Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 16/11/2014 17:13'(GMT+7)

Dự án khu vực, kế hoạch toàn cầu

Lễ ký bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) tại Bắc Kinh - Trung Quốc vào ngày 24/10 vừa qua. (Ảnh: Reuters).

Lễ ký bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) tại Bắc Kinh - Trung Quốc vào ngày 24/10 vừa qua. (Ảnh: Reuters).

Có lẽ do mới chỉ đang ở giai đoạn đầu thành lập nên những thông tin chi tiết giúp hình dung ra hình thù của AIIB ra sao vẫn còn rất ít ỏi. Chỉ biết rằng, AIIB sẽ đặt trụ sở tại Bắc Kinh với phần lớn vốn đầu tư ban đầu được Trung Quốc rót vào. Được biết, AIIB sẽ có số vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD. AIIB có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm 2015 sau khi các cổ đông sáng lập thông qua và ký kết các điều khoản thỏa thuận.


Trung Quốc đã tuyên bố rõ đề xuất thành lập AIIB là nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đáp ứng nhu cầu to lớn về mặt huy động vốn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước hữu quan. Sáng kiến thành lập AIIB được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2013 được cho là nhằm mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc tài chính vào Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng. Đây là những định chế tài chính quốc tế Trung Quốc cũng tham gia nhưng chỉ đóng vai trò hạn chế và có tiếng nói kém trọng lượng so với vai trò thống trị của Mỹ và châu Âu trong WB, IMF hay Nhật Bản trong ADB. Trước đó, Trung Quốc cũng từng công khai ý định muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong các tổ chức tài chính quốc tế này.

Ngoài ra, với số vốn khá “khủng” và chức năng hoạt động được tuyên bố của AIIB như trên, xem ra đối với các nước đang phát triển trong khu vực cần có nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, dự án AIIB khá hấp dẫn. Điểm danh các thành viên tham gia sáng lập thì thấy, phần lớn thành viên sáng lập là các nước đang phát triển ở châu Á, còn lại chỉ xuất hiện một số ít nền kinh tế vững vàng đã được khẳng định như Ấn Độ hay Xin-ga-po và Trung Quốc là đương nhiên. Trong khi đó, AIIB còn được đánh giá là có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á-Thái Bình Dương. Vì AIIB đã lựa chọn hướng tiếp cận tương đối mới so với của WB hay ADB vốn chỉ chú trọng vào lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Thậm chí, ngay cả Chủ tịch WB, ông Im Yong Kim cũng cho rằng, AIIB sẽ là đối tác tốt trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Và theo các chuyên gia, AIIB có cơ hội để phát triển bởi nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước châu Á đang phát triển là rất lớn. Ước tính, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần khoảng 800 tỷ USD mỗi năm đầu tư cho lĩnh vực này đến năm 2020.

Tiềm năng phát triển của AIIB như vậy, cùng với vai trò nổi bật của Bắc Kinh trong thể chế này được cho là sẽ đe dọa tới vai trò ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn ở khu vực, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Và hơn thế nữa, dự án AIIB đã vươn xa khỏi tầm khu vực và trở thành một phần trong kế hoạch toàn cầu của Trung Quốc nhằm định hình lại cấu trúc tài chính toàn cầu, để đảm bảo quyền lực và các lợi ích của nước này. Cùng với việc thiết lập AIIB, Bắc Kinh còn xúc tiến thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Nếu được hình thành, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới do chiếm tới 40% tổng dân số thế giới, gần 50% khối lượng thương mại và hơn 50% GDP toàn cầu. Sáng kiến thiết lập AIIB được cho là còn nhằm mục đích hình thành những tuyến thông thương mới nối với châu Âu, hay vẫn được gọi là “con đường tơ lụa” thời hiện đại. Trong số các dự án mà AIIB sẽ rót vốn bao gồm cả tuyến đường sắt nối Bắc Kinh với Bát-đa của I-rắc. Và như vậy, Oa-sinh-tơn càng không mong muốn xuất hiện một định chế tài chính mới thách thức luật chơi vốn do Mỹ đặt ra như AIIB.

Tuy nhiên, sự cản trở của Mỹ được cho là sẽ không thể ngăn được kế hoạch của Bắc Kinh chính thức cho ra đời AIIB. Việc 4 quốc gia Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a không ký kết vào bản ghi nhớ ban đầu, không có nghĩa là các nước này sẽ từ chối hẳn việc tham gia AIIB trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 khi ngân hàng chính thức được thành lập. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là vẫn chưa ngừng chiến dịch vận động để mở rộng số lượng các thành viên tham gia dự án, nhất là tranh thủ các diễn đàn quốc tế, mà gần đây nhất Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 được tổ chức tại Bắc Kinh. Và các cơ hội vẫn đang chờ phía trước tại Bri-xbên (Ô-xtrây-li-a), nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-20 từ ngày 15 đến 16/11./.

Mỹ Hạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất