Bàn về văn hóa ứng xử, từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy “Lời chào cao hơn mâm cỗ”!
Phương châm xử thế của người Việt là
trọng nghĩa, trọng tình, trọng lễ giáo gia phong, coi cái lễ cái nghĩa
trọng hơn miếng ăn, tiền bạc, vật chất. Trải qua thăng trầm lịch sử và
sự sàng lọc của thời gian, phương châm xử thế ấy vẫn nguyên giá trị
trong xã hội hiện đại, trở thành một sắc thái văn hóa mang tính di sản.
“Lời chào” và “mâm cỗ” là hai phạm trù có mối quan hệ tác động qua
lại khăng khít. Nhìn rộng ra, “lời chào” là biểu hiện đặc trưng của các
giá trị văn hóa, đời sống tinh thần, là nội hàm của đạo đức xã hội, mang
nặng định tính. “Mâm cỗ” tượng trưng cho đời sống vật chất, tiền bạc,
của cải... là thứ được lượng hóa rất cụ thể. Nói “Lời chào cao hơn mâm
cỗ”, ông bà mình muốn đề cao thái độ ứng xử theo những chuẩn mực đạo đức
của văn hóa dân tộc. Con người ta cần ứng xử với nhau văn minh, văn
hóa.
Nhưng, cũng vì mang nặng định tính nên trong cuộc sống, nhiều khi yếu
tố “lời chào” được thể hiện thái quá thì lại thành ra khách sáo, hình
thức, giả tạo và trong nhiều trường hợp cụ thể, cái gọi là “lời chào” ấy
chẳng khác gì một sự lừa dối.
Chuyện thưởng Tết ở không ít tổ chức, doanh nghiệp gây xôn xao dư
luận những ngày qua là một ví dụ. Có doanh nghiệp thưởng Tết bằng hiện
vật. Nhìn gói quà to, đẹp, được thắt nơ, buộc dây rất bắt mắt; doanh
nghiệp tổ chức trao tặng bài bản, nhưng về mở ra thì chỉ có vài cái hộp
bánh bé xíu. Trị giá gói quà được công bố gần 1 triệu đồng, muốn bán lại
với mức giá chỉ bằng 25-30% số tiền đó cũng chẳng ai mua. Lại có doanh
nghiệp thưởng Tết chỉ 50.000-100.000 đồng nhưng lại trang bị đồng phục
đẹp, khẩu hiệu hay để xây dựng hình ảnh, “lời chào” với đối tác.
Chuyện tặng quà Tết cũng là một biểu hiện của “lời chào”. Có những
giỏ quà được bao gói, trang trí rất cầu kỳ nhưng vật chất trong đó là
hàng quá đát, chất lượng kém. Người nhận quà, bỏ đi không nỡ, sử dụng
không được. Trong trường hợp này, có thể người tặng quà cũng là nạn
nhân, vì mua hàng không rõ nguồn gốc, nhưng ý nghĩa của việc làm mang
tính phong tục rõ là hoen ố...
Nói “Lời chào cao hơn mâm cỗ” không phải là đề cao hình thức, hạ thấp
nội dung mà chính là nó thể hiện thái độ tôn trọng trong các quan hệ
ứng xử giữa con người với con người, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa
tập thể với cá nhân, giữa các đối tác với nhau...
Thái độ ấy cần nhất sự chân thành, trân quý, lịch thiệp... chứ không
phải là một kiểu làm màu. Coi trọng “lời chào” cũng không có nghĩa lấy
đó làm cái cớ để tìm mọi cách, đi mọi cửa để đưa những thứ thuộc “mâm
cỗ” làm phương tiện mua chuộc, đút lót, tạo môi trường cho tham ô, tham
nhũng, tiêu cực... phát sinh.
Ngày Tết của người Việt, ở đâu và lúc nào cũng ăm ắp “lời chào” và
“mâm cỗ”. Cùng bàn chuyện cũ để luận việc mới, như là gửi cho nhau một
“lời chào” vậy!./.
PHAN TÙNG SƠN (qdnd.vn)