Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 5/7/2009 16:11'(GMT+7)

Dư luận "nóng" trước chuyến thăm Nga của ông Obama

Thế nhưng, những gì mà ông Obama nói trước trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nhà lãnh đạo Nga (Tổng thống Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin) đã hâm nóng rất rõ rệt dư luận cả ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Thậm chí ông Putin đã kịp bày tỏ (một cách gián tiếp) sự không đồng tình của mình về một số câu có vẻ như lỡ lời của ông Obama về nước Nga và bản thân Thủ tướng Nga. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới dự đoán rằng, trong chuyến thăm Nga lần này của ông Obama, sẽ không dễ dàng đạt được hiệu ứng "giải nhiệt" trong quan hệ giữa hai nước.

Trong bài trả lời phỏng vấn cho ITAR-TASS thứ năm ngày 2/7, Tổng thống Obama đã kể về việc "giải nhiệt" trong quan hệ giữa hai nước và đưa ra những nhận xét của mình về Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin. Ông Obama cũng kể về các kế hoạch giải trừ vũ khí của Washington và nhấn mạnh rằng, Nhà Trắng đang cố gắng xây dựng các mối quan hệ với Nga trên cơ sở bình đẳng.

Theo ông Obama, trong những năm gần đây, quan hệ Nga-Mỹ khiến người ta phải "mong muốn trở nên tốt hơn". "Khi tôi nhậm chức, tôi đã tuyên bố rằng tôi muốn ấn nút "giải nhiệt" trong quan hệ giữa Mỹ và Nga", - ông Obama tuyên bố.

Tổng thống Mỹ cho rằng, hiện nay, trong quan hệ giữa hai nước đang mở ra những khả năng quan trọng để hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, phối hợp giáng trả nguy cơ khủng bố, khả năng cùng phản ứng mang tính xây dựng với những vấn đề như Iran hay mở rộng các mối liên hệ kinh tế thương mại. 

Và ông nhấn mạnh rằng, trong chuyến thăm đầu tiên tới nước Nga, ông muốn mang tới ban lãnh đạo và nhân dân Nga thông điệp về việc nước Mỹ rất tôn trọng nước Nga và muốn xây dựng quan hệ song phương trên cơ sở bình đẳng. Trước đó, Tổng thống Nga Medvedev cũng đã bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Nga -Mỹ. Ông Medvedev cho rằng, cả Mỹ lẫn Nga với tư cách là các cường quốc hạt nhân đang có một trách nhiệm đặc biệt không thể so sánh với nhiều nước khác trên thế giới. Vì thế, hai nước cần phải góp tay củng cố hòa bình...

Trả lời câu hỏi về việc người Nga có thể chờ đợi điều gì ở Tổng thống Mỹ và cách hình dung của Tổng thống Mỹ về vai trò của nước Nga trong thế giới hiện đại, ông Obama tuyên bố, nước Nga là một quốc gia vĩ đại với nền văn hóa rất đặc sắc và các truyền thống; và nước Nga vẫn đang là một trong những siêu cường hùng mạnh nhất thế giới. "Theo tôi, nước Nga có tiềm năng khổng lồ trong tư cách một sức mạnh hỗ trợ sự ổn định và phồn vinh của cộng đồng quốc tế", - ông Obama nói.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, Tổng thống Mỹ đã đưa ra những đánh giá về Tổng thống và Thủ tướng Nga. Theo ông Obama, ông Medvedev, người mà ông đã có dịp tiếp xúc trực tiếp, là một chính trị gia "rất chín chắn và tiến bộ". "Tôi cho rằng, ông ấy sẽ đưa nước Nga vào thế kỷ XXI một cách thành công" - ông Obama nhận xét. Theo ông Obama, sự hiểu biết lẫn nhau của các nhà lãnh đạo những quốc gia như Nga và Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng.

Trả lời câu hỏi về việc, trong quá trình tiếp xúc với các đối tác, việc thiết lập mối quan hệ sát kề như người Mỹ vẫn quen so sánh với "phản ứng hóa học" có tầm quan trọng đến đâu, ông Obama trả lời rằng: "Tôi cho là điều đó rất quan trọng. Nói cho cùng rất khó làm việc với một người nếu thiếu sự tin cậy lẫn nhau nhất định và nếu thiếu sự thấu hiểu về những gì người ấy suy nghĩ, cái gì là quan trọng với người ấy".

Tổng thống Mỹ thổ lộ rằng, cũng chính vì thế nên ông luôn cố gắng không chỉ gặp gỡ các đối tác nước ngoài trong thành phần các phái đoàn mà còn đối thoại cá nhân trực tiếp với nhau.

Trước khi tới Moskva, Tổng thống Obama chưa trực tiếp gặp gỡ với Thủ tướng Putin, nhưng ông đã kịp bày tỏ những đánh giá của ông về người đang đứng đầu chính phủ Nga và khẳng định: "Rõ ràng đây là một thủ lĩnh rất mạnh của nhân dân Nga". Tại Moskva, ông Obama sẽ có cuộc tiếp xúc với ông Putin vào sáng 7/7, trong thời gian "dùng bữa sáng". Đó không phải là cuộc trò chuyện tay đôi mà còn có cả những trợ lý thân cận nhất của cả hai ông.

Thực ra, như nhiều phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới nêu rõ, ông Obama vẫn coi ông Putin như một lực cản đối với Mỹ, đặc biệt  trong vấn đề giải trừ vũ khí. Không phải ngẫu nhiên mà trong khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP, ông Obama lại nói rằng, ông Putin vẫn hành xử theo lối cũ, chưa rời khỏi tư duy cũ và một chân đứng trong chiến tranh lạnh nên cần phải tiến lên phía trước.

Nhận xét này được phóng viên tờ The New York Times đánh giá là "một tuyên bố mang tính khiêu khích từ phía lãnh đạo Mỹ". Trong khi đó, ông Obama lại cho rằng, ông Medvedev, khác với ông Putin, đã nhận thức được rằng, hai đối thủ trong thời chiến tranh lạnh đã tới lúc phải từ bỏ cách ứng xử đã trở nên lỗi thời đó. Dường như trong chiến lược của Nhà Trắng có mục tiêu chia rẽ Tổng thống Medvedev với Thủ tướng Putin, người mà Washington vẫn buộc phải đánh giá là sức mạnh chủ đạo trong xã hội Nga.

Sau khi lời nhận xét trên của Tổng thống Mỹ xuất hiện trên báo chí, ông Peskov, thư ký báo chí của Thủ tướng Nga đã tuyên bố với phóng viên AP rằng, ông Obama không thấu hiểu lắm về thực tế chính trường Nga và rất kém hình dung nhân cách của ông Putin: "Theo những nhận xét đó, cuộc gặp của ông Obama với ông Putin là rất đúng lúc. Và tôi tin chắc rằng sau cuộc gặp đó ông Obama sẽ thay đổi quan niệm của mình".

Ông Peskov cũng bày tỏ hy vọng rằng, thăm Moskva rồi thì ông Obama sẽ hiểu thực tế Nga hơn và nhận xét: Thủ tướng Nga "từ lâu lắm rồi đã nhận thức được là, chiến tranh lạnh đã kết thúc".

Còn đích thân ông Putin, khi hay biết về nhận xét mà ông Obama nói về ông, trong chuyến công tác tại khu Krasnodar, đã tuyên bố: "Còn về việc nói rằng chúng tôi một chân ở phía quá khứ, còn một chân đứng ở phía tương lai, thì như trong dân gian đã có một hình ảnh không văn học cho lắm: chúng tôi không biết đứng theo kiểu "chân héo chân tươi" như thế. Chúng tôi đứng bằng hai chân rất vững chãi và luôn nhìn vào tương lai - đó chính là đặc thù của nước Nga và đó chính là điều luôn luôn giúp nước Nga tiến lên phía trước và trở nên vững vàng hơn. Trong tương lai cũng sẽ vẫn như thế, tôi không hề hoài nghi gì về chuyện này".

Ông Putin cũng thổ lộ: "Tôi chưa nhìn thấy tận mắt những câu nói đó nên tôi khó mà bình phẩm được. Nếu sự thật đúng như  quý vị vừa bảo thì có thể nói gì về điều đó? Chúng tôi sẽ thực sự gặp nhau và sẽ thảo luận"

CAND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất