Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 23/4/2010 21:38'(GMT+7)

Chống “dạy chay”

Giờ thực hành công nghệ tại Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức- Hà Nội).

Giờ thực hành công nghệ tại Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức- Hà Nội).

Dạy học là một quá trình giao tiếp đặc biệt giữa người dạy và người học, trong đó người học tiếp thu tri thức thông qua nội dung lời nói của người dạy cùng giáo cụ trực quan (Có thể là tranh ảnh, đồ thị, biểu đồ, bản đồ, thí nghiệm hoặc một số hình ảnh động qua việc dùng giáo án điện tử). Trong “Giáo học pháp” (Phương pháp giảng dạy) có đề cập đến một số phương pháp như đàm thoại, thuyết trình, hoạt động nhóm, sử dụng đồ dùng trực quan, sắm vai, tiểu phẩm... Khi lên lớp, người dạy phải biết kết hợp hài hoà, vận dụng hợp lý các phương pháp đó. Nếu dạy chỉ dùng phương pháp đàm thoại, thuyết trình mà không có giáo cụ trực quan thì gọi là dạy chay.

Thời bao cấp, chúng ta còn khó khăn do đất nước có chiến tranh, tất cả cho tiền tuyến nên mặc dù rất quan tâm đến giáo dục, nhưng đồ dùng dạy học vẫn còn rất thiếu thốn. Ngay cả sách giáo khoa còn chưa đủ, nói gì đến tranh vẽ hay mô hình. Nhưng với quyết tâm không dạy chay, nhiều thầy cô giáo thời đó đều tự tạo ra những đồ dùng học tập (có thể tự làm, có thể do học sinh vẽ). Tôi còn nhớ dạo học cấp 2 (THCS), để chuẩn bị giờ học vật lý, thầy giáo đã yêu cầu mỗi tổ vẽ một hình vẽ trong sách giáo khoa và lên thuyết trình trước lớp. Vì giấy vẽ không có, chúng tôi đã dùng vỏ bao xi măng (ngày ấy, vỏ bao xi măng còn là 100% giấy. Chúng tôi bóc bỏ lượt ngoài, lấy lượt ở giữa không dính xi măng), can lại thành một tờ giấy to, vẽ sơ đồ hoạt động của động cơ 4 kỳ. “Màu vẽ” chỉ là mực viết Cửu Long. Vậy mà nhờ có đồ dùng ấy, chúng tôi hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động của động cơ 4 kỳ. Bài học ấy đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ. Suốt thời kỳ học cấp 2, đồ dùng “chuẩn” nhất mà chúng tôi được tiếp xúc trong giờ học là bức tranh vẽ “Cấu tạo trong cá chép” do Bộ giáo dục ấn hành, còn lại tất cả bản đồ, mô hình, tranh vẽ đều do thầy trò tự tạo. Học toán làm gì có máy tính bỏ túi như bây giờ. Tôi nhớ toán lớp 5 (đầu cấp THCS hệ 10 năm) có bài “Bốn phép tính với bàn tính”. Thầy giáo đã hướng dẫn chúng tôi dùng những chiếc khuy áo cũ khác màu, dùng dây gai xâu lại rồi căng lên khung tre... thế là có một chiếc “bàn tính” tự tạo. Tất cả những thước đo góc, giác kế (để đo chiều cao một cái cây, chiều rộng của một hồ nước) đều do thầy trò tự làm theo mô hình sách giáo khoa. Hàng năm, ngành giáo dục thường có những cuộc vận động phát huy sáng kiến, làm đồ dùng dạy học, nhờ vậy mà tuy không được trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học nhưng thế hệ học sinh chúng tôi lúc đó rất hiểu bài. Không những được học lý thuyết, chúng tôi còn được thực hành. Các giờ ngoại khoá, thầy cô thường cho chúng tôi tham quan thực tế tại địa phương: chỉ là đến một mái chùa, mái đình để nghe ông từ (thường là một người am hiểu nhất về nơi này) kể lại về di tích ấy. Những bài học đó sâu sắc, tiếp thêm cho chúng tôi niềm tự hào về địa phương và đã giúp chúng tôi mở mang kiến thức biết bao từ những điều gần guĩ nhất. Hay một số giờ thực hành môn kỹ thuật, sinh học, chúng tôi được ra vườn trường để thầy cô hướng dẫn việc thực hành cách xới, lên luống, hay quan sát các dạng lá, dạng thân cuả môn sinh vật... Tóm lại bằng lòng nhiệt tình say mê nghề nghiệp, các thầy cô đã giúp chúng tôi không phải “học chay”. Nhờ vậy kiến thức tiếp thu được nhớ rất lâu, hiệu quả. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy: có những thầy cô giáo do không được đào tạo mà vẫn phải dạy chéo ban. Việc lên lớp dạy chỉ là truyền thụ hết kiến thức trong sách giáo khoa, nên việc có được đồ dùng dạy học tự tạo là rất khó, vì vậy vẫn có hiện tượng “dạy chay”.

Sau này, khi đã là một giáo viên, tôi vẫn chú ý đến những đồ dùng học tập giảng dạy và những chứng minh thực tế. Chỗ tôi dạy học là một địa phương có bề dày truyền thống văn hoá. Có lần, tôi được phân công tham gia một tiết dự thi giáo viên giỏi môn GDCD cấp tỉnh, bài dạy “Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ”. Tôi đã sưu tầm tư liệu có thật của hai dòng họ Nguyễn Chí và họ Phí ở địa phương. Hai dòng họ này có truyền thống khoa bảng, đã có hai cụ tổ là tiến sĩ Phí Đăng Nhậm và Nguyễn Ích Tốn (đỗ tiến sĩ thời Lê) hiện văn bia còn lưu tại Quốc tử giám. Phần mộ của hai cụ được hai dòng họ tu sửa khang trang. Tôi đã cho các em tham quan, nghe các cụ cao tuổi của hai dòng họ này kể chuyện, rồi yêu cầu các em sưu tầm những tấm gương thực tế ở xung quanh các em - những người đã biết phát huy truyền thống ấy để xây dựng quê hương và làm rạng danh dòng họ. Tôi còn sưu tầm nhiều tư liệu quý của hai di tích địa phương - nơi thờ tướng quân Phạm Tu (Lý Phục Man) là người có công giúp Lý Bí dẹp giặc. Bài giảng của tôi được đánh giá là có sức thuyết phục nhất, đạt giải nhì (chỉ xếp sau một giờ dạy bằng giáo án điện tử do được cộng điểm vì sử dụng CNTT). Như vậy đâu cứ phải tài liệu đồ dùng hiện đại mà cái chính là phải biết khai thác tìm tòi sáng tạo sao cho không phải “dạy chay” để học sinh khỏi bị “học chay”.

Sản phẩm trưng bày môn công nghệ của học sinh trường THCS Nguyễn Văn Huyên
(Hoài Đức- Hà Nội).

Từ khi áp dụng chương trình cải cách giáo dục, đồ dùng dạy học được cấp phát đầy đủ, hiện đại, phong phú, đa dạng, đẹp mắt. Mỗi khối lớp được cấp có tới 5 bộ đồ dùng ở mỗi môn (Giáo viên một bộ, 4 nhóm 4 bộ). Tất cả các môn đều có, kể cả băng hình, băng tiếng, tranh ảnh tư liệu... có các mô hình chạy bằng điện rất hấp dẫn (như mô hình mô tả sự vận động của trái đất - mặt trăng- mặt trời). Nếu các đồ dùng ấy được phát huy trên lớp thì việc đổi mới phương pháp dạy học rất có kết qủa. Phải nói có đồ dùng dạy học, giáo viên sẽ vất vả hơn trong khâu chuẩn bị trước giờ lên lớp, nhưng học sinh được học những giờ như vậy đã nhận thức được bài học sâu sắc hơn. Hầu hết ở các trường, giáo viên đã tạo được thói quen sử dụng đồ dùng dạy học khi lên lớp. Ngày trước, chúng tôi có đâu được học cắt may, nấu ăn, âm nhạc, vẽ… Nhưng bây giờ, các em được học rất nhiều môn, được thực hành rất nhiều nên kỹ năng về công nghệ, về các môn học thực hành rất tốt. Tôi đã được dự một tiết công nghệ cuả trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức- Hà Nội), các em đã thực hành cách bày bàn ăn, cách chế biến một trong những món tráng miệng tuỳ theo ý thích. Và các em đã làm rất tốt. Nhưng không phải trường nào cũng có phòng đồ dùng riêng (vì lớp học còn chưa đủ ) nên thường ghép chung với văn phòng, đồ dùng nhiều, chỗ cất giữ bảo quản không khoa học nên việc tìm kiếm rất mất thời gian... Nhiều trườngg lại chưa có cán bộ phụ trách thiết bị đồ dùng (mãi đến năm học 2009- 2010 mới có một số trường có) giáo viên lên lớp mất rất nhiều thơì gian chuẩn bị. Mặt khác, việc xếp thời khoá biểu chỉ mới chú ý đến giờ nghỉ, ngày nghỉ của giáo viên mà chưa thể chú ý đến việc đồng bộ giữa các môn học. Thực tế có những giáo viên một buổi học có 4 tiết dạy, cả 4 tiết ở 4 khối lớp khác nhau nên chuẩn bị 4 loại đồ dùng khác nhau. Thời gian chuyển tiết có 5 phút, chuẩn bị rất mất thời gian. Vì vậy chỉ những đồ dùng nào đơn giản thì dùng, còn lại chỉ để... ghi sổ sử dụng. Chưa kể đến việc một số đồ dùng chất lượng kém, nhanh hỏng. Việc làm lấy các đồ dùng dạy học như thời bao cấp (kể trên) không đáp ứng được nhu cầu học tập hiện nay, bởi chỉ có thể vẽ tranh, bản đồ chứ làm sao tự tạo được các mô hình. Đành phải dùng các thí nghiệm... ảo trên máy tính. Nhưng như vậy cũng làm giảm hiệu quả hơn khi dùng đồ dùng trực quan... Nếu không tiếp tục được chú ý, hiện tượng “dạy chay” rất dễ lại tái diễn, nhất là ở một số giáo viên gần về hưu do hạn chế về sử dụng đồ dùng hiện đại, hoặc các giáo viên hợp đồng chưa yên tâm làm việc do môi trường công tác giảng dạy chưa ổn định.

Nếu các trường đã có phòng bộ môn riêng thì rất thuận tiện và phát huy hiệu quả. Nhưng với các trường chưa có phòng bộ môn riêng, hoặc chưa có cán bộ thiết bị trường học, thì cần bố trí một phòng đồ dùng riêng, phân công người phụ trách bộ môn nào thì kiêm phụ trách đồ dùng môn đó. Vì chỉ có người trực tiếp giảng dạy những môn học ấy mới biết phải xử lý thế nào khi đồ dùng ấy hỏng, hoặc thay thế bằng gì, tự làm ra sao. Với số lượng đồ dùng nhiều như hiện nay (của tất cả các môn), nếu chúng ta vẫn để học sinh phải “học chay”, giáo viên “dạy chay” là một điều không thể chấp nhận được. Trường tôi - khi chưa có cán bộ phụ trách thiết bị thí nghiệm - đã có một cách làm khá hiệu quả: chúng tôi phân công trưởng nhóm chuyên môn phụ trách đồ dùng (trừ giảm cho 1 tiết / tuần so với anh em khác). Phòng bộ môn chưa có, chúng tôi đóng thêm tủ để đồ dùng. Các tranh ảnh không có đủ chỗ treo, chúng tôi đã phân loại theo học kỳ, cuộn lại bằng báo, bên ngoài có để nhãn viết tên bài dạy, tiết dạy, lớp dạy, buộc riêng từng khối lớp, từng môn. Thế là mỗi kỳ chỉ phải phân loại từ đầu học kỳ, đến giờ dạy, giáo viên có thể chuẩn bị rất nhanh, sắp sẵn ra bàn, học sinh xuống mang lên lớp. Với cách làm ấy, đồ dùng trường tôi được bảo quản rất tốt, đến nay việc hỏng rất ít, sử dụng rất có hiệu quả. Bây giờ, có nhân viên thiết bị phụ trách, chúng tôi đã dùng các phiếu sử dụng đồ dùng, ghi cho nhân viên từ đầu tuần, đến giờ, nhân viên sẽ chuẩn bị sẵn, học sinh lấy mang lên lớp cho giáo viên, việc sử dụng nhờ vậy mà rất hiệu quả.

Sử dụng đồ dùng dạy học là một nhu cầu không thể thiếu, nó giúp cho giáo viên nhàn hơn trong việc truyền thụ những kiến thức so với chỉ dùng phương pháp thuyết trình thông thường; giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn so với chỉ nghe giảng, tiếp thu thụ động. Mong rằng với hệ thống đồ dùng dạy học phong phú, hiện đại và đa dạng như hiện nay, đội ngũ giáo viên sẽ biết cách khai thác tốt, để việc dạy học đạt hiệu quả hơn. "Chống dạy chay" vẫn là một khẩu hiệu cần được các đơn vị giáo dục và các anh chị em giáo viên thực hiện nghiêm túc. Có như vậy mới góp phần cho việc xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” - một phong trào mà ngành giáo dục đang triển khai rất có hiệu quả ở tất cả các nhà trường./.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ DIỆP 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức-Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất