể diệt được "con đỉa” đế quốc chủ nghĩa "hai vòi”: một vòi hút máu các dân tộc thuộc địa, một vòi hút máu của vô sản chính quốc để tồn tại.

Từ cái mới của tư duy, Nguyễn Ái Quốc đã có cái mới trong hành động. Năm 1919, Người đã cùng đại biểu các dân tộc thuộc địa gửi Yêu sách lên Hội nghị Véc-xây, yêu cầu các cường quốc phải quan tâm đến quyền lợi của các dân tộc thuộc địa. Rồi tháng 12-1930, tham dự Đại hội thành Tua của Đảng Cộng sản xã hội Pháp, Người đã biểu quyết tán thành Quốc tế cộng sản III, vì Quốc tế này coi trọng vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa. Trên đất Pháp, Nga đã hoạt động không mệt mỏi cho sự đoàn kết chiến đấu giữa vô sản chính quốc với vô sản thuộc địa.

Khi về nước xây dựng Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương thành lập chính đảng của giai cấp công nhân từ ba yếu tố” Lý luận Mác- Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đưa "Phong trào yêu nước” vào thành một trong 3 yếu tố cấu thành chính đảng vô sản là một đổi mới ''sáng suốt” đến “táo bạo” khiến các nhà lãnh đạo Quốc tế cộng sản lúc bấy giờ đã cho Bác là một người dân tộc chủ nghĩa. Nhưng lịch sử đã chứng minh ''đổi mới” đó của Người là đúng đắn, là sáng tạo.

Đến sự thành lập chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, ngay từ đầu, Chính cương và Sách lược vắn tắt do Người khởi thảo đã ghi rõ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải Đảng Cộng sản Đông Dương, mặc dầu lúc đó sự nghiệp giải phóng các dân tộc Đông Dương còn do Đảng lãnh đạo. Cái mới này của Người xuất phát từ thực tiễn lịch sử và cách mạng của ba dân tộc Việt, Miên, Lào trên bán đảo Đông Dương, mà cũng là sự thể hiện nghiêm túc nguyên tắc về "Quyền dân tộc tự quyết" chủ nghĩa Mác - Lênin. Đổi mới này không phải đã được chấp nhận ngay. Phải đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5- 1941) mới được trở thành hiện thực và ngày càng được lịch sử xác minh là đúng dằn.

Tới cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), tư duy đổi mới của Người lại tiếp tục được phát huy. Từ nhận thức về mục tiêu cách mạng là "cứu nước" (tức chỉ nhằm đánh những đế quốc xâm lược Việt Nam để giải phóng dân tộc) chứ không "phản đế" tức chống mọi đế quốc nói chung, Người đã "đổi mới" phương châm chiến lược và tổ chức cách mạng, lập “Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh” (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương, tổ chức ra các đoàn thể công, nông, thanh, phụ... "cứu quốc" thay cho các đoàn thể "phản đế". Chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng có tính chất "ba thứ quân" của Người cũng đã bắt đầu được thực hiện. Đường lối “Từ khởi nghĩa từng phần tiến đến Tổng khởi nghĩa...” của Người cũng là cái mới trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Đặc biệt là ''Chương trình cứu nước" của Mặt trận Việt Minh do Người đề xướng đã nêu rõ: ''Thợ thuyền được hưởng luật lao động... gìa có lương hưu trí, cải thiện chế độ làm việc”; "Dân cày có đủ ruộng cày cấy, được, được cứu tế trong những năm mất mùa; tá điền, được giảm địa tô, chia lại công điền”; “Tư sản được tự do kinh doanh, được giúp đỡ trong việc mở mang các ngành kỹ nghệ cần thiết”; “Địa chủ thì: quyền sở hữu về ruộng đất vẫn được coi trọng, được khai phá đất hoang. Nhà buôn được tự do thông thương, sản nghiệp thương mại được pháp luật bênh vực...”(5)... Có thể nói cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với tư duy và hành động đổi mới của Người.

Công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay nhằm giải quyết khủng hoảng sâu sắc bắt đầu từ cuối thập niên 70 cũng là sự kế thừa và phát huy tinh thần đổi mới mà Bác Hồ đã thực hiện.

Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa IV) tháng 8 - 1979, Đảng đã đề xuất chủ trương đổi mới. Trải qua một "quá trình tìm tòi, đổi mới, bám sát thực tiễn...", Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 mới chính thức bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, như Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã tổng kết:

''Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) với những chính sách làm cho sản xuất "bung ra”; Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (khóa IV) về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xă nông nghiệp; các Quyết định 25, 26 - CP của Thủ tướng Chính phú về nhiều nguồn cân đối và ba phần kế hoạch; Đại hội V của Đảng với việc xác định lại thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế.Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa V) tháng 6 năm 1985 về giá, lương, tiền; Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) tháng 8 năm 1986 về một số vấn đề lớn thuộc quan điểm kinh tế.

Những thử nghiệm ban đầu về đổi mới nói trên là tiền đề dẫn tới đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI. Đường lối ấy hình thành trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, của các cấp, các ngành, hợp quy luật, thuận lòng người, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống”(6).

Ở đây tư tưởng Hồ Chí Minh về "đổi mới" đã kế thừa và phát huy:

Trước hết, Như trên đã nói, Bác Hồ trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn coi trọng đổi mới tư duy. Nay công cuộc đổi mới của Đảng ta cũng bắt đầu từ đổi mới tư duy.

Thấy rõ một trong những nguyên nhân của khủng hoảng là chúng ta duy trì quá lâu cơ chế quan liêu bao cấp mà nguồn gốc là sự trì trệ về tư duy và bảo thủ về tổ chức nên Đại hội lần thứ VI của Đảng đã nêu rõ.

Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh: Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt. “Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế..."(7). Đại hội VIII lại tổng kết thêm được kinh nghiệm là "Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới, chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”(8).

Thứ hai - Bác Hồ luôn nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin trong thực hiện đổi mới, nên không lúc nào đi chệch mục tiêu "độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa". Khi tìm được con đường cứu nước, Người đã khẳng định “Chỉ có chủ nghĩa xã hội... mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”(9).

Nay trong đổi mới, Báo cáo chính trị trong Đại hội VI của Đảng cũng nhấn mạnh: "Muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê nin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”(10). Theo gương Bác Hồ, Đảng ta luôn xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn kiểm tra chân lý. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra một phương châm nổi tiếng là ''Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”(11). Đại hội VIII của Đảng đã rút ra được bài học lịch sử quan trọng là:

“Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúc đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới.

Đổi mới phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và những thành quả đã đạt được. Phê phán nghiêm túc sai lầm, khuyết điểm, phải đi đôi với khẳng định những việc làm đúng, không phủ nhận sạch trơn qúa khứ, không hoang mang, mất phương hướng, từ thái cực này chuyển sang thái cực khác”(12).

Thứ ba - Trong đổi mới, Bác Hồ luôn tìm cách khắc phục những yếu kém, sai lầm của giai đoạn trước bằng đổi mới sách lược hay chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Nay trong khắc phục sai lầm chủ quan, duy ý chí, Đảng ta từ đổi mới tư duy lý luận, đã thấy rõ cách mạng xã hội chủ nghĩa phải trải qua nhiều nấc thang của thời kỳ quá độ, đã đề ra chủ trương: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(13). Ở đây chúng ta thấy có sự vận dụng chính sách Tân kinh tế (NEP) của Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng quan tâm trong xây dựng Chương trình cứu nước của Việt Minh thời Cách mạng Tháng Tám, đồng thời Đảng ta cũng nêu lên bài học kinh nghiệm: “Vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường là để sử dụng mặt tích cực của nó phục vụ mục đích xây dựng chủ nghĩa hội, chứ không phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”(14). Trong bất kỳ sự đổi mới nào, Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta vẫn không bao giờ xa rời con đường xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư - Trong cách mạng, Bác Hồ luôn coi trọng dân chủ, chăm lo tới quyền lợi của nhân dân với quan điểm lấy dân làm gốc, mọi sự nghiệp cách mạng, mọi tổ chức cách mạng đều là "của dân, do dân, vì dân”.

Trong đổi mới, Đảng đã đưa kinh nghiệm lịch sử này lên vị trí hàng đầu: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(15).

Trong đổi mới chính trị, phải ''Chăm lo phát triển nguồn lực con người, thực hiện công bằng xã hội”(16).

Trong xây dựng kinh tế, phải chăm lo xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nông nghiệp lên mặt trận hàng đầu, phấn đấu cho nhân dân được ấm no, đất nước được văn minh, giàu mạnh.

Thứ năm - Trong đổi mới, Bác Hồ luôn coi trọng đổi mới tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, mở rộng đoàn kết quốc tế tạo nên một sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi cả trong dựng nước và giữ nước.

Ngày nay toàn Đảng, toàn dân ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết là học tập và phát huy duy đổi mới của Người trong lãnh đạo và tiến hành cách mạng, để đưa đất nước ta tiến kịp với trình độ và yêu cầu mới của thời đại.

GS.Văn Tạo

(1)(2)(3), ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 67, 68, 70.

(4), Hồ chí Minh: Tuyển tập, Nxb Hà Nội, 1960, tr. 794.

(5), ĐCSVN Văn kiện Đảng 1930- 1945, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tập 3, tr. 446-445.

(6), ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 68-69.

(7), ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr 124-125.

(8), ĐCSVN Văn kiện Đại hội VIII, Sđd, tr 71.

(9), Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1960 tr. 794.

(10), ĐCSVN Văn kiện Đại hội VI, Sđd, tr. 125, tr. 12.

(11), ĐCSVN Văn kiện Đại hội VI, Sđd, tr 125., tr. 12.

(12) (13), ĐCSVN Văn kiện Đại hội III, Sđd, tr 70, tr. 72.

(14), ĐCSVN Văn kiện Đại hội III, Sđd, tr 70, tr. 72.

(15), ĐCSVN Văn kiện Đại hội VI, Sđd, tr 29.

(16), ĐCSVN Văn kiện Đại hội VII, Sđd, tr 28.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất