Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/10/2008 22:36'(GMT+7)

Trao giải tiêu biểu cho 51 doanh nghiệp dệt may

Giải thưởng được tổ chức nhằm lựa chọn những doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt trong năm 2008 và có năng lực cạnh tranh cao trong dài hạn để tôn vinh và làm hình mẫu trong toàn ngành, đồng thời là những doanh nghiệp góp phần đưa dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu của cả nước.

Việc bình chọn doanh nghiệp tiêu biểu do Vitas phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức dựa trên 10 nhóm tiêu chí nhằm đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ tiêu chí bắt buộc có tính định lượng như tốc độ tăng trưởng kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả xuất khẩu cho đến các tiêu chí có liên quan đến môi trường kinh doanh như thương hiệu thị phần.

Vượt qua 315 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham dự bình chọn “doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam năm 2008”, lần thứ 5 liên tiếp Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến dẫn đầu nhận giải “doanh nghiệp tiêu biểu nhất của ngành dệt may Việt Nam”. Ngoài Việt Tiến còn có 9 doanh nghiệp tiêu biểu nhất toàn ngành được nhận giải thưởng năm nay gồm: Công ty cổ phần Dệt Việt Thắng, Công ty liên doanh Coast Phong Phú, Công ty cổ phần May Tiền Tiến, Công ty cổ phần May 10, Công ty cổ phần May Nhà Bè, Công ty cổ phần Scavi, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Công ty cổ phần Dệt May Thái Tuấn. Trong đó Scavi, Coats Phong Phú, May Nhà Bè và May 10 là những doanh nghiệp tiêu biểu suốt 5 năm liền.

Ngoài ra, 41 doanh nghiệp khác được trao danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu trong năm với các tiêu chí khác nhau như doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh cao, tăng trưởng cao, xuất khẩu tốt, chiếm lĩnh thị trường nội địa, thương hiệu mạnh, quan hệ lao động tốt, quản lý môi trường tốt, áp dụng tốt công nghệ thông tin, phát triển mặt hàng có tính năng khác biệt cao, sản xuất nhiều vải xuất khẩu.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Cuộc bình chọn cho biết một số kỷ lục đã được xác lập qua cuộc bình chọn trong năm 2008 như: Doanh số cao nhất thuộc về Tainan Spinning (2.638 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thuộc về Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (157 triệu USD); lợi nhuận lớn nhất thuộc về Tainan Spinning (208 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận lớn nhất thuộc về May Hưng Long (120%); công ty có nhiều cửa hàng nhất: Tổng Công ty May Việt Tiến (2.140 cửa hàng); công nghệ dệt hiện đại với thời gian thay đổi mẫu mã nhanh nhất: cà vạt DK Sài Gòn (dệt và may một cà vạt theo thiết kế của khách hàng trong 21 phút)…

Năm 2008 là năm mà giải thưởng dệt may có nhiều điểm nổi bật, trong đó, tiêu chí bình chọn đã được cải tiến theo hướng tăng cường các nhân tố hình thành năng lực cạnh tranh trong dài hạn, phù hợp với chiến lược cạnh tranh toàn ngành như thương hiệu, mạng lưới bán lẻ, công nghệ thông tin, mặt hàng có tính khác biệt cao, quan hệ lao động, thân thiện với môi trường.

Theo ban tổ chức, đã có 315 doanh nghiệp tham gia cuộc bình chọn năm 2008 và 67 doanh nghiệp đã vào chung khảo với quy mô doanh số bình quân 431 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu bình quân 29,3 triệu USD, lợi nhuận bình quân 17,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2007, ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2.500 doanh nghiệp với trên 2 triệu lao động. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2004 và được xếp thứ 9 trong các nước xuất khẩu ngành hàng may mặc trên thế giới.

Ông Ân khẳng định, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển trong khoảng 10 – 20 năm tới. Hiện ngành đang nỗ lực phấn đấu đạt chỉ tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm nay và 25 tỷ USD vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, toàn ngành đang hướng về chiến lược cạnh tranh: Thời trang - Chất lượng – Quan hệ lao động – Thân thiện môi trường.

Bộ Công thương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất