Ở bất cứ đâu, danh dự, lương tâm đều được coi trọng. Vì sao
vậy? Vì danh dự, lương tâm là thứ thiêng liêng, cao quý nhất gắn với tên
tuổi, cuộc đời, sự nghiệp mỗi cá nhân. Không tự nhiên mà có, nó là sự
kết tinh của quá trình trau dồi rèn luyện, học tập, lao động miệt mài,
nghiêm túc để trở thành một giá trị của cuộc sống.
Cán bộ, đảng viên là người của Đảng, của nước, của dân; là gương mặt đại diện của thể chế chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, do đó, điều quan trọng nhất ở những "đầy tớ trung thành" của dân phải luôn biết giữ gìn danh dự, lương tâm của người cộng sản.
Thế nhưng buồn thay, thời gian qua, nhiều người cộng sản đã “bán rẻ" lương tâm cho “quỷ dữ” là vật chất, đất đai, tiền bạc, các khoản nhận hối lộ khủng... làm tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh của Đảng, danh dự người đảng viên chân chính.
Thời hội nhập toàn cầu, dưới góc nhìn văn hóa, mẫu số chung của mọi dân tộc là đều vươn tới những giá trị tinh thần trong sáng, tốt đẹp. Như người Do Thái dạy con từ khi còn nhỏ phương ngữ của cha ông họ: “Danh dự quý hơn tính mệnh”. Câu này tương tự với châm ngôn người Việt: “Chết trong còn hơn sống đục”. Các tôn giáo lớn cũng vậy. Phật giáo dạy, mọi nỗi khổ đều từ nguyên nhân tham, sân, si nên con người ta phải từ, bi, hỷ, xả thì mới có hạnh phúc. Sau này, Bác Hồ giải thích chữ “liêm” một cách ngắn gọn, dễ hiểu: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Với một quan niệm biện chứng, Bác Hồ coi “liêm” là một trong 4 yếu tố (cần, kiệm, liêm, chính) làm nên nhân cách con người và nhắc nhở cán bộ luôn “phải thực hành chữ liêm”.
Truyền thống đạo lý người Việt đề cao lối sống ngay thẳng: “Đói cho
sạch, rách cho thơm”, coi danh dự, lương tâm là khuôn mẫu, phép tắc:
“Giấy rách phải giữ lấy lề”. Đó cũng là biểu hiện của chữ “liêm”. Lịch
sử văn hóa Việt rất đề cao những nhân cách lớn như Trần Bình Trọng - vị
tướng đời Trần bị kẻ thù mua chuộc, ông thà chết chứ không chịu sống
nhục: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Những
danh nho như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến... thà sống nghèo mà
thanh cao chứ không chịu làm quan cho những triều đình đã không còn
chính trực. Hẳn nhiên, người Việt rất ghét sự bất liêm: “Trăm năm bia đá
thì mòn/ Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Kẻ xấu sẽ bị dư luận (bia
miệng) nguyền rủa mãi.
Trước nay, ở bất cứ đâu, danh dự, lương tâm đều được coi trọng. Vì
sao vậy? Vì danh dự, lương tâm là thứ thiêng liêng, cao quý nhất gắn với
tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp mỗi cá nhân. Không tự nhiên mà có, nó là
sự kết tinh của quá trình trau dồi rèn luyện, học tập, lao động miệt
mài, nghiêm túc để trở thành một giá trị của cuộc sống. Là nền tảng của
nhân cách, biểu hiện của nhân cách, nó cũng không tự mất đi. Như một tấm
gương soi, nhìn vào danh dự, lương tâm một con người, một dân tộc,
người ta biết được nhân cách con người đó, dân tộc đó.
Với người cộng sản thì danh dự, lương tâm càng quan trọng. Trước khi
ra pháp trường chịu án chém (1944), đồng chí Hoàng Văn Thụ, một lãnh tụ
của Đảng “Nhắn bạn” (tên bài thơ): “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn
sao giữ trọn được thanh danh”. Như vậy, với người cộng sản, chất ngọc
“thanh danh” mới là yếu tố quyết định “việc nước”. Vì đó là ánh sáng soi
đường cho chính họ, là tấm gương để thuyết phục, chinh phục quần chúng.
“Thanh danh” chính là một nội dung của chữ “liêm”.
Ngọc có mài mới sáng. Vàng càng luyện càng trong. Muốn giữ được chữ
“liêm” phải rèn luyện. Trong nhà tù (1940), chàng thanh niên Tố Hữu
quyết vượt qua mọi cám dỗ để giữ gìn danh dự, lương tâm người cách mạng:
“Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm/ Danh dự của riêng thân/
Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi”
(Con cá, chột nưa). Với họ, cuộc đấu tranh khó khăn nhất là đấu tranh
với chính bản thân mình.
Thời nay, trên cương vị lãnh đạo, người cộng sản càng phải giữ gìn
chữ “liêm” - thước đo trung thực nhất phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính
trị cách mạng. Bất liêm, sa vào tham nhũng, hối lộ, hủ hóa, tiêu cực tức
là bán rẻ danh dự, lương tâm thì lãnh đạo được ai, thuyết phục được ai?
Mỗi cán bộ, đảng viên cần thuộc nằm lòng lời nhắc nhở của người lãnh
đạo cao nhất Đảng ta là “phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu
hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, lãng phí”!./.
NGUYÊN THANH (qdnd.vn)