Thứ Năm, 28/11/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 10/7/2011 14:16'(GMT+7)

Ghép tế bào gốc: Niềm hy vọng cho người ung thư máu

 Gặp anh Vũ Anh Tuấn (29 tuổi, quê Thái Bình) tại phòng thăm khám định kỳ, nhìn anh khoẻ mạnh, như một người lao động bình thường, không ai nghĩ anh là 1 trong những bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loạt chữa ung thư máu thành công.

Cách đây hơn 3 năm anh được chẩn đoán là lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt. Suốt 3 năm, anh điều trị hóa trị liệu nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau khi tiến hành xét nghiệm nghiêm ngặt với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, cả hai bệnh nhân được tiến hành ghép tủy và người cho là anh, chị ruột của chính bệnh nhân. Hiện nay, anh đã ra viện, có sức khoẻ bình thường nhưng vẫn phải thường xuyên uống thuốc và thăm khám tại bệnh viện.

ThS.BS Bạch Quốc Khánh, phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ cho hay, ung thư máu chiếm khoảng 50% trong các bệnh về máu. Ngày trước bệnh nhân ung thư máu thường điều trị hóa chất liều cao, liều càng cao thì hiệu quả càng tốt, nhưng nó là con dao 2 lưỡi, có thể tốt đối với người khoẻ mạnh, nhưng cũng có thể gây tử vong với người yếu. Việc ghép tế bào gốc giúp giảm tác dụng phụ và vẫn đạt tối đa tác dụng chính. Đặc biệt, nếu bệnh nhân ung thư máu chỉ điều trị hóa chất liều cao thì có thể kéo dài sự sống thêm 5 năm đạt 30%, còn dùng phương pháp này thì bệnh nhân sống được thêm 5 năm đạt 60%.

Nếu ghép tự thân thì không thể chắc chắn được các tế bào đó sẽ khoẻ mạnh bởi chính họ là những người bệnh. Còn ghép đồng loại, sẽ tìm thấy tế bào gốc khoẻ mạnh. Tuy nhiên, cái khó trong phương pháp này là phải phù hợp với bệnh nhân. Gia đình càng nhiều anh chị em ruột thì khả năng phù hợp càng cao. Việc gạn tách tế bào gốc từ máu ngoại vi khá đơn giản, người cho chỉ cần tiêm G-CSF sau 3 - 4 ngày là có đủ lượng tế bào gốc để gạn tách.

Tuy nhiên, tìm được người cho có tế bào gốc hòa hợp với tế bào gốc của người nhận (trùng hợp 6 nhóm gen chính) vô cùng khó khăn bởi trong khoảng 10.000 trường hợp chỉ có 4 trường hợp có tế bào gốc hòa hợp các chỉ số và có thể ghép được (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng, anh em ruột thịt). Việc chuyển tế bào gốc từ người cho đến người bệnh cũng khá đơn giản, giống như truyền máu, sau 2 giờ là xong. Điều đáng lo nhất của phương pháp là bệnh nhân ghép có thể bị phản ứng ghép chống chủ (cơ quan nhận thấy mảnh ghép vào là những phản ứng lạ nên chống lại). Khi đó bệnh nhân thậm chí có thể tử vong, vì vậy lựa chọn chỉ định để thành công là 50/50.
 

Chi phí cho mỗi ca ghép tế bào gốc đồng loại chữa ung thư máu khoảng 500 triệu đồng.

Sau khi ghép, bệnh nhân uống thuốc đều đặn, 6 tháng đầu bệnh nhân tới khám 2 tuần/lần; 6 tháng sau khám 1 tháng/lần; Những năm sau thì khám 1 năm/lần.



Phạm Hằng/KH&ĐS
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất