Thứ Sáu, 11/10/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Sáu, 7/4/2023 9:49'(GMT+7)

Đừng hạ thấp học vị tiến sĩ

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Gần đây, cử tri thành phố  Đà Nẵng phản ánh, hiện nay, tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao; ít có công trình khoa học nào mang tính đột phá và áp dụng hiệu quả trong đời sống xã hội.

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều cơ sở giáo dục sau đại học chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo; do nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án; thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học nên chất lượng đi xuống.

Trước sự quan tâm của dư luận xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đưa việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ vào kế hoạch giám sát chuyên đề năm 2023.

Tiến sĩ là học vị khoa học cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học ở nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới. Là điều kiện cần để trở thành giảng viên các trường đại học, bằng tiến sĩ cũng là tiêu chuẩn bắt buộc để trở thành phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ. Để được công nhận là tiến sĩ, việc cơ bản nhất, khó khăn nhất là phải bảo vệ thành công luận án. Chất lượng luận án là thước đo trình độ, năng lực khoa học của nghiên cứu sinh. Nhưng ở nước ta hiện nay, nhiều luận án tiến sĩ chưa đáp ứng yêu cầu. Có chuyên gia nước ngoài nhận xét, luận án ở Việt Nam chưa bắt kịp trình độ với thế giới thể hiện ở tính học thuật chưa cao và thiếu tính “độc sáng” (riêng biệt, mới lạ). Đấy là một “hạt sạn” đáng tiếc của giáo dục đại học Việt Nam. Vì sao vậy?

Nhìn về hình thức thì quy trình đào tạo tiến sĩ hiện nay ở nước ta rất chặt chẽ, qua nhiều khâu. Tưởng là bài bản, khoa học, nhưng vẫn còn kẽ hở. Đầu tiên là khâu thành lập hội đồng chấm. Cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập hội đồng căn cứ vào danh sách đề nghị từ bộ môn chuyên ngành. Do vậy, không tránh được sự “quen biết” giữa các chuyên gia và người hướng dẫn khoa học. Có đi có lại. Anh mời tôi, tôi mời anh. Anh “giúp đỡ” nghiên cứu sinh của tôi, tôi có nghĩa vụ “đáp lễ”! Từ đó xuất hiện tình trạng cả nể, xuê xoa, “giơ cao đánh khẽ” là có thật. Cũng căn cứ vào danh sách trên để mời phản biện “kín”. Chuyên ngành càng hẹp, càng ít chuyên gia nên không khó để biết người này. Người đọc “kín” càng không khó để biết tác giả và người hướng dẫn. Vì trước đó, nghiên cứu sinh phải công bố công khai ít nhất hai bài báo khoa học liên quan đến luận án. Soi những nội dung ấy vào luận án, thêm một “cú” điện thoại là “ok”! Thế là thành ra “kín” mà lại hở!  

Vai trò của người hướng dẫn rất quan trọng, vạch ra hướng đi, gợi ra ý tưởng, cách tìm đọc tài liệu. Có hướng nghiên cứu riêng, đọc được nhiều ngoại ngữ, có kinh nghiệm, có nhiều công trình quốc gia, quốc tế... là những yêu cầu cần có ở họ. Nhưng ở ta không nhiều người được như vậy. Lại thêm cái tính tham rất tiểu nông. Có quy định giáo sư được hướng dẫn đồng thời không quá 5 nghiên cứu sinh. Nhưng đủ ở cơ sở này, có giáo sư bèn nhảy sang nhiều cơ sở khác “hướng dẫn”. Hậu quả thấy rõ. Có những luận án nghèo nàn về tư tưởng khoa học nên làng nhàng, èo uột. Thành ra có hiện tượng mà dư luận mỉa mai là “lò ấp” tiến sĩ cũng không ngoa! 

Để có sản phẩm khoa học mang tính mới, người nghiên cứu phải đọc rất nhiều, cả trong nước và quốc tế, tìm ra khoảng trống chưa ai nghiên cứu đến lượt mình lấp đầy. Lại phải qua nhiều kỳ sát hạch. Thỏa mãn những điều ấy thật khó. Phải thực sự đam mê, kiên trì, chịu hy sinh. Một đặc điểm thực dụng rất tiểu nông ở nhiều nghiên cứu sinh của ta là “dễ làm khó bỏ”. Điều dễ thấy là có hiện tượng cơ sở đào tạo có uy tín học thuật, nghiêm túc, chặt chẽ thì tuyển được ít nghiên cứu sinh và ngược lại. Rõ nhất là từ khi có tiêu chuẩn phải công bố hai bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án thì lượng nghiên cứu sinh giảm rõ rệt. Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ năm học 2020-2021 là 5.056 người, nhưng chỉ tuyển được 1.735 người (đạt khoảng 34%). Nghiên cứu không vì khoa học thì làm sao có sản phẩm khoa học đúng nghĩa!

Tiến sĩ đích thực là “nguyên khí quốc gia”. Do vậy, muốn cho đất nước giàu mạnh, dân tộc hưng thịnh thì nhất thiết phải chấn chỉnh ngay việc đào tạo học vị cao nhất này./.

PGS. TS. NGUYỄN THANH TÚ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất