Xoá nạn mù chữ và phát triển bổ túc văn hoá là một thành tựu có ý nghĩa to lớn cả về văn hoá xã hội và chính trị của Việt Nam sau ngày giành lại độc lập. Đó là thắng lợi của một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có dấu ấn đậm nét của Bác Tôn kính yêu.
Nói đến Tôn Đức Thắng là nói đến một con người có đạo đức trong sáng mẫu mực, rất đỗi giản dị, khiêm nhường và nhân ái; cũng là nói đến người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; một chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; người có những đóng góp quan trọng đối với phong trào hoà bình thế giới. Điều này đã được Đảng ta và các nhà nghiên cứu khẳng định, tôn vinh. Tuy nhiên, vì cuộc đời hoạt động cách mạng rất phong phú và nhất là đức khiêm nhường không muốn nói về bản thân của Bác Tôn, chúng ta còn phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, bổ sung các hoạt động và đóng góp của Bác trên những lĩnh vực khác, để khắc hoạ một chân dung đầy đủ hơn của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Tìm hiểu về hoạt động của Bác Tôn với công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá, chính là để góp phần thực hiện nhiệm vụ có nhiều ý nghĩa.này.
Xoá nạn mù chữ là một chủ trương lớn của Đảng ta từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhằm chống lại chính sách ngu dân của chính quyền thực dân phong kiến, nâng cao trình độ nhận thức của người dân, làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận cách mạng. Chủ trương này được thể hiện sinh động và có ý nghĩa to lớn thông qua sự ra đời và hoạt động của Hội Truyền bá quốc ngữ (tháng 5-1938), bắt đầu từ Bắc Kỳ rồi lan rộng ra cả nước([1]). Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, công tác xoá nạn mù chữ càng được chú ý và có điều kiện để tổ chức thực hiện tốt hơn. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và đề nghị một trong những nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện là “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”([2]). Chỉ một năm sau ngày nước nhà độc lập, đã có 2 triệu người dân thoát nạn mù chữ. Thành tích này đưa lại những bài học quý báu và tạo ra những tiền đề cần thiết cho công tác xoá nạn mù chữ trong kháng chiến chống Pháp. Dựa trên kết quả của phong trào bình dân học vụ, từ năm 1952, chính quyền cách mạng ban hành chính sách bổ túc văn hoá dành cho những người vừa thoát nạn mù chữ tiếp tục học lên, nhất là những người thuộc thành phần công nhân, nông dân, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Chương trình bước đầu được chia làm các cấp như sau:
Một là, Sơ cấp bình dân, mãn khoá bảo đảm trình độ biết đọc, biết viết.
Hai là, Dự bị bình dân, mãn khoá sẽ có trình độ tương đương lớp 2 phổ thông.
Ba là, Bổ túc bình dân cấp 1, mãn khoá đạt trình độ lớp 4 phổ thông.
Bốn là Bổ túc bình dân cấp II, mãn khoá sẽ đạt trình độ tương đương cấp II phổ thông.
Thời gian cho mỗi cấp từ 4 đến 6 tháng. Phương châm cơ bản biên soạn chương trình bổ túc văn hoá được xác định là “thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tranh thủ thời gian phục vụ kháng chiến.”([3])
Công tác bình dân học vụ và bổ túc văn hoá đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa và góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng, theo thống kê sơ bộ, miền Bắc còn khoảng 3 triệu người mù chữ, độ tuổi từ 12 đến 50([4]). Trong khi đó, phong trào xoá nạn mù chữ lại có phần giảm sút do nhiều nguyên nhân như công tác tiếp quản vùng mới giải phóng, kẻ địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, ... nhưng nguyên nhân chủ yếu là do công tác bình dân học vụ chỉ chú trọng đến đối tượng là cốt cán bần cố nông và có xu hướng “chính quy hoá” việc đào tạo. Các đối tượng khác và các hình thức đào tạo phi chính quy bị xem nhẹ. Hậu quả, số học viên là cán bộ xã khoá học mùa xuân năm 1954 có 58.739 học viên, nhưng sang mùa xuân năm 1955 chỉ còn 54.069 học viên; đối với người học là nhân dân, khoá học mùa xuân năm 1954 có 917.443 học viên, nhưng sang năm sau chỉ còn 259.332 học viên([5]).
Trước thực trạng này, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (mở rộng, từ ngày 3 đến 12-3-1955) đã đề ra yêu cầu “Tiếp tục phát triển bình dân học vụ để dần dần xoá bỏ nạn mù chữ”([6]). Hiện thực hoá chủ trương của Trung ương Đảng, từ năm 1956, Bộ Giáo dục đề ra kế hoạch 3 năm (1956-1958) nhằm thanh toán nạn mù chữ trên toàn miền Bắc([7]).
Nhằm tăng cường sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước đối với công tác xoá nạn mù chữ, thực hiện mục tiêu đã đề ra, ngày 27-12-1957, Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ([8]) được thành lập. Bác Tôn được cử làm Trưởng Ban. Điều này khẳng định cái “duyên” của Bác Tôn với ngành giáo dục đào tạo, trong đó có công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá. Nói là khẳng định, bởi lẽ trên thực tế, từ khi còn hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn những năm 1920, Tôn Đức Thắng đã từng giúp đỡ việc học hành của nhiều thanh niên nghèo vượt khó ([9]). Thời gian bị thực dân Pháp giam tại Côn Đảo (1930-1945), trên cương vị là một trong những người sáng lập và lãnh đạo chi bộ Đảng ở nhà tù, Tôn Đức Thắng cũng đã tham gia tổ chức cho các chiến sĩ cách mạng ở Banh I học tập văn hoá và lý luận, góp phần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Sau khi đảm nhận nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phụ trách công tác xoá nạn mù chữ của Trung ương, Bác Tôn đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xoá nạn mù chữ trở thành một cuộc vận động lớn, một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, thiết thực và sâu rộng trong toàn dân, toàn quân. Ngày 1-2-1958, Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ ra lời kêu gọi các ngành các cấp và mỗi người dân nỗ lực phấn đấu “làm cho phong trào bình dân học vụ thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, hoàn thành kế hoạch (thanh toán nạn mù chữ - TG) vào cuối năm 1958”([10]).
Các thành viên của Ban được phân công theo sát, động viên, kiểm tra các ngành, địa phương. Các tỉnh, huyện kiện toàn các ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ, sắp xếp, bố trí lực lượng thành một mặt trận diệt dốt rộng rãi. Các địa phương tổ chức các Đại hội thi đua diệt dốt, gắn diệt dốt với việc thực hiện các nhiệm vụ lớn ở địa phương. Trong cuộc vận động lớn của toàn dân, rất đáng biểu dương là việc nhiều học sinh vừa chăm chỉ học tập, vừa tích cực tham gia công tác xoá nạn mù chữ. Tháng 9-1958, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Ngày thành lập Nha Bình dân học vụ (8-9-1945), thay mặt Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ, Bác Tôn đã gửi thư khen ngợi các cháu học sinh miền Nam ra học tập ngoài miền Bắc “Mặc dầu công việc vận động đồng bào đi học đối với các cháu có rất nhiều khó khăn, nhưng các cháu đã nỗ lực, nhẫn nại kiên trì công tác. Nhiều cháu đã khéo biết kết hợp vừa tham gia làm việc với đồng bào, vừa tuyên truyền vận động đồng bào đi dạy, đi học”([11]). Bác Tôn cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc làm này của các cháu học sinh là “góp phần vào việc thực hiện chủ trương xoá nạn mù chữ của Đảng và Chính phủ”, “thắt chặt được tình đoàn kết giữa học sinh miền Nam và đồng bào miền Bắc” và sâu sắc hơn là “góp phần xây dựng miền Bắc vững mạnh. ..., góp phần vào cuộc đấu tranh cho Nam Bắc mau thống nhất”([12]).
Nhờ sự tích cực phấn đấu của toàn dân, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các ngành các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ do Bác Tôn đứng đầu, chỉ riêng trong 3 năm (1956-1958), đã có 2.161.362 người dân miền Bắc thoát khỏi nạn mù chữ, đưa tổng số người biết chữ riêng ở miền xuôi lên con số 15.174.000 người. Ngày 21-1-1959, Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ đã ra tuyên bố nêu rõ đến cuối tháng 12-1958, vùng đồng bằng và trung du miền Bắc đã căn bản xoá xong nạn mù chữ, 93,4% nhân dân từ 12 đến 50 tuổi đã biết đọc, biết viết. Toàn thể công nhân các xí nghiệp công trường, nông trường, lâm trường, cán bộ cơ sở, công nhân viên cơ quan, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, đoàn viên và thanh niên, đều đã thoát nạn mù chữ([13]).
Sau khi nạn mù chữ được căn bản thanh toán trên toàn miền Bắc, trên cương vị công tác của mình, Bác Tôn tiếp tục chăm lo để người dân và các cán bộ tránh khỏi tái mù chữ, đồng thời tiếp tục học lên theo chương trình bổ túc văn hoá, nhất là ở khu vực miền núi - nơi có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước. Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá của miền núi([14]), Bác nêu rõ: “Một trong những khó khăn lớn là tình trạng không có văn hoá và thiếu văn hoá vẫn còn trầm trọng ở nhiều nơi”([15]).
Để khắc phục tình hình trên, Bác Tôn xác định nhiệm vụ của công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá miền núi thời gian tới là “cần phải đưa thêm nhiều giáo viên vùng thấp lên giúp đỡ, mở rộng việc thanh toán nạn mù chữ bằng chữ dân tộc, ở các nơi đã có văn tự riêng; ủng hộ thêm nhiều giấy bút, mực cho đồng bào vùng cao. ở những nơi đã xoá xong nạn mù chữ, thì phải đẩy mạnh bổ túc văn hoá, phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng và coi trọng việc bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên”([16]).
Riêng với cơ quan chuyên trách, Bác Tôn yêu cầu “các Ban lãnh đạo bổ túc văn hoá và thanh toán nạn mù chữ các cấp khu, tỉnh tăng cường hoạt động, ra sức phát huy tính tích cực của quần chúng, làm cho mọi người nhận rõ tính chất cấp thiết của công tác xoá nạn mù chữ, để tham gia đi dạy, đi học cho đông, làm cho phong trào thực sự có tính chất quần chúng”([17]).
Sau khi miền Bắc đã căn bản hoàn thành thanh toán nạn mù chữ, Bác Tôn dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá - công tác cần thiết để tiếp tục nâng cao trình độ nhận thức người dân và thích hợp với điều kiện cả nước đang có chiến tranh. Đầu tháng 9-1968, nhân kỷ niệm lần thứ 23 Ngày thành lập Nha Bình dân học vụ, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác ra lời kêu gọi “Đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá”, với 3 nội dung chủ yếu:
Một là, các cấp uỷ đảng và chính quyền quan tâm lãnh đạo thật tốt công tác bổ túc văn hoá, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Hai là, các ban lãnh đạo bổ túc văn hoá và thanh toán nạn mù chữ các cấp phối hợp với các ngành hữu quan phát động toàn dân học bổ túc văn hoá với khí thế cách mạng và chất lượng ngày càng cao.
Ba là, các cán bộ, giáo viên, học viên bổ túc văn hoá nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt” - dạy thật tốt, học thật tốt, tiến hành tổng kết kinh nghiệm, quyết tâm xây dựng nhiều tập thể và cá nhân tiên tiến, xuất sắc([18]).
Tiếp tục quan tâm đến công tác bổ túc văn hoá ở miền Bắc, tháng 9-1970, Bác Tôn đã gửi thư đến cán bộ, giáo viên, học viên bổ túc văn hoá, nhân kỷ niệm lần thứ 25 Ngày thành lập Nha Bình dân học vụ. Khẳng định những đóng góp của công tác này, Bác nêu rõ “Công tác bổ túc văn hoá đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị cho cán bộ và nhân dân, phổ biến khoa học kỹ thuật và đào tạo cán bộ trên quy mô lớn”([19]). Bác cũng chỉ ra những điều kiện quan trọng để làm tốt công tác bổ túc văn hoá “nếu các cấp có trách nhiệm quan tâm lãnh đạo bổ túc văn hoá, cán bộ và thầy giáo quyết tâm vượt mọi khó khăn ra sức giảng dạy tốt, các đoàn thể quần chúng coi trọng việc thúc đẩy, giúp đỡ người học và người dạy, thì nhất định công tác bổ túc văn hoá sẽ thu được nhiều kết quả rực rỡ hơn nữa”([20]).
Với thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, miền Nam được giải phóng và tạo điều kiện thuận lợi để đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng thực tiễn cũng đặt ra một số vấn đề cần phải giải quyết cấp bách, trong đó có tình trạng mù chữ, ít được học hành trong một bộ phận không nhỏ đồng bào miền Nam. Nhận thức sâu sắc tình trạng này, trong Chỉ thị 221 CT/TW Về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng, ngày 17-6-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh “Trước mắt, phải coi đây (tức nhiệm vụ xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá - TG) là một nhiệm vụ cấp thiết số một .... Trước hết, phải xoá ngay nạn mù chữ trong cán bộ và thanh niên và tiếp tục bổ túc văn hoá cho họ, đồng thời phát động phong trào sôi nổi trong quần chúng nhằm mau chóng xoá nạn mù chữ trong nhân dân lao động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này trong hai năm”([21]).
Mặc dù phải lo nghĩ nhiều việc hơn trên cương vị Chủ tịch nước từ sau khi Bác Hồ qua đời, nhưng Bác Tôn vẫn ân cần chăm lo công tác xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá. Ngày 5-9-1975, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Nha Bình dân học vụ, Bác gửi thư đến cán bộ, giáo viên, học viên bình dân học vụ và bổ túc văn hoá, trong đó nêu rõ: “Để tích cực góp phần xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng cường, có công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến, đời sống văn minh hạnh phúc, sự nghiệp xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá trong cả nước cần được phát triển mạnh mẽ, liên tục và vững chắc hơn nữa”([22]).
Tháng 9-1976, trong thư gửi giáo viên và học sinh cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới, Bác Tôn lưu ý “Riêng đối với miền Nam, cần tập trung sức nhanh chóng xoá xong nạn mù chữ và đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên công nông ...”([23]).
Quan tâm đến bước tiến của phong trào, ngày 5-2-1977, Bác Tôn gửi thư đến Hội nghị sơ kết công tác xoá nạn mù chữ năm 1976 ở các tỉnh miền Nam, biểu dương những thành tích đã đạt được và nhắc nhở: những đơn vị đã hoàn thành xoá nạn mù chữ cần tiếp tục phát triển mạnh phong trào bổ túc văn hoá làm cho những người vừa mới biết chữ tiếp tục tiến lên củng cố kết quả đọc, viết và mở mang kiến thức phục vụ tốt sản xuất và đời sống. Những đơn vị chưa xoá xong nạn mù chữ cần học tập kinh nghiệm và làm theo các điển hình tiên tiến, kiểm điểm sâu sắc công tác lãnh đạo và chỉ đạo, lập kế hoạch vững chắc và có biện pháp tích cực xoá xong nạn mù chữ trong năm 1977 theo đúng tinh thần Chỉ thị 221-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng([24]).
Chú ý đến tầm quan trọng của lực lượng chuyên trách trong công tác xoá nạn mù chữ, Bác Tôn xác định: “Cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành giáo dục phải làm nòng cốt trong lực lượng giảng dạy, dạy trên lớp, dạy ở nhà, dạy từng người, tìm đến người chưa biết chữ mà dạy, coi đó là một công tác thiết thực gắn liền nhà trường với xã hội”([25]).
Được sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự quan tâm, động viên sâu sát của Bác Tôn, phong trào xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá ở miền Nam đã phát triển sôi nổi, rộng khắp. Cuối tháng 2-1978, các tỉnh và thành phố ở miền Nam đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xoá nạn mù chữ([26]). Tháng 3-1978, Việt Nam tự hào ra tuyên bố xoá xong nạn mù chữ sau 32 năm phấn đấu kiên trì, bền bỉ.
Xoá nạn mù chữ và phát triển bổ túc văn hoá là một thành tựu có ý nghĩa to lớn cả về văn hoá xã hội và chính trị của Việt Nam sau ngày giành lại độc lập. Đó là thắng lợi của một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực không ngừng để dạy tốt và học tốt của đông đảo các thế hệ giáo viên và học viên ở khắp các vùng miền, với nhiều lứa tuổi. Trong những đóng góp vào thành tựu chung đó, có dấu ấn đậm nét của Bác Tôn kính yêu.
ThS Lý Việt Quang
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
[1] Lý Việt Quang: Chủ trương của Đảng về giáo dục cho nhân dân và sự ra đời của Hội Truyền bá quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong Phan Ngọc Liên (chủ biên): Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2008, tr. 787-795.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 8.
[3] Xem Bùi Minh Hiền: Lịch sử giáo dục Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2005, tr. 130-131.
[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm mươi năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Nxb. Giáo dục, H. 1995, tr. 270.
[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sđd, tr. 270.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 16, Nxb. CTQG, H. 2002, tr. 144.
[7] Bùi Minh Hiền: Sđd, tr. 170.
[8] Sau chuyển thành Ban lãnh đạo Trung ương bổ túc văn hoá và thanh toán nạn mù chữ.
[9] Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb. CTQG, H. 2003, tr. 543.
[10] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sđd, tr. 272.
[11] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Nxb. CTQG, H. 2005, tr. 255.
[12] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 255, 256.
[13] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sđd, tr. 273.
[14] Hội nghị diễn ra tại Hoà Bình từ ngày 18 đến 21-3-1961.
[15] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 355.
[16] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 356.
[17] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 356-357.
[18] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 473-474.
[19] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 502.
[20] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 503.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t. 36, tr. 225, 226.
[22] Dẫn theo Bùi Đình Phong (chủ biên): Tôn Đức Thắng - Tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2007, tr. 212.
[23] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 582.
[24] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 588-589.
[25] Tôn Đức Thắng - những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr. 589.
[26] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sđd, tr. 290.