Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 9/4/2009 17:10'(GMT+7)

"Đừng đốt"- Bộ phim "có lửa" về liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm

Một cảnh trong phim Đừng đốt

Một cảnh trong phim Đừng đốt

Bộ phim "Đừng đốt" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện. Phim tái hiện lại một cách sinh động cuộc đời của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, đặc biệt là những ngày tháng gian khổ, khốc liệt nhưng đầy anh dũng mà nữ liệt sĩ, bác sĩ này trải qua tại khu bệnh xá ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh cho biết khi đọc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và đọc tất cả những thông tin liên quan đến cuốn nhật ký này, ông đã rất xúc động và đã dồn hết tâm huyết để tái hiện toàn bộ câu chuyện bằng hình ảnh.

"Đừng đốt, trong đó có lửa", đó là lời của một trung sĩ người Việt nói khi ngăn Fred- một sĩ quan Mỹ- khi anh ta định vứt cuốn nhật ký của liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm vào lửa, để rồi sau đó Fred trân trọng gìn giữ nó cẩn thận trong suốt 35 năm. NSND Đặng Nhật Minh chọn hai từ "Đừng đốt" để làm đầu đề cho bộ phim mà ông cảm hài lòng nhất trong số các phim mà ông làm từ trước đến nay. "Tôi hài lòng trước hết là vì đã tạo những điều kiện rất thuận lợi để làm phim. Thứ hai là có một êkíp đồng tâm, hiệp lực, không ai quản ngại khó khăn gì vì tất cả mọi người đều muốn làm phim như một nén hương tưởng niệm những người đã mất và thành tâm làm. May mắn lớn nhất là chúng tôi đã mời được diễn viên Minh Hương vào vai Đặng Thuỳ Trâm, vì nếu vai này không thành thì cả bộ phim cũng không thành. Việc lựa chọn này tôi cho là chính xác".

Về phần mình, lần đầu tiên đóng phim truyện và được chọn đóng vai bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, diễn viên Minh Hương (hiện công tác tại Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) cho biết đây là may mắn của cô và hai tháng đóng phim "Đừng đốt" để lại cho Hương những kỷ niệm không thể phai. Minh Hương đã đọc nhiều lần cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm để nhập tâm những suy nghĩ, nội tâm, nhân cách của nữ bác sĩ này. Minh Hương tâm sự: “cái khó” của cô là: “Phải hoá thân vào nhân vật là nguyên mẫu có thật ngoài đời. Tất cả những tình cảm, cảm xúc thể hiện như thế nào cho đúng thực sự là một áp lực, bởi vì không chỉ làm cho khán giả mà ngay cả bản thân gia đình chị Thuỳ xem cũng phải thấy là đây là một phần của con gái mình”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng cho rằng: “khó là tất cả sự việc miêu tả trong cuốn nhật ký lẫn số phận xoay quanh cuốn nhật ký là chất liệu thật”. Đạo diễn chia sẻ: “Nhưng nếu để thành một bộ phim là phim truyện, chứ không phải là phim tài liệu, thì từ người viết kịch bản, lẫn đạo diễn phải biết tìm ra một cấu trúc tổng thể để đưa tới người xem một thông điệp, một điều mình muốn nói. Đó là cái khó nhất và chúng tôi phải sửa đi sửa lại kịch bản rất nhiều, chỉnh đi chỉnh lại, thậm chí cho đến lúc dựng phim cũng phải cấu trúc lại. Đến phút chót thì chúng ta mới có được bộ phim chúng ta xem có sự nhuần nhuyễn, rất nhiều sự kiện gắn lại trong một thể thống nhất. Đây là một câu chuyện thực, nhưng cũng không thể nệ thực, vì nếu thế thì không thể thành phim truyện được. Chúng tôi có hư cấu, nhưng phải tôn trọng sự thật”.

Việc dựng bối cảnh cũng làm các nhà làm phim phải rất vất vả. “Trong phim không có bối cảnh nào có sẵn cho chúng tôi. Thậm chí ngay cả căn hộ tập thể ở Kim Liên của gia đình bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm cũng phải dựng lại, vì làm sao ai có căn hộ như thế mà cho chúng tôi mượn sử dụng suốt được. Chúng tôi tìm một khu tập thể ở Kim Liên mà họ đang chuẩn bị đập đi để xây mới và trong bối cảnh hoang toàn đó, chúng tôi phải quét sơn, phục hồi lại một căn hộ thời bao cấp. Rồi những cảnh thời chiến tranh, những căn cứ quân đội Mỹ, cảnh những cái làng bị máy bay đến càn quét, chúng tôi cũng dựng lại cái làng đó trên Đồng Mô. Cảnh máy bay trực thăng thì chúng tôi phải nhờ bộ Tổng tư lệnh không quân giúp chúng tôi". - Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết.

Bộ phim được thực hiện trong 2 năm. Phim có sự tham gia của 7 diễn viên người Mỹ (được tuyển chọn qua Hiệp hội diễn viên Niu Yoóc). Phim được quay tại Đồng Mô, Hà Nội, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh. Một số cảnh quay tại Mỹ, được sự cộng tác của nhiều diễn viên, kỹ thuật viên, quay phim, phục trang người Mỹ và người Mỹ gốc Việt. Tất cả mọi người đều tham gia làm phim đều hết lòng, hết sức với tấm lòng chân thành và thành kính với những người đã khuất.

Cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đã được công chúng nhiều nước trên thế giới biết đến với cái tên tiếng Anh Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình. Cuốn sách đã không chỉ phát hành rộng rãi trên toàn nước Mỹ mà còn được nhà xuất bản của 14 nước khác nhau đăng ký mua bản quyền cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Giờ đây, với bộ phim truyện "Đừng đốt", bộ phim sẽ góp phần đưa hình ảnh của người nữ bác sĩ anh hùng này đến với nhiều công chúng yêu điện ảnh toàn thế giới.

Bà Doãn Ngọc Trâm- mẹ của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm nói: "Sau khi xem xong thì chúng tôi rất yên tâm”. Có một vài chi tiết bà cho là chưa thực sự xác thực, đúng với Đặng Thuỳ Trâm, bà cho rằng vì với góc độ là người trong gia đình, nhất định hình ảnh Trâm không đạt được yêu cầu như mong muốn. “Nhưng bộ phim đã lột tả được tinh thần của cuốn nhật ký. Trước đây, chúng ta mới chỉ xem cuốn nhật ký bằng lời, qua ngôn ngữ điện ảnh, tức là rộng rãi hơn thì bộ phim này sẽ đi vào lòng nhiều người ở trong nước và cũng như ngoài nước, biết được tinh thần, nhân cách, nhân văn và văn hoá của người Việt Nam" – bà Ngọc Trâm nói.

Bộ phim "Đừng đốt" dài 102 phút, có nhịp độ nhanh, âm thanh và âm nhạc ấn tượng. Với phần âm nhạc nền của hai nhạc sỹ người Hungary Benedicfi Zoltan và Benedicfi Istvan đã gây xúc động mạnh với khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) có kế hoạch chiếu rộng rãi bộ phim này trên hệ thống các rạp chiếu phim trong cả nước nhân dịp 30/4 năm nay.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất