Hơn 80 năm qua, từ ngày thành lập đến nay sức mạnh của Đảng và sự thắng lợi của cách mạng là do Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân.
Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” xác định phải thực hiện với tinh thần tích cực, quyết liệt, mạnh mẽ và kiên trì để tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết hiệu quả thì Đảng phải thực sự dựa vào dân, có sự giám sát của nhân dân, nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân và làm cho quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó máu thịt.
Thực tế đã chứng minh hơn 80 năm qua, từ ngày thành lập đến nay sức mạnh của Đảng và sự thắng lợi của cách mạng là do Đảng ta luôn luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ý Đảng lòng dân sắt son như một, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc để làm nên những kỳ tích lịch sử. Nhưng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, lòng sắt son chân chất ấy đã ít nhiều bị mai một chỉ vì "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên suy thoái, quan liêu, xa dân. Theo GS-TS Dương Phú Hiệp, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 phải huy động được toàn dân tham gia xây dựng Đảng, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. GS-TS Dương Phú Hiệp nói: “Đảng bao giờ cũng phải gắn với quần chúng mà chúng ta gọi là gắn bó máu thịt, chứ nếu Đảng một đường mà quần chúng một nơi thì đất nước sẽ nguy. Một Đảng lãnh đạo trước hết là vì dân và dân chủ, mà dân chủ từ trong Đảng ra ngoài xã hội và tôn trọng nhân dân. “Lấy dân làm gốc” điều này là trúng và đúng, như trước đây trong giai đoạn đấu tranh cách mạng, Đảng đã lăn lộn cùng nhân dân, thuyết phục nhân dân đi theo mình, thì phải trở lại điều này chứ không có gì là mới cả”.
Đồng tình với quan điểm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, nhưng ông Phạm Đức Bảo, giảng viên Đại học Luật Hà Nội đặt câu hỏi: Đảng dựa vào dân như thế nào và nhân dân tham gia xây dựng, giám sát Đảng bằng cách nào? Theo ông, trước hết phải xây dựng cơ chế để quần chúng đóng góp, giám sát, phê bình các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Đối với những ý kiến phê bình đúng của quần chúng thì phải tiếp thu nghiêm túc và có biện pháp sửa chữa. Còn với những ý kiến không đúng thì phân tích, giải thích đầy đủ với thái độ thực sự “trọng dân”. Ông Phạm Đức Bảo cho biết: “Dựa vào người dân thì phải có cơ chế cụ thể chứ nói chung chung là rất khó. Ví dụ như các tổ chức Đảng, những người giữ cương vị trong cấp ủy phải có được nhận xét của quần chúng nhân dân trong quá trình công tác. Phải có hội nghị từ tổ dân phố cho đến cơ quan, đơn vị và hội nghị đó phải làm công khai, minh bạch và dân chủ, để cho người dân góp ý hoặc có gì vi phạm về đạo đức, lối sống thì phản ánh, vì người dân là họ biết hết, và dựa vào đó thì các cơ quan cấp trên đánh giá. Và như thế, người đảng viên giữ các cương vị luôn được nhân dân giám sát, mà nhân dân giám sát là để họ làm việc và rèn luyện bản thân mình tốt hơn thôi”.
Theo ông Nguyễn Túc, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, “để dân mở miệng” như lời Bác dạy thì phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ quần chúng dám phê bình, dám đấu tranh. Bên cạnh đó, nhân dân có thể tham gia giám sát, xây dựng Đảng bằng nhiều cách, nhiều kênh, trong đó có việc góp ý thông qua các đoàn thể nhân dân. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, giữa Đảng với nhân dân, mà các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 đã xác định việc “định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Ông Nguyễn Túc cho rằng: “Mặt trận Tổ quốc phải quán triệt cho các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết Trung ương 4, qua đó để huy động nhân dân đóng góp ý kiến một cách chân thành, thẳng thắn với các cấp ủy Đảng, đặc biệt là với từng đảng viên và nhất là những đồng chí đứng đầu. Thứ hai, Mặt trận vận động nhân dân từ bỏ những tật xấu vốn có, để không tiếp tay cho những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên. Thứ ba, thực hiện thật tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, và như vậy mới góp phần thiết thực vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Từ lâu, Bác Hồ đã chỉ ra bệnh quan liêu, xa dân và tình trạng này nếu không được khắc phục thì nhiệm vụ xây dựng Đảng khó có thể đạt hiệu quả. Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: “Muốn làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên phải gần dân và lắng nghe dân, mà trước hết hãy học tập tác phong gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Cách hay nhất hiện nay là học tập tác phong Hồ Chí Minh. Cứ đi xuống với dân đi, mình phụ trách ngành nào, địa bàn nào thì nhân dân ở đó. Hãy đến với dân bằng nhiều cách, như Bác Hồ đã từng xuống đi cấy, lội ruộng, tát nước với người dân nhưng hiện nay có thể không cần làm như vậy nhưng hãy cứ gần dân đi. Nhất là những cán bộ có chức có quyền thì việc gần dân có cơ chế rất khó, bởi vì nhiều khi có chương trình kế hoạch định sẵn nên điều này làm hạn chế phần nào việc gần dân, hiểu dân. Bác Hồ nhiều khi đã thoát khỏi cơ chế đó và tự tìm cách để lắng nghe nhân dân. Do đó, phải học gần dân theo đúng phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân…”. Do vậy, nhất thiết phải gắn với phong trào quần chúng, dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh./.
(Huyền Trang/VOV)