Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 30/3/2023 9:0'(GMT+7)

Kinh nghiệm từ mô hình tổ chức, sáp nhập, hợp nhất cơ quan báo chí địa phương

Hội thảo khoa học với chủ đề: "Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương"

Hội thảo khoa học với chủ đề: "Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương"

“CỨ ĐI RỒI SẼ ĐẾN…”

Ngày 1/1/2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chính thức ra mắt và đi vào hoạt động sau khi hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình; Cổng thông tin điện tử tổng hợp (thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh), Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh).

Ngày 28/10/2019, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất Đài và Báo theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 10/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Bình Phước là địa phương thứ hai trong cả nước thực hiện mô hình hợp nhất cơ quan báo chí cấp tỉnh sau Quảng Ninh, trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện ở địa phương.

Sau khi tiến hành hợp nhất các cơ quan báo chí, Quảng Ninh và Bình Phước đều ngay lập tức triển khai, vận hành mô hình hoạt động mới, đảm bảo nâng cao chất lượng các kênh truyền thông, các ấn phẩm báo chí và hoạt động chung; từng bước xây dựng và phát triển theo xu hướng báo chí hiện đại, mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện đáp ứng những yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, khi tiến hành hợp nhất các cơ quan báo chí, tổ chức bộ máy bị xáo trộn., từ việc sắp xếp vị trí cho người đứng đầu đến công tác cán bộ lãnh đạo phòng, ban chuyên môn sau khi sáp nhập. Số lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên của Trung tâm Truyền thông tỉnh, báo và đài… sau sáp nhập tăng lên, đội ngũ phóng viên, nhân viên chồng chéo, trùng lắp nhân sự, phòng, ban và hoạt động chuyên môn. Tình hình tài chính, công nợ của các cơ quan báo chí khác nhau, trụ sở làm việc rải rác ở nhiều địa điểm; việc cấp lại giấy phép xuất bản và cấp thẻ nhà báo chậm cũng gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kinh tế báo chí.

Những khó khăn đó đã tạo nên một số rào cản khi tiếp hành hợp nhất, sáp nhập các cơ quan báo chí như sau:

Một là, những áp lực khi phải giảm cán bộ lãnh đạo (bốn người đứng đầu - đối với Quảng Ninh và hai người đứng đầu - đối với Bình Phước), viên chức lãnh đạo, quản lý và sự đổi mới, sắp xếp lại các phòng của cơ quan.

Hai là, việc ổn định tư tưởng của những người làm báo khi hòa lẫn cách thức hoạt động của các loại hình báo chí, thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ. Việc thay đổi tư duy, thói quen tác nghiệp, cách thể hiện tin, bài; thay đổi quan niệm báo, đài là đài, cổng thông tin điện tử là cổng; báo, đài và cổng không thể ở cùng với nhau, hòa trộn vào nhau…  

Ba là, việc triển khai thực hiện cả bốn loại hình báo chí trong điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, thiếu thốn do trong thời gian dài các cơ quan báo chí không được đầu tư đồng bộ.

Bốn là, vấn đề tự chủ rất khó khăn khi doanh thu quảng cáo mỗi năm một sụt giảm do sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các loại hình báo chí truyền thống sang quảng cáo trên mạng xã hội, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Đây là một áp lực rất lớn khi hợp nhất số lượng nhân sự đông, nhiệm vụ lớn, nhưng không có khả năng đảm bảo nguồn thu để giữ được lao động hợp đồng.

Năm là, việc chuyển biên chế từ khối Đảng sang khối Nhà nước chưa được Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương giải quyết nên địa phương phải tạm giao biên chế. Tỉnh Bình Phước thực hiện quy định chung còn phải tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2020 giảm 10% biên chế, giai đoạn 2021-2025 giảm tiếp 10%, trong khi Trung ương chưa có quy định định mức số lượng biên chế, người lao động ở các đài. Tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, khi thành lập phải giữ nguyên số lượng công chức, viên chức của 4 đơn vị cũ; trước mắt không tuyển dụng nhân sự khi có người lao động nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Sáu là, đề án hợp nhất được xây dựng chủ yếu trên cơ sở lý luận, cả Quảng Ninh và Bình Phước đều là những địa phương đi đầu trong việc thí điểm mô hình này. Vì vậy, khi đi vào thực hiện, có những nội dung không phù hợp thực tế vừa làm vừa phải tìm tòi, nghiên cứu để xử lý những tình huống chưa từng xảy ra trong thực tế như: Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn; việc xây dựng đề án vị trí việc làm đối với một cơ quan có 4 loại hình báo chí và hạ tầng số; việc tổ chức thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ; chế độ nhuận bút sao cho phù hợp…

Với những khó khăn đã nêu, nhưng với tinh thần “cứ đi rồi sẽ đến”, cả hai địa phương nói trên đã có những bước đi, cách thức tiến hành phù hợp để thực hiện mục tiêu. Trước tiên, ổn định tư tưởng và tạo sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động về chủ trương của Tỉnh ủy.

Để ổn định tổ chức, bộ máy sau khi thành lập Trung tâm Truyền thông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định bổ nhiệm 7 đồng chí nguyên là giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập làm Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh và điều động một đồng chí Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Đến nay, Trung tâm thông tỉnh Quảng Ninh đã giảm 35 người (35/295) làm việc so với trước khi hợp nhất. Trung tâm giảm từ 22 đầu mối cấp phòng chuyên môn xuống còn 14 phòng trực thuộc.

Tại Bình Phước, để giảm viên chức quản lý cấp phòng, Báo và Đài đã thực hiện những bước đi bài bản trong việc rà soát cho thôi giữ chức vụ 6 phó trưởng phòng không đạt chuẩn theo quy định, 5 trường hợp không đủ tín nhiệm để bổ nhiệm lại. Thực hiện quy trình bổ nhiệm 3 phó trưởng phòng, 4 phó trưởng phòng đang thiếu sẽ thực hiện bổ nhiệm vào thời gian thích hợp. Tất cả 4 phòng nội dung (Thời sự, Chuyên mục - Chuyên đề, Bạn đọc - Tư liệu - Công tác xã hội, Thư ký biên tập) đều có trách nhiệm thực hiện 4 loại hình báo chí. Các phóng viên, biên tập viên đều phải thực hiện 4 loại hình báo chí, đồng thời vẫn có những phóng viên chuyên sâu 1-2 loại hình báo chí, ưu tiên viết cho những tuyến bài chính luận, phản biện.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Sau khi hợp nhất, Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Bình Phước đã ra phương châm hành động: “Chú trọng báo nói, đổi mới báo hình, cải tiến báo in, bứt phá báo điện tử” để hoạch định hướng đi. Cả 4 loại hình đều được coi trọng như nhau, không loại hình báo chí nào cảm thấy bị yếu đi sau khi hợp nhất. 

Do vậy, ngay sau khi đi vào hoạt động, cơ quan đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà báo lão thành và liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, cải tiến trên cả 4 loại hình báo chí như: xây dựng và đổi mới format các chương trình truyền hình, phát thanh, thay đổi cách thức làm bản tin thời sự. Báo Bình Phước điện tử thay đổi giao diện, cải tiến nội dung, kết hợp báo hình, báo nói, báo in ngay trong tác phẩm báo điện tử; thay đổi nội dung, hình thức của báo in theo xu hướng hiện đại, đa dạng hơn đối tượng phục vụ.

Cùng quan tâm công tác bồi dưỡng chuyên môn, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cũng như nâng cao trình độ lý luận chính trị cho phóng viên, biên tập viên để đáp ứng được yêu cầu xây dựng mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện, phóng viên tác nghiệp đa loại hình, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng”. Việc nghiên cứu và thực hành “một người có thể làm nhiều việc” trong sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện, ngoài lợi ích về việc tập trung cao hơn đối với một chủ trương, chủ đề, còn góp phần giảm tải tần suất liên hệ của phóng viên đối với cơ sở và tinh gọn ê-kíp tác nghiệp các sự kiện.

Từ những khó khăn ban đầu, khi định hình được mô hình tổ chức, bộ máy, đơn vị mới đã bắt đầu có những bước chuyển, thay đổi cách vận hành, hoạt động cũng như thay đổi căn bản phương thức hoạt động. Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã hội tụ được nguồn lực về con người và cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí cùng thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền trên một địa bàn. Bước đầu đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm báo chí, nhất là sản phẩm truyền thông hiện đại; nâng cao số lượng tin, bài tự sản xuất tăng hơn 30% so với trước khi hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh; hình thức, cách thể hiện các sản phẩm báo chí chuyên nghiệp hấp dẫn thu hút công chúng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước cho biết, đến nay, có khoảng hơn 80% phóng viên, biên tập viên ra hiện trường có thể tác nghiệp cho cả 4 loại hình báo chí; có sự đột phá, mới lạ, không còn lối mòn, có sự cạnh tranh giữa các loại hình báo chí và từng phóng viên, biên tập viên. Số lượng tin, bài cũng tăng lên 40%, tăng thời lượng tự sản xuất 2 giờ 30 phút so với trước khi hợp nhất. Thu nhập của viên chức, người lao động tăng lên, thế mạnh, năng lực, sở trưởng công tác được thể hiện, phát huy. Tài nguyên thông tin được khai thác tối đa khi nguồn tư liệu phóng viên thu thập được sẽ sử dụng sản xuất cho cả 4 loại hình báo chí, các hạ tầng số, được sử dụng cho nhiều chương trình. Những thông tin quan trọng, sự kiện lớn được cập nhật liên tục và có sự tham gia tổng lực của 4 loại hình báo chí và mạng xã hội, tăng sự tương tác với công chúng, nên thông tin lan tỏa sâu rộng, có hiệu ứng tốt, cùng một định hướng, theo sát dòng sự kiện, bám sát xu hướng và dòng chủ lưu.

Đánh giá những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện mô hình mới, ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đầu tiên là sự tinh gọn về bộ máy tổ chức. Thứ hai, đóng góp tích cực vào quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Thứ ba, sự hội tụ về các loại hình báo chí. Thứ tư, đổi mới căn bản phương thức hoạt động. Thứ năm, sự đa dạng các sản phẩm truyền thông. Thứ sáu, sự thích ứng và trưởng thành của đội ngũ báo chí. Thứ bảy, hội tụ nguồn lực trong tổ chức các sự kiện lớn”.

Qua triển khai thí điểm thực hiện mô hình hợp nhất các cơ quan báo chí tại địa phương, có thể rút những kinh nghiệm bước đầu sau:

Thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị, đồng thuận, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phát sáng tạo vì mục tiêu chung. Mô hình hợp nhất bốn loại hình báo chí vào một chưa từng có tiền lệ, vì vậy trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, công tác chỉ đạo, lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị lớn, thống nhất; khi tổ chức thực hiện phải quyết liệt, bài bản nhưng thận trọng, khoa học, không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện trên cơ sở đảm bảo hiệu quả, hiệu lực. Đồng thời, thường xuyên rà soát, giám sát việc triển khai để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn hoặc chấn chỉnh hạn chế, yếu kém.

Thứ hai, có sự lãnh đạo sâu sát và toàn diện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình vận hành mô hình, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, định hướng chính trị, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến cơ chế chính sách. Trong quá trình hoạt động chuyên môn, cần có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác định hướng tuyên truyền.

Đối với Ban lãnh đạo bộ máy, tổ chức mới, phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc - Ban Biên tập trong tổ chức lãnh đạo, điều hành, trong đó vấn đề then chốt là ổn định tư tưởng và tạo sự đồng thuận của toàn thể viên chức, người lao động. Người làm báo cũng là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, hơn ai hết, phải tự làm tốt tư tưởng cho chính mình, gương mẫu thực hiện nghị quyết.

Thứ ba, phát huy vai trò trung tâm quy tụ của người đứng đầu, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, quy tụ được tập thể và phát huy được năng lực sở trường của cán bộ, người lao động. Từng thành viên lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, tiên phong, đổi mới, khách quan, công bằng, không chia rẽ. Tôn trọng, kế thừa với những thành quả của các cơ quan cũ, tôn trọng quá khứ.

Xây dựng được mối đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt quy chế dân chủ, hệ thống quy chế quy định được xây dựng công khai, nhanh chóng, với các chế độ công bằng, minh bạch; các quyền lợi chính trị và vật chất được đảm bảo công bằng, hợp lý.

Thứ tư, chú trọng bố trí cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, uy tín; sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với năng lực, kinh nghiệm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có kỹ năng làm báo đa phương tiện, làm được nhiều loại hình báo chí.

Thứ năm, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho viên chức, người lao động; tạo môi trường làm việc khoa học, dân chủ, cởi mở, khuyến khích, cổ vũ đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh. Định hướng phát triển báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số theo hướng tăng cường và nâng cao chất lượng các sản phẩm số của các cơ quan báo chí, chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh tế báo chí, phân phối thông tin trên không gian mạng; phân tích nhiều hơn, sâu hơn thông tin, dữ liệu nhằm tạo ra nhiều giá trị cho độc giả.

Thứ sáu, cần thường xuyên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của cán bộ, phóng viên, người lao động, có các giải pháp giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật; giải quyết có lý, có tình, không để xảy ra tình trạng kiện tụng, nội bộ mất đoàn kết… Đối với công tác tài chính, cần phải rà soát kỹ, có phương án xử lý rõ, cụ thể đúng quy định về các nội dung như công nợ phải thu, phải trả và đề ra các giải pháp xử lý sau khi sáp nhập; có cơ chế khoán tài chính riêng theo giai đoạn đối với đơn vị sáp nhập...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đáng khích lệ, mô hình hợp nhất các cơ quan báo chí địa phương vẫn là mô hình mới, đang trong quá trình triển khai thực hiện nên vẫn còn những tồn tại, hạn chế mang tính chủ quan và khách quan cần giải quyết, như việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở mới, phê duyệt cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật để mô hình báo chí mới hoạt động hiệu quả.

Từ những khó khăn ban đầu, khi định hình được mô hình tổ chức, bộ máy, đơn vị mới đã bắt đầu có những bước chuyển, thay đổi cách vận hành, hoạt động cũng như thay đổi căn bản phương thức hoạt động.

Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã hội tụ được nguồn lực về con người và cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí cùng thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền trên một địa bàn. Bước đầu đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm báo chí, nhất là sản phẩm truyền thông hiện đại; nâng cao số lượng tin, bài tự sản xuất tăng hơn 30% so với trước khi hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh; hình thức, cách thể hiện các sản phẩm báo chí chuyên nghiệp hấp dẫn thu hút công chúng.

Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước có khoảng hơn 80% phóng viên, biên tập viên ra hiện trường có thể tác nghiệp cho cả 4 loại hình báo chí; có sự đột phá, mới lạ, không còn lối mòn, có sự cạnh tranh giữa các loại hình báo chí và từng phóng viên, biên tập viên. Số lượng tin, bài cũng tăng lên 40%, tăng thời lượng tự sản xuất 2 giờ 30 phút so với trước khi hợp nhất./.

 

Phạm Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất