MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Trên thực tế, dân số ổn định thì phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho cộng đồng. Dân số và Phát triển tác động qua lại chặt chẽ với nhau. Bước tiến của lĩnh vực này thúc đẩy, tạo thuận lợi cho lĩnh vực kia.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đặt ra yêu cầu: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số; thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia Dân số và Sức khỏe sinh sản; đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người; bảo đảm tổng tỷ suất sinh thay thế, giảm dần sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và đảm bảo quyền trẻ em. Nhờ có những chủ trương đúng đắn của Đảng, dân số nước ta đã đạt được bước phát triển đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đánh giá khách quan, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII cũng đã chỉ rõ: Công tác Dân số và Phát triển vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã và đang ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) còn thấp; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Xuất phát từ thực trạng trên, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII xác định rõ hơn quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác Dân số và Phát triển là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Điểm mới trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 21-NQ/TW được thể hiện ở một số nội dung: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang "Dân số và Phát triển". Theo đó, công tác dân số chú trọng toàn diện hơn các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
GIẢI QUYẾT TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÁC VẤN ĐỀ VỀ DÂN SỐ
Với những quan điểm nêu trên, Trung ương đã đề ra mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể trong công tác dân số đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Trung ương đã đưa ra những giải pháp và nhiệm vụ cơ bản mang tính khả thi cao, đó là:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số phải được coi là một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số… Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số…
Hai là, tăng cường đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, vận động về công tác dân số, chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính sách Dân số và Phát triển. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con", bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ…
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng hương ước và quy ước trong các gia đình và là tiêu chí để xét các gia đình văn hóa, hạnh phúc. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi… Ban hành Chiến lược dân số trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người…
Bốn là, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số (toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số). Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập.
Ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc ít người, người di cư… đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển. Đẩy mạnh nghiên cứu về Dân số và Phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực…
Năm là, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số...
Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố... Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách Dân số và Phát triển. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động của các ngành, cơ quan có chức năng quản lý các lĩnh vực liên quan tới dân số và phát triển…
Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương, song phương về Dân số và Phát triển. Tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế. Tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về dân số…
Để thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương ký ngày 25/10/2017 đề ra, cùng với sự nỗ lực của ngành Dân số, cần có sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó vai trò của các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Các Tỉnh ủy, Thành ủy, các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai quán triệt nội dung Nghị quyết, xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vùng miền, tạo thành phong trào rộng lớn trong nhân dân, mới có thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả./.
BS Mai Xuân Phương
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS - KHHGĐ