Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 22/11/2015 8:52'(GMT+7)

Đồng Tháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đối thoại với đội ngũ nhà giáo và nhân dân về giáo dục

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đối thoại với đội ngũ nhà giáo và nhân dân về giáo dục

Quán triệt, phối hợp triển khai nghị quyết sâu, rộng

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Chương trình hành động số 88-CTr/TU ngày 28-12-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sau đó là Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 19-5-2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 88-CTr/TU và Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 19-9-2014 về thực hiện Nghị quyết số 44/NQ ngày 9-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời, Sở đã tiến hành triển khai tổ chức học tập các nghị quyết, chương trình và kế hoạch nêu trên rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Sở đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Tỉnh cho phép được phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, báo Đồng Tháp mở chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên sóng phát thanh và truyền hình mỗi tháng 2 lần; tăng cường thời lượng phát sóng, tin, bài về giáo dục và đào tạo.

Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề hoạt động có hiệu quả sau khi hợp nhất theo Đề án thành lập Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh.

Bám sát Nghị quyết tiến hành đổi mới có trọng tâm

Đổi mới đầu tiên được thực hiện là hình thức, phương pháp giảng dạy. Sở chỉ đạo các trường học và cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của học sinh. Trong dạy học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng đến tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế. Nhằm góp phần nâng cao năng lực giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn cho đội ngũ giáo viên, Sở phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nội dung, kinh nghiệm giảng dạy các môn khoa học xã hội ở các trường phổ thông trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương đổi mới trong thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã từng bước “đồng bộ hóa” kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thường xuyên với giáo dục phổ thông qua các đợt kiểm tra định kỳ chung đề, coi và chấm kiểm tra chéo; từng bước cho học viên hệ giáo dục thường xuyên tham gia các kỳ thi chuyên môn của học sinh hệ giáo dục phổ thông... Đối với giáo dục nghề nghiệp, trong phạm vi chức năng và quyền hạn được giao, Sở thực hiện nghiêm túc việc thẩm định mở mã ngành đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiểm tra chất lượng đầu ra. Trong thi cử đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Sở cải tiến tổ chức thi dưới hình thức “Coi thi theo trường, chấm thi theo cụm” để tiết kiệm kinh phí và tạo điều kiện xác định điểm chuẩn cho phù hợp từng trường trên địa bàn; trong kỳ tuyển sinh năm 2015, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tuyển sinh đại học, cao đẳng, Sở đã chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép được phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh và Trường Đại học Đồng Tháp tiến hành 2 cụm thi an toàn, nghiêm túc.

Tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, dạy nghề công lập bằng ngân sách của Nhà nước. Năm 2013, 2014, Tỉnh đầu tư xây mới 435 phòng học, 556 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ cho 98 điểm trường; sửa chữa 1.621 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ ở 385 điểm trường học; trang bị mới thay thế và bổ sung 5.030 bộ bàn ghế học sinh. Trong năm nay, đang đầu tư xây mới 143 phòng học, 301 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ cho 30 điểm trường; sửa chữa 1.051 phòng học, 211 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ, trang bị 1.108 bộ bàn ghế cho 328 điểm trường học các cấp với tổng kinh phí là 328.058 triệu đồng. Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, Tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư về đất đai, tín dụng, thuế… hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề ngoài công lập. Tính đến tháng 6-2015, đã có 2 dự án được cấp phép và 3 dự án được cấp phép đang tiến hành xây dựng với tổng kinh phí khoảng 499 tỷ đồng: Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Tương Lai tại thành phố Cao Lãnh; Trường Mầm non Minh Đức tại huyện Tháp Mười và thị xã Hồng Ngự; Trường Mầm non - Trung tâm ngoại ngữ Tổ Ong Vàng tại thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc.

Sở đã điều chỉnh Bộ tiêu chí thi đua đối với các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và xây dựng tiêu chí thi đua cho các phòng Giáo dục và Đào tạo. Nội dung các tiêu chí rất bám sát với nhiệm vụ trọng tâm của từng đơn vị. Đồng thời, Sở chủ động xây dựng cơ chế phối hợp trong xét thi đua khen thưởng giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Ban thi đua khen thưởng Tỉnh thực hiện khen thưởng cấp tỉnh kịp thời trước khai giảng năm học mới.

Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý giáo dục, tổ chức “Đối thoại với nhà giáo và nhân dân về giáo dục” tại 12/12 huyện, thị xã, thành phố để giải quyết các vấn đề về giáo dục đào tạo trên địa bàn. Đồng thời, thiết lập hệ thống “Đường dây nóng” qua điện thoại và thư điện tử để kịp thời ghi nhận và giải quyết ý kiến của các cá nhân, tổ chức về các vấn đề có liên quan. Trong xem xét điều động, thuyên chuyển công tác của cán bộ, giáo viên đều thực hiện công khai danh sách và mời các đối tượng này cùng dự họp với Hội đồng để hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra.

Bài học kinh nghiệm bước đầu

Sau 2 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đồng Tháp rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành giáo dục và đào tạo cần phải tích cực và chủ động thực hiện tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp để đề xuất những giải pháp thực hiện phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương mình bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản; phối hợp với các ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm vì sự nghiệp trồng người.

Thứ hai, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo phải đi vào thực chất, lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ và hiệu quả công việc làm tiêu chí đánh giá chính; không nên quá tập trung vào hồ sơ, sổ sách khi thực hiện thanh tra, kiểm tra. Trong đánh giá thực hiện thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục cần gắn thành tích của cá nhân với thành tích của đơn vị được phân công quản lý; chú ý phát hiện và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao, nhất là đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên trực tiếp tham gia giảng dạy và phục vụ giảng dạy.

Thứ ba, tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng dạy - học, cần chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản cho các cơ sở giáo dục có trọng tâm, trọng điểm dựa trên căn cứ nhu cầu thực tế phát triển. Tránh việc đầu tư dàn trải, gây lãng phí.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện trong thời gian tới

Quán triệt sâu rộng Nghị quyết 29-NQ/TW, trước mắt thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 và tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cho những năm tiếp theo, ngành giáo dục đào tạo Đồng Tháp sẽ chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”... Trong thời gian tới, cần tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục và đào tạo. Cụ thể: Tổ chức thực hiện tốt với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo làm tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ yêu cầu đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học, chất lượng giáo dục nhà trường; Đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển giáo dục qua các chương trình, kế hoạch và đề án đã được phê duyệt; Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên phù hợp với yêu cầu đổi mới gắn với nhu cầu phát triển ngành nghề địa phương; Phối hợp với các trường quản lý giáo dục, trường đại học, trường chính trị để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ nhà giáo; Tổ chức thực hiện tốt cải cách hành chính, rà soát đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giáo dục; Duy trì, mở rộng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa tại cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo; Tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, triển khai thí điểm một số cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo. Đối với giáo dục mầm non, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường, chú ý tập trung ưu tiên cho mẫu giáo 5 tuổi (bảo đảm tất cả các địa phương đạt tỷ lệ huy động từ 98% trở lên, phấn đấu ít nhất 90% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày). Với giáo dục phổ thông, thực hiện giảm tải nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng thực chất, mang đến cho người học những kiến thức cơ bản, thực tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy; Thực hiện tốt phương châm ba chung: “Đề thi chung, coi thi chung, chấm thi chung” đối với các môn cơ bản ở lớp cuối cấp. Đổi mới giáo dục thường xuyên qua việc củng cố mô hình hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hỗ trợ hoạt động cho các Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên tại thị xã Hồng Ngự cùng các huyện Thanh Bình, Tháp Mười và các Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên ở các huyện còn lại; Kết hợp dạy văn hóa với hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề nhằm nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở; Phối hợp tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn; Thực hiện chương trình giáo dục từ xa về tiếng Anh thực hành. Trên lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, tăng cường giảng dạy kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ, khởi sự doanh nghiệp cho học viên; Tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, thông qua việc ký kết các hợp đồng, thoả thuận hợp tác; Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp; Chỉ đạo tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Ba là, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bám sát với yêu cầu phát triển giáo dục địa phương, bảo đảm mục tiêu đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn ở từng cấp học. Đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên gắn với tiếp tục thực hiện sâu nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ của Tỉnh bảo đảm đạt chuẩn theo quy định; Thực hiện phân cấp mạnh mẽ công tác tuyển dụng giáo viên; Đổi mới phương thức tuyển dụng nhằm thu hút nguồn nhân lực bảo đảm cung cấp đủ số lượng giáo viên cho các cấp học, ngành học.

Bốn là, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính trong ngành giáo dục nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm đủ nguồn lực tài chính và phương tiện dạy học tối thiểu của tất cả các cơ sở giáo dục; Theo dõi rà soát quy hoạch phát triển chi tiết mạng lưới trường, lớp học của tỉnh đến năm 2020 để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét điều chỉnh nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển phù hợp với địa phương và chỉ đạo của Chính phủ; Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tự làm và khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị dạy học, các công trình xây dựng tránh thất thoát lãng phí./.


Bạch Mai/TCCS

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất