Năm 1956 ư? Khi ấy, Tạp chí Thời sự phổ thông ra đời, là tiền thân đầu tiên của Tạp chí Tuyên giáo ngày nay. Năm ấy, tôi là phóng viên Báo Nhân Dân, được đọc nhiều bài trên Tạp chí này, nhưng chưa thể nói là đã có sự gắn bó.
Năm 1962? Năm ấy, Tạp chí Tuyên huấn ra mắt bạn đọc, cùng là tiền thân của Tạp chí Tuyên giáo ngày nay. Năm ấy, tôi được Đảng cho theo học Trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Cùng học với tôi, có anh Đào Nguyên Cát, sau này là Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên huấn. Quan hệ giữa tôi và anh rất khăng khít nhưng đó vẫn là quan hệ cá nhân chứ chưa phải quan hệ với Tạp chí.
Năm 1992 thật sự đánh dấu một bước ngoặt. Năm ấy, từ là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tôi được Bộ Chính trị cử giữ chức Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Những ngày đầu, tôi còn bỡ ngỡ lắm. Dẫu sao vẫn phải lăn xả vào, cùng tập thể lãnh đạo Ban tập trung sức giải quyết những vấn đề lớn đang đặt ra trước mắt. Lúc này, Phó Trưởng ban Thường trực là Hà Học Hợi, Phó Trưởng ban phụ trách công tác tuyên truyền báo chí là Hồ Anh Dũng. Có nghĩa là tôi không trực tiếp chỉ đạo Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa. Nhưng trong tôi, cái máu làm báo vẫn sôi sục. Vì vậy, tôi đã dành cho Tạp chí một sự quan tâm. Có lẽ duyên nợ của tôi với Tạp chí bắt đầu từ đấy.
Còn nhớ, khi tôi mới về làm Trưởng ban thì Ban đang chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị 08 ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư về việc sắp xếp lại hệ thống báo chí - xuất bản cả nước. Theo quy định báo chí, Tạp chí Giáo dục lý luận hợp nhất với Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa thành Tạp chí Công tác Tư tưởng - Văn hóa do đồng chí Phạm Huy Vân làm Tổng Biên tập, các đồng chí Hồ Văn Chiểu, Đỗ Khánh Tặng làm Phó Tổng biên tập. Sau đó mấy năm, Tạp chí Công tác Tư tưởng - Văn hóa lại đổi thành Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa.
Trong những năm tháng đầu làm Trưởng ban tôi cảm nhận được rằng Tạp chí của chúng ta đã luôn nỗ lực thực hiện đúng định hướng của Ban, tự đổi mới mình và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tập thể những người làm Tạp chí cũng có nhiều sự cố gắng để xây dựng nội bộ thành một tập thể yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau, phấn đấu cho sự lớn mạnh của Tạp chí.
Những cố gắng và tiến bộ đó càng được phát huy hơn vào giai đoạn đồng chí Hữu Thọ làm Trưởng ban.
Bản thân tôi, từ Đại hội VIII của Đảng trở đi, được cử làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1996-2001), Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006).
Năm 2007, cả tôi và Hữu Thọ đều được nghỉ hưu. Có một sự trùng hợp của Đảng, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2007, Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa và Tạp chí Khoa giáo hợp lại thành Tạp chí Tuyên giáo. Năm đó, một lần nữa, duyên nợ của tôi với Tạp chí được kết nối lại và ngày càng sâu đậm hơn.
Tổng Biên tập Tạp chí Nguyễn Tiến Dũng tha thiết mời tôi và Hữu Thọ tham gia Hội đồng Biên tập, với tư cách Ủy viên.
Tôi không chỉ là thành viên Hội đồng mà còn là cộng tác viên tâm huyết của Tạp chí. Cần viết bài gì, với chủ đề nào đó, Ban Biên tập "ới" lên một tiếng, tôi đều đáp ứng ngay, nếu đó là trong khả năng và tầm hiểu biết của mình.
Đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia
Hồ Chí Minh và đồng chí Hà Đăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư
tưởng - Văn hóa Trung ương đến thăm và chúc mừng Tạp chí Công tác Tư
tưởng - Văn hóa (nay là Tạp chí Tuyên giáo) nhân kỷ niệm 70 năm ngày Báo
chí cách mạng Việt Nam (21/6/1995).
Có những việc, ngoài lề một chút, nhưng gây cho tôi ấn tượng, khó quên. Trong nhiều năm, như đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết âm lịch sắp tới, Ban Biên tập Tạp chí lại tổ chức một cuộc gặp mặt "tất niên" có đông đủ anh chị em trong cơ quan cùng các đồng chí lãnh đạo Ban đương chức và nhiều đồng chí cộng tác viên cao tuổi đã về hưu. Sau cuộc gặp mặt, tất cả cùng chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Từ sau giai đoạn COVID-19 bùng phát, việc gặp mặt cũng có nhiều khó khăn nên khó duy trì, nhưng rồi thi thoảng gần đây, cứ mỗi lần có dịp ghé thăm ngôi nhà Tạp chí 49 Phan Đình Phùng, những mái đầu già - trẻ lại ngồi bên nhau tâm sự, chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời rôm rả. Rồi từ đồng chí Phó Tổng Biên tập Nguyễn Minh Huế, tới các đồng chí Thư ký tòa soạn Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng Biên tập Hoàng Minh Thế … đều “lôi” máy ảnh và điện thoại ra chụp vài tấm ảnh để lưu giữ kỷ niệm. Ẩn chứa đằng sau các cuộc gặp mặt và những tấm ảnh chụp chung đó là một mối tình ân sâu nặng giữa các thế hệ làm Tạp chí nối tiếp nhau.
Bức ảnh chụp ngày 23/1/2003 được tác giả nhắc đến trong bài. (Từ phải sang: Nhà báo Hà Đăng, Nhà báo Hữu Thọ, Nguyên Tổng Biên tập Lê Duy, Nhà báo Hoàng Tùng và Tổng Biên tập Đỗ Khánh Tặng)
Có một bức ảnh làm tôi vô cùng xúc động. Ảnh chụp ngày 23/1/2003 trong phòng làm việc của Tổng Biên tập thời đó là Đỗ Khánh Tặng. Ảnh có 5 người gồm Hoàng Tùng, Hà Đăng, Hữu Thọ, Lê Duy và Đỗ Khánh Tặng ngồi quanh một cái bàn nhỏ. Trời! Lão tướng Hoàng Tùng, dù đã nghỉ hưu (83 tuổi rồi) vẫn luôn có mặt trong các buổi gặp tất niên của Tạp chí, nhưng đến năm 2010 đã từ giã chúng ta. Hữu Thọ cũng đã ra đi. Lê Duy nay đã bước vào tuổi 100, Đỗ Khánh Tặng mới ngày nào còn trẻ măng nay cũng đã thành cụ. Kẻ ra đi, người ở lại nhưng vẫn vẹn một chữ tình!
Với tôi, dường như Tạp chí đã dành cho một sự ưu ái đáng yêu. Năm 2012, tôi được trao giải Ba giải Báo chí Quốc gia, từ một bài viết đăng trên Tạp chí "Công tác tuyên giáo - cái dễ và cái khó". Thật bất ngờ mà cũng thật khó xử. Ban Biên tập Tạp chí (lúc đó đồng chí Trần Doãn Tiến làm Tổng Biên tập) đã gửi bài báo đó dự thi mà tôi không hề biết. Đến khi tham gia Hội đồng chung khảo, tôi bỗng thấy trong danh sách giải do Hội đồng sơ khảo đưa lên, có bài báo của tôi được xếp giải Ba. Tôi sững sờ. Từ ngày đổi mới đến nay, dù ở Báo Nhân dân hay Tạp chí Cộng sản, tôi đều đề nghị không đưa bài của mình đi dự thi. Không phải tôi không coi trọng giải, mà là vì nghĩ rằng vinh dự đó nên dành cho những cây bút trẻ trong cơ quan. Tôi định đề nghị Hội đồng chung khảo cho rút bài báo đó. Nhưng lại nghĩ đến cái tình của Tạp chí Tuyên giáo nên thôi.
Vậy là trong vòng 50 năm, tôi hai lần được nhận giải báo chí với hai tâm trạng khác nhau. Lần đầu, năm 1962, giải A (giải Nhất) Hội Nhà báo Việt Nam về bài báo "Ba lần đuổi kịp trung nông" đăng trên Báo Nhân dân, đã góp phần khơi dậy phong trào thi đua "Học tập Đại Phong" trên toàn miền Bắc nước ta. Tôi biết tin mừng khi đang học Trường Đảng cao cấp ở Mátxcơva. Cái mừng thoáng qua của một nhà báo đang tuổi thanh xuân, dồn hết tâm sức cho việc học tập chính trị ở nước ngoài.
Giải Ba Báo chí Quốc gia năm 2012 cho một bài báo chuyên đề về công tác tuyên giáo đã mang lại niềm vui "bất đắc dĩ" cho một nhà báo cao niên vẫn miệt mài cày xới trên mảnh vườn báo chí. Thành tâm cầu chúc cho Tạp chí Tuyên giáo có nhiều hơn nữa những bài báo hay, bài báo tốt, không phải vì giải thưởng mà trước hết vì sự xứng đáng với vai trò và chức năng cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương./.
HÀ ĐĂNG