Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 11/3/2012 10:9'(GMT+7)

Dòng họ hiếu học - nét đẹp ở Bắc Giang

Ðại diện Hội Khuyến học và các dòng họ hiếu học trao phần thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập.

Ðại diện Hội Khuyến học và các dòng họ hiếu học trao phần thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 3.986 dòng họ hiếu học, 138.171 gia đình hiếu học, tăng gần gấp hai lần so năm 2005. Ðiều đáng nói, tất cả các dòng họ, gia đình hiếu học đều thành lập và tổ chức hoạt động tự giác, tự túc và đều có những chương trình, kế hoạch riêng nhằm phát huy khả năng học tập của con em trong gia đình, dòng họ mình. Dưới sự chỉ đạo chung của Hội khuyến học tỉnh, huyện, thành phố, các dòng họ hiếu học trở thành chỗ dựa, là nguồn động viên, tiếp sức cho các phong trào khuyến học ở cơ sở. Nhờ đó các gia đình có con em đi học đạt tỷ lệ cao, giảm đáng kể tình trạng bỏ học, lưu ban trong nhà trường. Một số nơi còn thành lập được "Hội học sinh tự quản" của các em học sinh nhằm giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt cũng như giám sát, quản lý tốt hoạt động học tập của con em trong dòng họ.

Họ Ngô Văn ở thôn Dĩnh Xuyên (Tân Dĩnh, Lạng Giang) là một trong những dòng họ lớn, đông nhân khẩu. Những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Hội khuyến học huyện, họ Ngô Văn đã có kết quả tích cực trong công tác khuyến học, khuyến tài cho con em mình. Ông Ngô Ngọc Ðàm, trưởng dòng họ cho biết: Công tác khuyến học của dòng họ hoạt động từ năm 2000, đến nay đã thu hút được 100% số gia đình trong họ tham gia. Chúng tôi đề ra các quy định hoạt động cụ thể, tỉ mỉ đạt sự thống nhất cao. Về khen thưởng đều kịp thời, đúng mức, có tác dụng động viên, khích lệ cho các cháu. Năm học vừa qua, trong họ không có cháu nào bỏ học, không lưu ban; có hàng chục giải học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, một giải quốc gia. Kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, trong họ có sáu cháu đăng ký dự thi đều đỗ. Trong họ tính trung bình cứ một hộ có một người có trình độ đại học trở lên...

Ở thành phố Bắc Giang, có 142 dòng họ có tổ chức hoạt động khuyến học, trong đó có 53 dòng họ đạt danh hiệu "Dòng họ khuyến học". Tiêu biểu như các dòng họ: Hà Chí (xã Xương Giang), Phạm Ðức (xã Song Mai), Ðồng (phường Thọ Xương), Lương, Hoàng (xã Tân Mỹ), Ngô, Nguyễn (xã Dĩnh Kế)... Quan trọng hơn, sự hình thành và phát triển của các dòng họ khuyến học không phải để đạt được các danh hiệu, hay lấy đó làm hình thức mà thật sự là hoạt động của những người có tâm huyết đối với sự nghiệp trồng người. Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, việc tổ chức và hoạt động của dòng họ khuyến học đang ngày càng tạo thành những phong trào sâu rộng như là một nét đẹp trong văn hóa giáo dục của nhân dân. Một số huyện có số dòng họ hiếu học nhiều như Yên Dũng 968 dòng họ; Tân Yên 584; Hiệp Hòa 595 đã nêu cao phong trào hiếu học, tạo nên sự đua tranh tích cực đến con em mỗi dòng họ.

Không chỉ ở thành phố và các huyện vùng thấp, phong trào mới phát triển, ngay ở các huyện miền núi như Lục Ngạn, Sơn Ðộng, Yên Thế, nhiều dòng họ khuyến học đang góp phần tạo nên một xã hội học tập khá sâu rộng tại địa phương. Ở Lục Ngạn, các xã Quý Sơn, Giáp Sơn, Hồng Giang đều có nguồn quỹ khuyến học khá lớn, hội khuyến học phát động phong trào thi đua hiếu học trong các dòng họ đã nhận được hưởng ứng rộng khắp. Các dòng họ Trần, Nguyễn Văn, Giáp... ngoài sự cổ vũ về tinh thần, khen thưởng kịp thời, đều đề ra mức thưởng bằng hiện vật cho các cháu học tốt, có thành tích cao trong thi cử. Ðiều đáng nói là mặc dù có sự đua tranh giữa các dòng họ nhưng không hề có sự cay cú, ăn thua. Thành tích của họ này là sự kích thích, là động lực phấn đấu cho họ khác. Các địa phương này cũng đã bước đầu tổ chức thành công ngày hội khuyến học trong cộng đồng vào mỗi cuối năm học và đầu năm học mới.

Chi hội khuyến học thôn Lim (xã Giáp Sơn, Lục Ngạn) đã tổ chức hoạt động "Học sinh tự quản" đạt kết quả tốt, trong đó vai trò của gia đình và dòng họ hiếu học có ý nghĩa quyết định. Ông Trương Tuấn Long, Chi hội trưởng Hội Khuyến học thôn Lim nhớ lại: "Ban đầu khi tổ chức hội học sinh tự quản, cũng có lời này kia cho rằng không làm được. Chúng tôi phải vận động và nhận được sự giúp đỡ của các gia đình cũng như trưởng dòng họ, trưởng tộc cũng như chi hội phải soạn thảo những quy định rõ ràng, lên danh sách các cháu một cách cụ thể và thường xuyên theo dõi, động viên các cháu. Các bác trưởng họ nhiệt tình đến từng nhà trong thôn, phân tích thiệt hơn nên dần dần hội đã thu hút được rất đông học sinh tham gia. Các cháu tham gia hội luôn đi học đúng giờ, không bỏ học, thực hiện nghiêm quy định học thêm, học nhóm buổi tối, không mắc tệ nạn xã hội...".

Nói về hoạt động của những dòng họ khuyến học ở địa phương, ông Giáp Minh Quang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhận định: Những năm gần đây, trong tỉnh, các dòng họ hiếu học phát triển nhanh và hoạt động hiệu quả. Dòng họ là chỗ dựa, là nguồn động viên, tiếp sức cho gia đình hiếu học và phong trào khuyến học ở cơ sở. Các dòng họ hiếu học góp phần không nhỏ giúp cho tỷ lệ các cháu đi học cao, không bỏ học, tăng tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng học tập. Hoạt động của dòng họ hiếu học đã tạo được tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cuộc sống và học tập...

Những dòng họ hiếu học ở Bắc Giang đang chung tay cùng ngành giáo dục của tỉnh tạo nên một xã hội học tập, một mối gắn kết cộng đồng từ trong dòng họ đến những thiết chế hành chính cao hơn là thôn, làng, xã... Ở một địa phương có gần 1,6 triệu dân, nhiều dòng họ, nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn rộng như Bắc Giang, hoạt động của những dòng họ hiếu học quả là nét đẹp trong giáo dục cần được phát huy và nhân rộng.

Trần Thường/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất