Số ca tử vong do bệnh lao năm 2018 trên toàn cầu khoảng 1,5 triệu người,
cho thấy bệnh lao vẫn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới xuất
phát từ một tác nhân truyền nhiễm duy nhất - vi khuẩn lao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2018, thế giới có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao (TB). Trong số này, khoảng 7 triệu người được điều trị, những người còn lại chưa hoặc không tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Số ca tử vong do TB năm 2018 trên toàn cầu vào khoảng 1,5 triệu người, cho thấy bệnh lao vẫn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới xuất phát từ một tác nhân truyền nhiễm duy nhất - vi khuẩn lao.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo về bệnh lao toàn cầu năm 2019 của WHO cho biết năm ngoái, thế giới cũng ghi nhận gần 500.000 trường hợp mắc MDR/RR-TB (số ca mắc bệnh lao và kháng với một trong 2 loại thuốc điều trị lao chính), tuy nhiên chỉ 30% số bệnh nhân này được điều trị.
Năm 2018, Nam Phi thuộc nhóm 7 nước (gồm cả CH Trung Phi, Lesotho, Mozambique, Namibia, Triều Tiên và Philippines) có tỷ lệ nhiễm bệnh lao cao nhất thế giới, với tỷ lệ mắc bệnh hơn 500/100.000 người. Trong khi đó, Ấn Độ đứng đầu về số người mắc bệnh lao, chiếm 27% tổng số trường hợp mắc bệnh lao trên toàn thế giới năm 2018.
Dù bức tranh tổng thể bệnh lao có rất nhiều điểm cần quan tâm, nhưng WHO ước tính kinh phí phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân lao năm 2019 chỉ đạt 3,3 tỷ USD – mức thấp nghiêm trọng so với nhu cầu thực tế.
WHO đánh giá nhu cầu tài trợ cho nghiên cứu và phòng chống bệnh lao hiện rất cấp thiết. Tuy nhiên, hằng năm nguồn kinh phí này thiếu hụt khoảng 1,2 tỷ USD.
WHO đưa ra một số ưu tiên trong phòng chống lao hiện nay, bao gồm nghiên cứu và bào chế loại vaccine mới hoặc thuốc điều trị lao hiệu quả, xét nghiệm chẩn đoán phát hiện nhanh bệnh lao và phác đồ điều trị an toàn, đơn giản hơn./.
(TTXVN)