Một cuốn sách hay rất cần có sự thiết kế, trình bày với bố cục hài hòa cả về hình thức, nội dung, không nên chỉ “đánh bóng” bề ngoài bắt mắt, in ấn chất liệu giấy tốt mà lại không thực sự coi trọng chất lượng nội dung, giá trị tư tưởng và ý nghĩa tác động, lan tỏa của cuốn sách...
Chẳng biết từ bao giờ, giới văn chương vẫn truyền tai nhau câu cửa miệng “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Bởi vì chất lượng nhiều tập thơ bây giờ hay thì ít mà làng nhàng thì... nhiều vô kể.
Xin miễn bàn những tập thơ mà chất lượng chỉ ở cấp xã, cấp làng đã được nhiều người đề cập. Điều đáng nói là không chỉ nhiều tập thơ, sách thơ thời nay được “hoành tráng hóa” bằng cách thiết kế trang bìa rất bắt mắt, mà nhiều tập truyện ngắn, hồi ký và các tác phẩm văn chương cũng được gia công, trau chuốt trang bìa đẹp đến từng xăng-ti-mét.
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ in ấn hiện nay, hầu hết những cuốn thơ, cuốn truyện đều in trên loại giấy trắng mịn, bóng, đẹp và dễ đọc. Tuy nhiên, nhiều bài thơ chỉ có 4, 6 hoặc 8 câu cũng in thành một trang sách, có bài khoảng hai, ba chục câu in thành hai trang. Một quyển sách in gần 40 bài thơ đã tốn ngót trăm trang giấy, mà trong số đó nhiều bài vừa ngắn, vừa gọn chứ đâu phải dài dòng, nhiều câu. Mở nhiều cuốn sách ra, nhìn trang sách bóng mịn mà chỉ in mấy dòng thơ, còn lại là những khoảng giấy trống trắng tinh. Bên cạnh đó phải kể đến những cuốn truyện ngắn (thường được gọi với những cái tên mỹ miều là “truyện ngắn hay”, “truyện ngắn chọn lọc”, “truyện ngắn tinh tuyển”) in cỡ chữ khá to, thưa dòng, số lượng câu từ thì ít mà số lượng trang sách lại dày cộm. Làm sách kiểu đó cho người xem dễ đọc hơn, hay các nhà làm sách có ý định in tăng trang để tăng chi phí xuất bản và buộc độc giả phải mua với giá cao hơn?
Dù in thành nhiều trang cho cuốn sách trở nên dày dặn hơn chỉ vì mục đích “đánh bóng” tên tuổi tác giả trên cuốn sách, hay cố ý dàn chữ, cách dòng để gia tăng số lượng trang nhằm nâng cao giá bán sách, cũng đều là biểu hiện của sự lãng phí không cần thiết. Trong đó, lãng phí lớn nhất chính là “lãng phí niềm tin” của độc giả đối với những cuốn sách “nặng về lượng, nhẹ về chất”, thậm chí có những cuốn sách in ra nhiều bản mà không ai đọc, không ai tiêu thụ thì chỉ để xếp xó rồi mau chóng bị quên lãng và trở thành... giấy lộn!
Có câu châm ngôn “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, với hàm ý nói về hình thức bề ngoài không phản ánh cái bản chất cốt lõi bên trong. Một cuốn sách hay rất cần có sự thiết kế, trình bày với bố cục hài hòa cả về hình thức, nội dung, không nên chỉ “đánh bóng” bề ngoài bắt mắt, in ấn chất liệu giấy tốt mà lại không thực sự coi trọng chất lượng nội dung, giá trị tư tưởng và ý nghĩa tác động, lan tỏa của cuốn sách đối với bạn đọc và đời sống văn hóa tinh thần xã hội.
Được biết, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn giấy phục vụ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp in ấn và nhà xuất bản. Vì vậy, việc thiết kế, trình bày, in ấn, xuất bản các cuốn sách bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, hình thức và nội dung mà không gây lãng phí giấy là một việc làm thiết thực để tiết giảm chi phí tiêu hao nguyên, vật liệu, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, thực hành tiết kiệm trong các khâu in ấn, xuất bản./.
DƯƠNG ANH (qdnd.vn)