(TCTG) - Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có ý nghĩa và vị trí hết sức quan trọng, là cầu nối để các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, đến được với mọi tầng lớp nhân dân, là khâu đầu tiên của quá trình thực thi pháp luật và là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò của công tác PBGDPL, trong những năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh Đồng Tháp ngày càng chú trọng đến nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, góp phần nâng cao sự hiểu biết về kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Tỉnh, góp phần hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.
Đầu năm 2011 đến nay, Hội đồng PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở đã linh hoạt sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến nhất là tuyên truyền miệng đã được các cấp, các ngành sử dụng thường xuyên thông qua các hội nghị triển khai chuyên đề, các lớp tập huấn nghiệp vụ, các buổi nói chuyện thời sự, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật… đã tổ chức được 59.159 cuộc cho 1.916.317 lượt người dự nghe. Song song đó, công tác PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở được duy trì thường xuyên mỗi ngày phát 02 buổi với thời lượng từ 30-45 phút. Một số địa phương duy trì tốt việc tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng truyền thanh như: huyện Lấp Vò, huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Đây là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều người dân quan tâm và đồng tình ủng hộ.
Để công tác PBGDPL đi vào thực tế cuộc sống, trong thời gian qua, các địa phương trong Tỉnh đã tổ chức 121 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật (thi viết và thuyết trình) thông qua các sinh hoạt của đoàn thể và các câu lạc bộ ở cơ sở với 2.162 lượt người dự thi. Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Tỉnh đã biên soạn và phát hành trên 8.000 tài liệu gồm: đề cương giới thiệu các văn bản luật mới ban hành, tài liệu tập huấn nghiệp vụ hoà giải, hỏi – đáp về luật và bản tin Tư pháp; một số ban, ngành, đoàn thể Tỉnh cũng đã phát hành nhiều tài liệu, bản tin chuyên ngành để phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành mình. Tất cả 100% xã, phường, thị trấn trong Tỉnh được trang bị tủ sách pháp luật, tổng cộng có 1.160 tủ sách pháp luật tại các điểm bưu điện văn hóa xã, 795 tủ sách pháp luật trong trường học, đơn vị, phòng, ban cấp huyện và các sở, ban, ngành Tỉnh phục vụ gần 19.000 lượt người đến nghiên cứu; một số địa phương đã chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục duy trì tốt tủ sách pháp luật ở khóm, ấp như thành phố Cao Lãnh, Thị xã Sa Đéc và huyện Tháp Mười.
Ngành Tư pháp đã thực hiện hình thức trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho 1.049 vụ việc (tư vấn 947 vụ việc, tham gia tố tụng 101, đại diện 01), phục vụ ch0 1.086 người dân là đối tượng người nghèo và người có công cách mạng. Công tác tuyên truyền PBGDPL cũng được tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt lệ chi, tổ, hội của các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, đã tổ chức tuyên truyền được 54.047 cuộc, gần 1.700 ngàn lượt người dự, các địa phương như Tân Hồng, Tháp Mười, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự duy trì và thực hiện tốt công tác này. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 3.294 vụ việc, đưa ra hòa giải 3.014 vụ việc và hòa giải thành 2.297 vụ việc, đạt 76,21% (tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2010), những địa phương thực hiện hòa giải thành đạt tỷ lệ cao như Tháp Mười đạt 89,84%, Lấp Vò đạt 87,11%, Thanh Bình đạt 83,10%.... Đặc biệt, công tác tuyên truyền PBGDPL còn được chú trọng thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ và được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là các chương trình văn nghệ, thông tin cổ động là loại hình sinh hoạt dễ đi vào lòng người và dễ tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân đông nhất, tuyên truyền hiệu quả nhất.
Từ các loại hình tuyên truyền trên đã giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt thông tin để có sự hiểu biết sâu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cầu nối giữa người dân với cấp ủy và chính quyền, đáp ứng nhu cầu thông tin trong các tầng lớp nhân dân./.
Minh Phú