(TG) - Trong hai ngày 17-18/10 tại Hà Nôi đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về sa sút trí tuệ lần thứ II - Tiến tới xây dựng chương trình quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ ở Việt Nam do Viện Lão khoa Trung ương phối hợp tổ chức .
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, theo nghiên cứu, trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc các bệnh phổ biến như: Tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn và điển hình nhất là sa sút trí tuệ (SSTT). Trong khi nước ta là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Sự già hóa dân số dẫn đến sự chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật. Trước đây, gánh nặng bệnh tật là các bệnh truyền nhiễm thì hiện nay chuyển sang các bệnh không lây nhiễm trong đó có SSTT.
Hiện tại trên thế giới có 50 triệu người mắc SSTT. Cứ sau mỗi 3 giây lại có một người mới mắc SSTT. Dự báo đến 2050 trên thế giới sẽ có 152 triệu người mắc căn bệnh này.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tại Việt Nam 4,6% người cao tuổi tại cộng đồng mắc SSTT. Đáng chú ý là tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi. Sau 5 năm tỷ lệ này tăng gấp đôi. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng có những giải pháp nhận diện đầy đủ và có biện pháp ứng phó bệnh SSTT. Vì vậy, việc tiến tới xây dựng chương trình quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về SSTT nói chung và ở Việt Nam nói riêng là hết sức cần thiết.
Theo GS. Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, cùng với sự gia tăng của tuổi thọ trung bình, mô hình bệnh tật của nước ta cũng thay đổi. Một mặt người cao tuổi vẫn phải đối phó với các bệnh lây truyền, mặt khác người cao tuổi cũng phải đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm trong đó có SSTT.
Chăm sóc sức khoẻ, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho người cao tuổi có cuộc sống tốt về thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần, đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn đối với ngành Y tế. Nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi nhiều hơn bất cứ đối tượng nào trong xã hội. Vấn đề phòng bệnh, dinh dưỡng, duy trì lối sống tích cực, năng động, bảo đảm cuộc sống tinh thần phong phú, thiết lập hệ thống chăm sóc trong gia đình và cộng đồng cho người cao tuổi đòi hỏi phải huy động được nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện.
Thách thức quan trọng nhất đối với ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hệ thống y tế mới chỉ thay đổi với một tốc độ khá chậm trong việc thích ứng với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến: chỉ một vài tỉnh và thành phố có Khoa Lão; việc giáo dục, đào tạo lão khoa tại các trường Y còn hạn chế; chăm sóc tại cộng đồng còn chưa phát triển và việc chăm sóc tại nhà mới đang manh nha. Trong khi đó, người cao tuổi là một đối tượng đặc biệt, với nhiều đặc điểm tâm sinh lý và bệnh lý khác biệt so với người trẻ, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đòi hỏi cán bộ y tế phải được đào tạo chuyên sâu, đặc biệt về lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về các vấn đề như: kế hoạch hành động toàn cầu về SSTT giai đoạn 2017-2025 và quá trình phát triển kế hoạch quốc gia phòng chống SSTT; sự cần thiết cấp bách để hành động; thách thức trong chăm sóc bệnh nhân SSTT tại Việt Nam; tổng quan nghiên cứu toàn cầu về SSTT; mạng lưới nghiên cứu về Alzheimer Việt Nam (VAN): sáng kiến mới nâng cao năng lực nghiên cứu về SSTT tại Việt Nam; thái độ của người Việt Nam về SSTTvà thiết lập những ưu tiên cho chương trình quốc gia về SSTT ở Việt Nam; công cụ và nguồn lực từ WHO để hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về SSTT tại Việt Nam...
Phương Nguyên