Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 23/9/2011 8:29'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền về tôn giáo cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: nước ta là một nước có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, với hơn 20 triệu người có đạo, chiếm 25% dân số cả nước, là tín đồ của 13 tôn giáo và 33 tổ chức, hệ phái đã được công nhận về mặt tổ chức. Có hơn 60.000 chức sắc, nhà tu hành, 200.000 chức việc, hơn 25.000 cơ sở thờ tự phục vụ sinh hoạt và thực hiện lễ nghi tôn giáo. Tình hình hoạt động tôn giáo ở nước ta ngày càng sôi động, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa xã hội và chính trị cả nước. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có những chính sách tôn giáo tích cực. Do vậy, tuyên truyền về đời sống tôn giáo, các chính sách tôn giáo là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Sau đổi mới, với chính sách cởi mở, thông thoáng của Đảng và Nhà nước ta, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được thể chế hóa bằng luật pháp. Do vậy, hoạt động của các tôn giáo được phục hồi và từng bước phát triển. Các tôn giáo không ngừng đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo, phát triển tín đồ, đào tạo chức sắc, in ấn kinh sách, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, mở rộng quan hệ quốc tế làm cho hoạt động của các tôn giáo ngày càng sôi động hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, các thế lực thù địch luôn lợi dụng tôn giáo gắn với nhân quyền để thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta.

Báo chí trong hệ thống chính trị những năm gần đây đã quan tâm tới công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần vào định hướng dư luận xã hội, giúp ổn định chính trị, xã hội, phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí trong hệ thống chính trị nước ta cũng có lúc chưa được cơ quan chủ quản quan tâm thỏa đáng, chưa có định hướng cụ thể, tính năng động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu trong đời sống tôn giáo hiện nay. Thậm chí còn sai sót, gây tâm lý phản cảm trong tín đồ, chức sắc.

Phó tổng biên tập tạp chí Công tác Tôn giáo Nguyễn Công Huyên nhấn mạnh: “Thời gian tới, cùng với sự đổi mới của đất nước, sự hội nhập sâu rộng với thế giới sẽ có nhiều tác động đến lĩnh vực truyền thông. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát nào về công tác tuyên truyền của báo chí đối với chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo để định hướng dư luận xã hội, nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Do đó, triển khai thực hiện dự án “Khảo sát thực trạng công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí trong hệ thống chính trị thời kỳ đổi mới-những kiến nghị, giải pháp” là rất quan trọng và cần thiết”.

Đóng góp ý kiến vào công tác tuyên truyền tôn giáo, TS. Phạm Huy Thông (Đai học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: hiện nay, phóng viên theo dõi về tôn giáo có ít kiến thức về tôn giáo, dễ dẫn đến thông tin, phản ánh sai. Đồng tình với quan điểm này, Tổng biên tập tạp chí Mặt trận Hoàng Hải còn chỉ thêm: do tôn giáo là vấn đề nhạy cảm nên nếu nắm không chắc dễ dẫn đến sai, xảy ra sự cố, do vậy không ít đơn vị hạn chế đăng bài về lĩnh vực này.

Đại tá Phùng Kim Lân (Báo Quân đội nhân dân) phát biểu: Việc tuyên truyền về tôn giáo còn chưa thật sự tốt ngoài, nguyên nhân về trình độ người làm báo, sự thiếu chủ động của các cơ quan báo chí còn phải kể đến nguyên nhân từ việc định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng. Việc thiếu định hướng và cung cấp thông tin không đầy đủ khiến cho việc tuyên truyền bị động và kém thuyết phục. Để tổ chức tuyên truyền tôn giáo hiệu quả, Đại tá Phùng Kim Lân đề nghị, ngoài việc các cơ quan chức năng định hướng, cung cấp thông tin kịp thời, cần quan tâm dự báo xu hướng phát triển của báo chí./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất