Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 21/4/2010 6:37'(GMT+7)

Đẩy mạnh việc học tiếng Việt tại Lào và Campuchia

Trao bằng khen trong dịp tổng kết năm học cho các em học sinh trường tiểu học tiếng Việt Tân Tiến (thủ đô Phnom Pênh-Campuchia).

Trao bằng khen trong dịp tổng kết năm học cho các em học sinh trường tiểu học tiếng Việt Tân Tiến (thủ đô Phnom Pênh-Campuchia).

Thực trạng dạy và học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có gần 4 triệu người sinh sống tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đa số tập trung ở các nước phát triển.

Hiện nay, cộng đồng ngày càng đông về số lượng, đa dạng hơn về thành phần, thành đạt hơn trong xã hội sở tại. Hoạt dộng duy trì tiếng Việt trong cộng đồng được xác định là có vai trò quan trọng đặc biệt đối với việc khẳng định bản sắc riêng của cộng đồng sắc tộc trong lòng xã hội sở tại.

Ở từng nước, từng địa bàn, cộng đồng người Việt nam đã và đang tiến hành việc dạy và học tiếng Việt cho con em mình, nhất là thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba sinh ra và lớn lên tại nước sở tại với các biện pháp và quy mô khác nhau.

Hiện nay, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người nước ngoài còn da dạng và không nhất quán về cách thức cũng như nội dung biên soạn. Tại Lào và Campuchia sử dụng chương trình sách giáo khoa tiếng Việt phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam biên soạn.

Trong khi tại các nước Đông Âu, tài liệu dạy học chủ yếu do cá nhân hoặc các hội đoàn biên soạn phỏng theo tài liệu dạy học tiếng Việt trên mạng hoặc lấy từ nước khác.

Do vậy tài liệu dạy học chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu học tập khác nhau của các đối tượng người học. Do biên soạn theo hình thức “tự cung tự cấp” nên rất đa dạng và thiếu sự thống nhất. Bên cạnh đó nội dung tài liệu không cập nhật được kiến thức về văn hóa, lịch sử và Việt Nam học.

Qua khảo sát, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài học tiếng Việt rất khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp và động cơ học tập. Hình thức học cũng đa dạng: lớp nhiều trình độ và một trình độ.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phần lớn là tình nguyện, có tâm huyết nhưng trình độ Việt ngữ và Việt Nam học cũng như phương pháp dạy học không đồng đều. Bởi vậy, tình trạng chung là thời gian đầu, người học rất hào hứng nhưng sau đó lại suy giảm bởi thiếu một động cơ học tập và mục đích rõ ràng.

Dù tự phát trong từng gia đình, từng phạm vi nhóm người hay được hội đoàn người Việt tổ chức, các hoạt động đó đều phản ánh thực trạng và ý nghĩa của việc duy trì, giữ gìn và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng.

Dự án thí điểm tại Lào và Campuchia

Tại hội thảo, ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Dự án nhằm mục tiêu để đồng bào ở nước ngoài duy trì, sử dụng được tiếng Việt cả về nghe, nói, đọc và viết, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, tăng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển thành đạt ở sở tại và luôn hướng về quê hương.

Các hoạt động của “công tác tiếng Việt” trong đề án sẽ góp phần đổi mới và đẩy mạnh các nội dung và loại hình hoạt động liên quan đến dạy và học tiếng Việt, tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập và sử dụng tiếng Việt và tạo không gian văn hóa-tiếng Việt, đồng thời góp phần giúp bà con cũng như người dân sở tại hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Bên cạnh sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Học viện Khoa học Quân sự - Bộ Quốc Phòng, Tổng Cục 5 - Bộ Công An, Quỹ Hỗ trợ, Vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam là hai tổ chức phi chính phủ đã tham gia nhiệt tình với tư cách là thành viên và đóng góp tích cực, hiệu quả cho Dự án ngay từ quá trình hình thành ý tưởng cho đến nay.

Sau khi trình Thủ tướng Chính phủ, Đề án đã được phép triển khai thí điểm tại 6 nước là Lào, Campuchia (đại diện các nước láng giềng) Nga, Séc (đại diện các địa bàn truyền thống tại châu Âu), Mỹ và Canada (đại diện khu vực có đông kiều bào nhất) trong năm 2010. Trước mắt, dự án sẽ được thí điểm tại Lào và Campuchia với khoảng 250.000 người tham gia học tập tiếng Việt, chủ yếu là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên tại đây, mong muốn học tập để duy trì bản sắc văn hóa và gắn kết các quan hệ với quê hương.

(Theo: Đặng Thanh Hà/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất