Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 4/9/2011 16:8'(GMT+7)

Kinh nghiệm từ một Hội thi ở Bình Phước

 Trong hoạt động của công tác giáo dục lý luận chính trị, giảng viên có vai trò rất quan trọng, vì rằng nói như Lênin thì trong bất kỳ một trường học nào, điều quan trọng nhất là phương hướng chính trị và tư tưởng của các bài giảng. Đội ngũ các giảng viên lý luận chính trị chính là những người quyết định phương hướng đó. Vì vậy, để nâng cao nghiệp vụ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị trong đội ngũ giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 117-QĐ/TU ngày 01-3-2011 của Tỉnh ủy về việc Thành lập Ban Tổ chức “Hội thi giảng viên Lý luận chính trị giỏi tỉnh Bình Phước năm 2011” do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng Ban Tổ chức Hội thi. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức hội thi đã ra Quyết định thành lập Ban giám khảo, Tổ thư ký; ban hành Quy định về nhiệm vụ của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký hội thi; đồng thời xây dựng Kế hoạch, thể lệ hội thi gửi xuống cơ sở.Thực hiện Kế hoạch và thể lệ của Ban Tổ chức hội thi, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị đã lập danh sách, cử các thí sinh tham gia hội thi đúng với yêu cầu Kế hoạch và thể lệ.
 
Được chuẩn bị chu đáo, Hội thi đã có 19 thí sinh tham dự, trong đó có 14 thí sinh nam, và 05 thí sinh nữ; 10 giảng viên chuyên trách và 9 giảng viên kiêm chức. Đa số thí sinh có trình độ chuyên môn Đại học và Lý luận Chính trị từ trung cấp trở lên; có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các huyện, thị.

Nội dung Hội thi lần này chủ yếu tập trung vào chương trình Bồi dưỡng lý luận chính trị năm 2011 tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) cấp huyện, thị theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Chủ đề dự thi bao gồm: chương trình Sơ cấp lý luận chính trị: 5 bài; chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho học viên lớp bồi dưỡng kết nạp đảng: 7 bài; chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới: 4 bài; chương trình bồi dưỡng khối mặt trận, đoàn thể: 2 bài; bồi dưỡng chuyên đề Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: 1 bài. Trong 19 đề cương dự thi có 12 đề cương được thực hiện bằng giáo án điện tử PowerPoint và 7 đề cương được thực hiện bằng giáo án giấy.

Sau ba tháng chuẩn bị và hai ngày dự thi (14 đến ngày 15-7-2011), Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Bình Phước năm 2011 đã kết thúc, với kết quả như sau: ngoài điểm về đề cương: có 07 thí sinh đạt loại giỏi, 08 thí sinh đạt loại khá và 04 thí sinh đạt loại trung bình, Ban Giám khảo đã thống nhất đề nghị Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy công nhận và trao giải thưởng cho 4 tập thể và 19 cá nhân đạt giải, trong đó: Giải tập thể: 02 giải nhì và 02 giải ba (không có giải nhất); Giải cá nhân: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 13 giải khuyến khích.

Thực tế cho thấy, các thí sinh tham dự hội thi với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thể hiện sự say mê công việc của một giảng viên lý luận chính trị, thực hiện tốt quy định, thể lệ hội thi và đều có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc nghiên cứu tài liệu chuẩn bị đề cương đến phần thi thuyết trình. Hội thi được tiến hành trong không khí vui vẻ, đoàn kết và cầu thị. Qua đó, các thí sinh đã học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn. Tham dự Hội thi lần này còn có một số thí sinh là giảng viên kiêm chức của TTBDCT cấp huyện dù đã nhận nhiệm vụ mới, nhưng vẫn tham gia dự thi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự tâm huyết đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị. Đặc biệt, có thí sinh đã 58 tuổi, nhưng vẫn nhiệt tình dự thi và có kết quả tốt.Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số những hạn chế cần được rút kinh nghiệm.

Để Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tiếp theo ở cấp huyện, và các cấp cao hơn đạt kết quả tốt, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị chu đáo về kế hoạch, thời gian, tổ chức và nội dung Hội thi; Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Tổ thư ký nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ của mình trong hội thi theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch và nội dung chương trình đã đề ra; chấm điểm của Ban giám khảo qua 2 phần thi (soạn đề cương và thao giảng) đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng và nghiêm túc, đảm bảo chỉ đạo chặt chẽ, khoa học quá trình tổng hợp điểm của các thí sinh và công nhận kết quả xếp loại.

Thứ hai, để giảng dạy các môn lý luận chính trị và lựa chọn được phương pháp giảng dạy thích hợp với đối tượng, rất cần phải tổ chức những Hội thi như thế này. Bởi vì thông qua hội thi, các giảng viên sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn phương pháp và phương tiện hỗ trợ thích hợp phục vụ cho bài giảng của mình.

Thứ ba, điều kiện có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị là đội ngũ và chất lượng giảng viên. Đội ngũ này không chỉ bao gồm những người trung thành với đường lối chính trị của Đảng, tận tụy phục vụ lợi ích của nhân dân, có khả năng tổ chức và vận động thuyết phục quần chúng, có trình độ sư phạm, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, mà còn phải được đào tạo cơ bản, có hệ thống, được bồi dưỡng thường xuyên, để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn.

Trên tinh thần đó, Hội thi không chỉ là một dịp thao giảng, góp ý kiến, chia sử kinh nghiệm và tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ giảng viên, góp phần đánh giá đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở Trung tâm BDCT cấp huyện, mà còn tạo đà phát triển cho công tác giảng dạy lý luận chính trị ở địa phương ngày càng hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước đổi mới và hội nhập thành công./.

Trần Tuyết Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất