Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 30/9/2009 23:6'(GMT+7)

Festival "Ký ức cầu Long Biên" vượt khó

Bà Nguyễn Nga - Giám đốc "Ngôi nhà nghệ thuật" - Trưởng ban tổ chức Festival

Bà Nguyễn Nga - Giám đốc "Ngôi nhà nghệ thuật" - Trưởng ban tổ chức Festival

Festival cầu Long Biên sẽ là festival của ký ức

Với độ dài 1.600 m với 12 m ngang và 19 nhịp dầm thép, cây cầu từng được coi là tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc Gustave Eiffel, là tháp Eiffel ngả mình trên sông Hồng sẽ được trang hoàng thật sự lộng lẫy với sự tham gia của rất nhiều nghệ sỹ thủ đô Hà Nội và nước bạn.

Theo bà Nguyễn Nga – Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, năm nay với mục đích xây dựng chủ đề về ký ức nên toàn bộ phần triển lãm, âm nhạc, thiết kế sân khấu, thiết kế hai bên thành cầu, bảo tàng sống… đều chung chủ đề tái hiện ký ức cầu Long Biên, tái hiện lại hình ảnh Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh hào hùng giành được độc lập.

Cây cầu sẽ được thiết kế với hai con đường mang hai chủ đề: Cây cầy ký ức và Ước mơ cây cầu.

Cây cầu Ký ức đi từ Hà Nội sang Gia Lâm sẽ được chia thành 12 thập niên (1889 - 2009) với việc tái hiện bằng ảnh tư liệu của từng thời kỳ. Trên đoạn này sẽ diễn ra triển lãm hội hoạ 100 tác phẩm của các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế với đề tài “Ký ức cầu Long Biên”; Trình diễn trang phục Hà Nội thế kỷ XIX của sinh viên Đại học Thăng Long Hà Nội; Vườn nghệ thuật trưng bày tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.

Ước mơ cây cầu đi từ phía Gia Lâm về Hà Nội sẽ trưng bày triển lãm 99 con diều sáo đặc trưng cho văn hoá đồng bằng Bắc Bộ; Sân khấu biểu diễn các tiết mục ca nhạc dân tộc như ca trù, chầu văn, chèo tuồng, xẩm, quan họ…; trưng bày các tác phẩm tranh khắc gỗ minh hoạ làng nghề Hà Nội đầu thế kỷ 20; Chiếu phim tư liệu về cầu Long Biên xưa và nay; Biểu diễn trang phục các dân tộc Việt Nam do người dân tộc thực hiện…

Ảnh minh họa

Đầu rồng được thiết kế theo mẫu Rồng thời Lý


Đặc biệt, đoạn cầu bị chiến tranh làm mất nhịp sẽ được trưng bày cờ của 63 quốc gia có gắn chữ hoà bình sẽ tạo nên một hình ảnh cây cầu không chỉ nối quá khứ với hiện tại mà còn nối giữa Việt Nam với thế giới. Kết thúc chương trình sẽ có màn thả 999 ngọn hoa đăng, đi bộ vì hoà bình và bắn pháo hoa.

Riêng về phần thiết kế đầu rồng cho hai đầu cầu phía nội thành và Gia Lâm, anh Nguyễn Khắc Minh – Giám đốc Công ty Viet Brother cho biết, đây sẽ là hình ảnh con Rồng thời Lý với những nét uyển chuyển, mềm mại. Đầu rồng tại phía Gia Lâm với ý nghĩa hướng về tương lai sẽ hiện đại hơn đầu rồng có ý nghĩa hướng về quá khứ được xây dựng ở phía nội thành Hà Nội.

Là người chịu trách nhiệm thiết kế và thi công phần đầu rồng, kết hợp với phần thiết kế của một nhà thiết kế người Pháp Lauren, anh Khắc Minh cho biết, phần thiết kế chính đầu rồng anh đã phải sửa chữa trong vòng 1 tháng. “Ban đầu tôi định thiết kế một chiếc đầu rồng hiện thực nhưng khi đặt lên thành cầu thì không hợp lý nên phải sửa đổi những mảng cách điệu để vừa không che lấp cây cầu, vừa làm nổi bật những đường gân của con rồng”.

Để hoàn thiện hình ảnh đầu rồng lung linh trong ánh sáng ban đêm, nhà thiết kế Khắc Minh đã lựa chọn chất liệu voan rập màu phản quang và dùng kim tuyến để phủ cho thành cầu lấp lánh. Những chất liệu này đều được mua từ Sài Gòn, vận chuyển ra Hà Nội để hoàn thiện.

Ảnh minh họa

Hình ảnh đầu rồng sẽ được dùng chất liệu voan rập màu phản quang và kim tuyến để làm nổi bật đường cong của con rồng


30 nhân công sẽ thực hiện thi công lắp đặt hai đầu rồng này trong vòng 1 tuần. Điều khó khăn với công việc này theo anh Minh cho biết, cây cầu vẫn hoạt động bình thường vào ban ngày, nên các nhân công buộc phải lắp ráp và thi công vào ban đêm khoảng từ 11 giờ đêm trở đi.

Toàn bộ phần âm nhạc do nhạc sĩ Hoàng Bình đảm nhiệm. Là người sinh ra và lớn lên gắn với mảnh đất sông Hồng, anh chia sẻ “Cầu Long Biên là cây cầu gắn với thời gian, gắn với chiến tranh. Vì thế, âm nhạc của chương trình được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là toàn bộ là những ca khúc đi cùng với lịch sử dân tộc tái hiện ngày giải phóng thủ đô 1954 và ngày thống nhất đất nước. Mở đầu chương trình là âm hưởng hùng tráng của ca khúc “Vì nhân dân quên mình” do dàn nhạc quân khu thủ đô biểu diễn. Tiếp sau đó là những ca khúc “Tiến về thủ đô”, “Giải phóng Điện Biên”… Sau giai đoạn chiến đấu vì Hà Nội hoà bình, âm nhạc sẽ nổi lên với những ca khúc về Hà Nội”.

Festival cầu Long Biên vượt khó

Festival cầu Long Biên lần đầu tiên được tổ chức với số tiền hoàn toàn xã hội hoá đã gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ảnh minh họa

Đoạn cầu bị chiến tranh làm mất nhịp sẽ trưng bày 63 lá cờ của các quốc gia có in chữ hoà bình


Theo bà Nguyễn Nga, “Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến chúng tôi khá khó khăn tìm thêm nguồn tài trợ. Việc tổ chức gala tiền festival tối 28/9 là cách để bán đấu giá tranh, có thêm tiền để ủng hộ cho lễ hội. Chúng tôi muốn kết nối giữa nghệ thuật với các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp được sở hữu một phần ký ức của cây cầu Long Biên. Chúng tôi cũng kêu gọi những người tham gia lễ hội đóng góp một phần công sức để ủng hộ cho lễ hội được tốt đẹp hơn”.

Vì nguồn kinh phí khá eo hẹp, đến thời điểm này, một số hạng mục của dự án đã phải gỡ bỏ. “Tôi vẫn giữ nguyên ý tưởng ban đầu của tôi là xây dựng một cây cầu ký ức, xây dựng một bảo tàng ngoài trời, một galery lớn về văn hoá Hà Nội. Tuy nhiên vì kinh phí eo hẹp, một số hạng mục như chiếu ánh sáng laze lên thành cầu, đội kèn 100 người ngồi dọc hai bên thành cầu không tái hiện trong lễ hội lần này. Những hạng mục này sẽ được dành sự đầu tư nhiều hơn cho lễ hội năm sau đúng dịp kỷ niệm Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi”.

Toàn bộ phần văn hoá ẩm thực cũng không nằm trong khung chương trình. Bà Nguyễn Nga phân trần “Vì tôi nghĩ ẩm thực Hà Nội nơi nào cũng có nên tôi đã bỏ ý tưởng gom văn hoá ẩm thực về trên một cây cầu. Các chương trình văn hoá trên sông Hồng cũng sẽ không được thực hiện”.

Ảnh minh họa

99 sáo diều của đồng bằng Bắc Bộ cũng sẽ được trưng bày trên thành cầu


Tất cả khách tham gia lễ hội đều được miễn phí vé ra vào nhưng họ sẽ phải đi theo sự hướng dẫn và điều phối của các tình nguyện viên tránh ùn tắc, quá tải trên cầu. Để an toàn cho những người tham gia vào sự kiện này, bà Nguyễn Nga khẳng định “Chúng tôi sẽ tính liều lượng người đi trên cầu để đảm bảo chỉ đạt nửa tải trọng của cây cầu. Toàn bộ phần tiếp giáp giữa đường sắt và đường bộ, chúng tôi sẽ dùng tranh, ảnh trong triển lãm bít chặt các thành cầu để tránh sơ xuất xảy ra khi mọi người không lưu ý”.

Với những khó khăn như vậy, nhưng bà Nguyễn Nga rất tin tưởng lễ hội sẽ thành công bởi sự tham gia của toàn bộ cộng đồng. “Toàn bộ các thành viên tham gia vào dự án đều đến với tâm huyết ủng hộ hết mình mà không đòi hỏi đồng công sức nào. Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các nghệ sỹ thủ đô, sáng tác tranh trưng bày trên thành cầu thì lễ hội sẽ có sự góp công sức của nhiều sinh viên tình nguyện, nhiều các bạn sinh viên là dân tộc tham gia triển lãm, tham gia vào hành trình đi bộ vì hoà bình”./.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất