Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 19/4/2010 13:29'(GMT+7)

Yêu nước từ những điều bình dị nhất

Đến tham dự chương trình có PGS-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), chị Đặng Phương Thảo - Phó TBT báo Thanh niên, ông Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Phú Thái; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội), anh Đặng Tất Dũng - Bí thư Đoàn trường ĐH Luật TP.HCM, một trong 10 gương mặt Thanh niên tiêu biểu năm 2009 và đông đảo các bạn thanh niên quan tâm đến vấn đề "lòng yêu nước của giới trẻ hiện nay".

Hiện nay, nhiều người tỏ ra hoài nghi về lòng yêu nước được thể hiện ở giới trẻ, họ cho rằng thế hệ trẻ hiện nay không yêu nước như thời chiến tranh đánh giặc cứu nước hay do cuộc sống quá xô bồ, nhiều bạn trẻ bị cuốn vào việc kinh doanh, làm giàu mà quên đi tình yêu với đất nước. Liều điều đó chính xác? Theo ý kiến của các khách mời, điều này chưa hoàn toàn chính xác, thế hệ trẻ ngày nay vẫn mang trong mình tình yêu nước nồng nàn, tình yêu ấy lúc nào cũng âm ỉ cháy trong mỗi trái tim người Việt Nam. Lòng yêu nước của người trẻ vẫn tồn tại, đó là hình ảnh anh cảnh sát giao thông đứng ở bục gác để điều khiển giao thông dù mưa dù nắng, đó là hình ảnh các bạn sinh viên tình nguyện dọn rác để bảo vệ môi trường ... Tuy vậy, thế hệ trước sống trong thời chiến tranh nên lòng yêu nước được thể hiện ở việc xả thân hi sinh để bảo vệ Tổ Quốc, "còn các bạn trẻ đang có sự phân vân, chưa tìm được cách đúng đắn đển thể hiện lòng yêu nước của mình" - chị Phương Thảo nhận xét.

Trong một cuộc khảo sát của chương trình, khi được hỏi "Bạn thể hiện tình yêu nước của mình như thế nào?", rất nhiều bạn thanh niên không thể trả lời mặc dù 100% các bạn đều khẳng định rằng mình rất yêu nước. Điều này được lý giải rằng, trong cuộc sống ngày nay, lòng yêu nước được coi là một quan niệm to tát và mơ hồ, rất ít khi được nhắc đến. Theo tư tưởng của thế hệ trước, yêu nước thì phải ra chiến trường nhưng bên cạnh giặc ngoại xâm, Bác Hồ còn chỉ rõ hai loại giặc khác nguy hiểm hơn, đó là giặc đói và giặc dốt. Song bị ảnh hưởng bỏi tư tưởng thế hệ đi trước nên người Việt trẻ trở nên hoang mang, không thể lý giải được lòng yêu nước của chính mình.

Câu hỏi được nhiều bạn sinh viên, thanh niên đặt ra là "Việc nhỏ có thể hiện được lòng yêu nước?". Theo ý kiến của một số bạn thanh niên đến từ Học việc Hành chính và Học viện Ngoại giao, việc làm nhỏ cũng thể hiện lòng yêu nước, nhiều việc nhỏ sẽ góp thành việc lớn, yêu nước cũng chính là yêu những con người xung quanh mình, cư xử với nhau có văn hóa, những điều làm cho đất nước trở nên tốt hơn, phát triển hơn, vững mạnh hơn đều thể hiện lòng yêu nước. Anh Dũng cho rằng: "Từ viên gạch nhỏ để xây dựng một bức tường lớn hơn. Yêu nước chính là việc thức tâm mong muốn điều tốt cho mọi người, cho đất nước. Nhưng nhiều người không có sự định hướng, chỉ dẫn nên chưa thể hiện được hết lòng yêu nước của mình".

Khi nói về lòng yêu nước của doanh nhân nói chung, câu hỏi được đưa ra cho doanh nhân Phạm Đình Đoàn là:" "Con người của kinh tế là con người tư lợi", vậy điều này có gây cản trở lòng yêu nước của doanh nhân?". Ông Đoàn cho biết là doanh nhân thì việc phải phát triển, cạnh tranh bình đẳng, đúng pháp luật, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng thuế đầy đủ, làm giàu chính đáng, đưa đơn vị mình vươn lên tầm thế giới ... - đó chính là lòng yêu nước. Khi được hỏi về việc ông từ bỏ chức vụ là cán bộ của một Viện nghiên cứu để trở thành doanh nhân, vậy lòng yêu nước của ông có bị thay đổi, ông Đoàn chia sẻ: "Chúng ta ai cũng thể hiện lòng yêu nước, là doanh nhân, tư nhân mà biết làm giàu chính đáng, biết đóng góp cho xã hội thì đó chính là lòng yêu nước; còn hơn việc một cán bộ nghiên cứu mà không có công trình nào đáng nhớ, không biết vươn lên tìm tòi khám phá - điều đó thể hiện sự không yêu nước".

Kết thúc chương trình, các vị khách mời đã đưa ra ý kiến riêng của mình về lòng yêu nước, đó không phải sự dập khuôn cố định mà được thể hiện bằng vô vàn các cách khác nhau. Cuối cùng, cả bốn vị khách mời đều có những lời nhắn nhủ, chia sẻ đầy sâu sắc với sinh viên, thanh niên Việt Nam nói riêng và thế hệ trẻ nói chung.

PSG-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh): "Nếu thế hệ chúng tôi dùng 10 đầu ngón tay để vót chông giết giặc, thì các bạn cần dùng 10 đầu ngón tay ấy lướt trên bàn phím để đất nước mạnh giàu".

Chị Phương Thảo (TBT báo Thanh niên): "Hãy sống, khát vọng và tự hào là người Việt Nam".

Anh Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội): "Đất nước chúng ta đang tụt hầu rất nhiều so với thế giới, các bạn cần có khát vọng lớn, nỗ lực lớn để đưa đất nước Việt Nam giàu đẹp, Hãy đoàn kết lại để làm nên những điều thần kỳ".

Anh Đặng Tất Dũng (Bí thư Đoàn trường ĐH Luật TP.HCM): "Thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, nhưng những gì thế hệ đi trước gây dựng chúng ta vẫn luôn trân trọng. Vì vậy, chúng ta không chỉ cần yêu nước bằng những điều bình dị, mà phải yêu nước từ những điều bình dị nhất. Cùng với khát khao, hoài bão, chúng ta sẽ đưa Việt Nam tiến lên"

Vương Tâm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất