(TG)- Trong bối cảnh mới hiện nay, có rất nhiều những khó khăn, thách thức đối với hoạt động báo chí.
Thứ nhất, Luật Báo chí năm 2016 bộc lộ nhiều vấn đề bất cập không còn theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại.
Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Báo cáo nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí; trong đó, có một số vấn đề tồn tại, bất cập về: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; Việc phân định báo và tạp chí; Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; Quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; Hoạt động liên kết báo chí...
Thứ hai, còn vướng mắc trong thực hiện Quy hoạch báo chí.
Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân tiến hành xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, các cơ quan này có mô hình tổ chức, cơ chế tài chính đặc thù khác nhau nên có cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện.
Việc sắp xếp hệ thống các cơ quan báo, tạp chí đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn tiếp theo của quy hoạch báo chí là hỗ trợ, chấn chỉnh để báo chí phát triển đúng định hướng, trong đó, cần có đánh giá, xếp hạng và phân vai thực hiện nhiệm vụ chính trị để tránh tình trạng chồng chéo, phát huy thế mạnh thương hiệu vốn có trong lòng độc giả. Đặc biệt, cần tiếp cận, đánh giá vai trò của báo chí của Trung ương Đoàn, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có cách tiếp cận khi tiến hành sắp xếp bước tiếp sau phù hợp, phát huy được vai trò của các cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng và truyền thống.
Thứ ba, cơ chế về bộ máy, nhân lực cơ quan báo chí bộc lộ nhiều hạn chế. Các cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn đang bị hạn chế về biên chế, không được ký hợp đồng chuyên môn; hạn chế trong tuyển dụng, sử dụng phóng viên, biên tập viên, có trường hợp thực hiện công việc của chức danh phóng viên, biên tập viên nhưng cơ quan báo chí ký hợp đồng cộng tác viên, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người làm báo.
Thứ tư, thị trường quảng cáo đang đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. Theo kết quả khảo sát 63 báo Đảng địa phương, có tới 91% số cơ quan báo chí được hỏi có nguồn thu từ quảng cáo; 78% báo có nguồn thu từ phát hành. Trong khi đó, chỉ có 9% báo có nguồn thu từ tổ chức sự kiện và 7% báo có nguồn thu từ nội dung số.
Sau khi Nghị định số 70/2021/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới. Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn Nghị định; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức làm việc gần 45 doanh nghiệp, nhãn hàng có vi phạm, xử phạt 15 doanh nghiệp với 210 triệu đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố trên Cổng thông tin của Bộ các website vi phạm không được phép hợp tác quảng cáo, trong thời gian tới sẽ công bố các tài khoản, kênh nội dung vi phạm.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng của Việt Nam (White List), gồm: Báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiếp tục mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để tham gia vào White List và sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận. White List sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, website của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tại địa chỉ abei.gov.vn.
Vấn đề là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng cần sử dụng White List để quảng cáo vì lý do bộ danh sách này hiện nay đã phát triển đủ lớn và phong phú, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Thứ năm, chuyển đổi số báo chí là vấn đề cấp thiết nhưng khả năng đáp ứng của đội ngũ những người làm báo chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ, chắp vá. Trong bối cảnh đó, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần chủ động triển khai các biện pháp để thay đổi nhận thức, thay đổi cách tiếp cận, quy trình làm việc, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo về chuyển đổi số báo chí. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số báo chí, đồng hành, dẫn dắt, hỗ trợ báo chí trong công cuộc chuyển đổi số.
Bùi Chí Tuệ