Thứ Bảy, 27/7/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Tư, 12/8/2015 10:11'(GMT+7)

Gặp K’ Văn Thinh - người dân tộc K’ho sản xuất giỏi

“Người bạn đồng hành” với ông Thinh khi ra đồng.

“Người bạn đồng hành” với ông Thinh khi ra đồng.

Trong những năm qua, xã Đông Giang không ngừng đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào đó, đã có nhiều hộ nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, với các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Một trong những điển hình của phong trào đó là ông K’ Văn Thinh, năm nay 57 tuổi, người dân tộc K’ho, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thinh cho biết “những năm trước đây, trong sản xuất nông nghiệp gia đình ông chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, trồng lúa ruộng, bắp (ngô) lai, đậu các loại… tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết. Nếu năm nào gặp nắng hạn thì mất mùa, hằng năm luôn trong tình trạng thiếu ăn từ 1 đến 2 tháng”. Thế nhưng, theo ông Thinh: Do nhận thức được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, rồi đến Hội Cựu chiến binh của xã yêu cầu ông “là Chủ tịch Hội thì phải gương mẫu, đi đầu trong việc làm kinh tế cũng như mọi hoạt động khác cho hội viên noi theo”.

Ông Thinh cho biết, xuất phát từ lòng tự trọng, gia đình ông không có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước mà tự ý thức để phấn đấu vượt qua khó khăn bằng chính sức lao động chân chính của mình. Một động lực quan trọng nữa đó là, nhằm tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, lao động sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống gia đình và cán bộ hội viên trên toàn xã theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Hội Cựu chiến binh phát động. Vì thế, đã thôi thúc ông cùng gia đình vươn lên thoát nghèo, rồi từng bước làm giàu.

Ông Thinh nhớ lại, cách đây gần 10 năm trở về trước, phương tiện sản xuất của người dân và các hội viên còn rất thô sơ, nên thu nhập rất thấp, cuộc sống rất bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước tình hình đó, ông cùng với Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh của xã bàn bạc, tìm hướng để nâng cao đời sống cho hội viên, theo đó đã kết nối được với Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện và vay 270.000.000 đồng cho hội viên đầu tư sản xuất. Sau một thời gian, cùng với sự tích lũy, tiết kiệm trong tiêu dùng, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc phụ vụ sản xuất. Do đó, từ năm 2007 đến nay đã có 35 hộ khá, 83 hộ trung bình và không còn hộ nghèo.

Còn đối với gia đình ông, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế, xã hội cho miền núi. Năm 1997, ông mạnh dạn đầu tư trồng 2 héc ta điều, 1,8 héc ta cao su và 4 héc ta đất bắp lai. Ông chia sẻ: “Lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do thời tiết, chưa biết vận dụng áp dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nhưng vẫn tự bảo lòng quyết tâm thực hiện cho bằng được. Vì thế, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện, tích cực chăm sóc cây trồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, sau 7 năm miệt mài như vậy thu nhập gia đình tôi có năm đạt 80.000.000 đồng. Khi có thu nhập ổn định, tôi đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản gần 20 con, hàng năm do bò sinh sản đều nên tôi bán từ 4 - 5 con để lấy tiền đầu tư trồng trọt. Ngoài ra, tôi còn được hỗ trợ cho nhận máy cày để làm đất, nên thuật lợi trong sản xuất, vì thế tôi quyết định san ủi đất màu thành ruộng với 5,5 sào để trồng lúa nước và đạt kết quả khá cao.

Để nêu gương sáng trong cộng đồng, vì là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã, trong công tác cũng như sinh hoạt đời thường, dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, ông Thinh cũng ghi nhớ những đức tính và lời dạy của Bác Hồ, vì thế ông luôn tự dặn mình phải thực hiện cho tốt chính sách của Đảng, Nhà nước; trong cuộc sống phải biết “tương thân, tương ái”, “là lành đùm lá rách”. Vì vậy, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thinh còn luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vận động bà con trong thôn bản cùng làm theo, riêng năm 2011 ông đã góp 13.000.000 đồng vào quỹ cho những gia đình hội viên gặp khó khăn vay; tận tình hướng dẫn bà con, hội viên vượt lên khó khăn, làm giàu chính đáng.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, biết vượt qua khó khăn, thách thức, với vai trò là lao động chính trong nhà, ông K’ Văn Thinh đã cùng với gia đình vượt lên cái đói, cái nghèo mà nhiều năm trước đây cứ đeo bám quanh năm, để bây giờ gia đình ông có nhà cửa khang trang, các phương tiện sinh hoạt trong gia đình đầy đủ tiện nghi. Giờ đây, khi đến xã vùng cao Đông Giang, hỏi thăm gia đình ông thì ai ai đều biết, còn với lãnh đạo xã thì luôn xem gia đình ông là một điển hình cho nhiều hộ dân khác học tập và noi theo trong phát triển sản xuất, cũng như sinh hoạt với cộng đồng. Khi nói trò chuyện với chúng tôi, có vị lãnh đạo xã Đông Giang còn cho biết: “Nếu giá cao su vừa rồi không giảm sâu, thì ông Thinh đã mua xe hơi rồi đấy!”.

Nhận xét về những nỗ lực vượt khó để làm giàu về gương điển hình K’ Văn Thinh, ông Nguyễn Như Diễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Giang cho biết: Ông Thinh hiện là chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã, nên ngoài sự gương mẫu chấp hành việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ông Thinh còn là một người sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập từ nhiều nguồn, nhất là từ trồng điều, bắp lai, cao su, chăn nuôi bò, có thu nhập nhiều nguồn. Ngoài ra, với trách nhiệm của mình, ông Thinh luôn vận động hội viên vượt khó, áp dụng khoa học, kỹ thuật trong phát triển kinh tế nông nghiệp để xóa nghèo, vươn lên làm giàu; ông còn chủ động xây dựng mô hình góp vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển sản xuất. Và, theo ông Nguyễn Như Diễn, từ những việc làm của mình, ông K’ Văn Thinh đã được các cấp chính quyền trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen để ghi nhận thách tích đáng khích lệ./.

Lâm Quân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất