Thị trường châu Âu rất rộng lớn và hàng hóa của Việt Nam chiếm thị phần ngày càng tăng, tuy nhiên so với các đối tác thương mại khác cũng xuất khẩu vào EU thì Việt Nam chưa phải trong tốp đầu.
Nhân dịp Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam chuẩn bị được ký kết, Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU, ông Nguyễn Cảnh Cường đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Brussels và chia sẻ những đánh giá về cơ hội cũng như thách thức khi hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, thị trường châu Âu rất rộng lớn và hàng hóa của Việt Nam chiếm thị phần ngày càng tăng, tuy nhiên so với các đối tác thương mại khác cũng xuất khẩu vào EU thì Việt Nam chưa phải trong tốp đầu.
Trừ một vài mặt hàng thế mạnh như giày, dép hay dệt may đã đạt trên 10% thì các sản phẩm còn lại của Việt Nam có thị phần nhỏ, chỉ khoảng 3-5% với thuế suất khá cao so với mức EU dành cho những nước kém phát triển, các đối tác đã có hiệp định hay các quốc gia thành viên EU.
EVFTA sau khi có hiệu lực sẽ có lộ trình giảm thuế nhanh với gần như 99% các dòng thuế, và như vậy khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt Nam trên thị trường EU chắc chắn tăng, từ đó thị phần cũng được nâng lên. Các nước chưa có hiệp định thương mại tự do với EU sẽ không được thuận lợi như Việt Nam.
Với EVFTA, cả hai phía cam kết giảm thuế cho nhau, tức là Việt Nam cũng sẽ giảm tuy nhiên có chậm hơn so với lộ trình giảm thuế của EU và mỗi loại sản phẩm lại có thời gian biểu khác nhau.
Việc phải cạnh tranh với các sản phẩm của EU sau khi EVFTA có hiệu lực không phải là điều quá lo ngại vì thực tế Việt Nam đã mở cửa và có hiệp định với các đối tác khác. Việt Nam đã có 11 hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác ngoài EU và doanh nghiệp Việt Nam đã phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước đối tác, nên giờ thêm một FTA cùng các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu cũng không phải vấn đề quá lớn bởi các sản phẩm của Việt Nam và của EU có tính bổ trợ lẫn nhau nhiều hơn là cạnh tranh trực tiếp.
EVFTA còn có thể mang đến hiệu ứng tích cực vì người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm sự lựa chọn và các doanh nghiệp nước ngoài khác sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt Nam. Môi trường cạnh tranh mới sẽ mang lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
Đi cùng với EVFTA sẽ là EVIPA, cơ hội tiếp cận thị trường thuận lợi hơn và được bảo vệ quyền lợi tốt hơn, doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng cường đến Việt Nam để đầu tư, họ sẽ cùng các doanh nghiệp nội địa tạo ra một năng lực sản xuất và sức cạnh tranh mới. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ, các tiêu chuẩn và phương pháp quản lý của châu Âu để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh.
Xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng liên tục, trong đó thủy sản và nông sản chiếm tỷ trọng đáng kể. Thủy sản Việt Nam vào châu Âu từ khoảng hơn 20 năm và ngày càng tăng. Thời kỳ đầu chỉ khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam được EU đánh giá đạt yêu cầu và cấp phép theo mã số thì nay con số đã lên đến hàng trăm.
Hiện cá tra và tôm là hai mặt hàng thủy sản có giá trị lớn nhất xuất vào EU. Với EVFTA sắp ký kết trong vài ngày tới, cá tra và tôm Việt Nam sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang EU trong tương lai gần.
Cá tra đã đạt được kim ngạch khá nhưng sau một thời gian tăng trưởng thì nay thị phần đã gần chạm ngưỡng bão hòa do chủ yếu phục vụ phân khúc thị trường của người có thu nhập thấp và trung bình. Đã có những thời điểm cá tra gặp khó khăn khi xuất hiện một vài phóng sự phản ánh về một số doanh nghiệp và vùng nuôi chưa hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng cải tiến để khắc phục tình trạng trên và từ năm 2019, theo đánh giá của các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của EU, hình ảnh con cá tra của Việt Nam đã được khôi phục.
Con tôm của Việt Nam là một sản phẩm có giá trị gia tăng cao với phân khúc tiêu dùng ở mức trên trung bình, với giá bán tốt hơn và nhiều chủng loại được tiêu thụ trong các dịp lễ (châu Âu có rất nhiều lễ), và xu hướng tiêu dùng mặt hàng này vẫn tăng nên còn dư địa phát triển.
Ngành tôm Việt Nam đang chứng kiến tốc độ phát triển đáng ngạc nhiên, và nếu các doanh nghiệp ứng dụng được công nghệ cùng phương pháp nuôi trồng mới đảm bảo vừa giúp cho con tôm tăng trưởng tốt và vừa có sức kháng bệnh cao thì khả năng cạnh tranh và gia tăng thị phần của con tôm Việt Nam tại thị trường EU là rất lớn.
Ngoài hai sản phẩm truyền thống, có doanh nghiệp VN đang xây dựng chiến lược xuất khẩu thịt gà sang thị trường châu Âu. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo và có quy trình giết mổ tự động hóa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mới có thể xuất khẩu sang EU được.
Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh đây cũng là một hướng đi rất hay vì nhu cầu về thịt gà của EU là rất lớn.
Một điều cần lưu ý là các mặt hàng thực phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên phải chịu sự giám sát khắt khe theo luật an toàn thực phẩm châu Âu.
Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý muốn xuất khẩu sang châu Âu thì phải đáp ứng những yêu cầu của luật an toàn thực phẩm châu Âu vì liên quan đến sức khỏe con người. Xu hướng tiêu dùng hiện nay không chỉ chú trọng dinh dưỡng mà còn đặc biệt quan tâm đến các nguy cơ hay rủi ro tiềm tàng của thực phẩm đối với sức khỏe con người.
Doanh nghiệp cần lường trước khả năng trong tương lai họ có thể ban hành các quy định chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, ví dụ như mở rộng danh mục các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng và chế biến, hoặc giảm ngưỡng cho phép dư lượng một số chất trong các loại thủy sản.
Việt Nam phải xác định là một khi thị trường đòi hỏi thì người sản xuất và xuất khẩu không có cách nào khác là đáp ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai theo hướng phát triển bền vững để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường châu Âu.
Một số ý kiến cho rằng rào cản kỹ thuật gây khó cho các nước đang phát triển muốn xuất nông sản sang EU vì họ không có khả năng đáp ứng những yêu cầu đó. Phía EU cho đây là yêu cầu về an toàn thực phẩm nên các nước không có cách nào khác ngoài chấp nhận, và bản thân các nhà sản xuất của EU cũng phải đáp ứng những yêu cầu đó mà không có bất cứ sự ưu tiên nào.
Các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển đương nhiên gặp khó khăn vì khó có khả năng đầu tư vào công nghệ hay xây dựng các phòng thí nghiệm như các doanh nghiệp EU, tuy nhiên vẫn có thể có giải pháp.
Trên thực tế, doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có một lợi thế so với các nhà sản xuất châu Âu là có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chi phí sản xuất thấp trong khi thường gặp khó khăn về công nghệ và tài chính.
Các đối tác châu Âu có thể giúp giải quyết vấn đề trên bằng cách chuyển giao công nghệ hoặc đầu tư tài chính để giúp các nhà sản xuất nông phẩm ở các nước đang phát triển đáp ứng được những yêu cầu của thị trường EU.
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam trong 20 năm qua đã thâm nhập và phát triển thị trường EU một cách rất bài bản và chắc chắn. Với những doanh nghiệp chưa từng tiếp cận thị trường này thì EVFTA chính là một cơ hội vì EU là một thị trường tốt và các đối tác EU nói chung có độ tin cậy cao.
EU tuy hơi xa về địa lý nhưng là một thị trường đầy triển vọng và người châu Âu cũng có cảm tình với con người và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp EU trên cơ sở niềm tin và sự thân thiện, nhất là trường hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp trẻ hoàn toàn có thể hợp tác kinh doanh cùng nhau để cùng thu được lợi ích mà không nên tự ti rằng mình nhỏ thì không đi xa và ra biển lớn./.
Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)