Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 2/10/2008 20:29'(GMT+7)

Ổn định kinh tế vĩ mô: Tập trung vào chính sách tiền tệ

Các chuyên gia đều thống nhất, bối cảnh toàn cầu đang có những biến động phức tạp và ít nhiều tác động đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau một thời gian hội nhập sâu và rộng, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đây chính là lúc cần thiết để Việt Nam hoàn thiện một khung chính sách đúng đắn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu những tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế toàn cầu.

Phối hợp 2 chính sách tài khóa và tiền tệ

Việc phối hợp 2 chính sách tài khóa và tiền tệ để điều hành nền kinh tế theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra về lâu dài sẽ có những tác dụng tích cực. Ông Đỗ Việt Đức (Vụ Ngân sách Nhà nước-Bộ Tài chính) cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách sẽ phát huy tác dụng rõ hơn khi chính sách tiền tệ đảm bảo được sự chủ động linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, việc kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán phải đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, với thực trạng về mức độ phát triển thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ như hiện nay thì cơ chế điều hành tỷ giá khống chế theo biên độ là hợp lý. Tuy nhiên để chính sách tỷ giá hỗ trợ tích cực cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát trong trung hạn, thì cần phải từng bước tạo ra sự linh hoạt hơn trong cơ chế điều hành tỷ giá.

Còn theo Phó Viện trưởng Viện kinh tế học Trần Đình Thiên, trong bối cảnh hiện nay cần xem xét những khó khăn của các cán cân kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo đó, chỉ số vĩ mô được Chính phủ ưu tiên ổn định nhất là chống lạm phát phải chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính sách tiền tệ, mà cụ thể là lãi suất cho vay và huy động của các tổ chức tín dụng.

Ông Thiên cho rằng việc tập trung vào các công cụ tiền tệ để giải bài toán cân đối vĩ mô phải có sự linh hoạt nhất định.

Nâng cao chất lượng quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng

Xung quanh hướng ưu tiên cho các chính sách tiền tệ, Giáo sư Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Chính sách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề cập trực tiếp đến vấn đề chất lượng quản trị ngân hàng. Theo ông Nghĩa, vấn đề cải cách lại cơ cấu nhằm tăng năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay được coi là vấn đề cấp bách.

Ông Nghĩa cho biết sau 6 tháng nỗ lực, gần đây tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Điều này làm giảm bớt nỗi lo về ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ đối với Việt Nam. NHNN đang nới lỏng các chính sách tiền tệ, cho phép các NHTM được sử dụng trái phiếu bắt buộc của NHNN để cầm cố, chiết khấu. Dự phòng thanh khoản của các NHTM khả quan, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn an toàn (cao nhất là 4,5%, thấp nhất là 0,78% theo chuẩn kế toán Việt Nam).

Hiện nay, NHNN đang tiến hành kiểm tra lại hệ thống NHTM để đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng cũng như tài sản cầm cố để có cơ sở củng cố kịp thời những lỗ hổng của NHTM. Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực của NHNN cũng như hệ thống NHTM trong nước, NHNN đang xây dựng cơ chế quản lý, khẳng định vị thế giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT), quyền tự chủ của ban điều hành trong các NHTM. Theo đó, HĐQT thường xuyên cập nhật những báo cáo định kỳ về kiểm toán, giám sát rủi ro, công nợ, chiến lược... từ Giám đốc thay vì chỉ bàn về tín dụng, lợi nhuận như hiện nay. Từ đó HĐQT có thể thực hiện đúng chức năng của mình là đưa ra định hướng chiến lược chính sách, Giám đốc điều hành thực hiện chỉ đạo theo đúng mục tiêu đã xác định một cách thống nhất và nhất quán.

Vấn đề lựa chọn cơ chế điều hành tiền tệ, cơ chế điều hành tỷ giá nào là thích hợp trong quá trình hội nhập kinh tế luôn là các vấn đề hóc búa. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng: "Sự lựa chọn sai về cơ chế điều hành dễ dẫn đến sự bất ổn tiền tệ, bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì vậy mức độ hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng, hay nói cách khác mức độ tự do hóa thị trường tài chính cần được thực hiện phù hợp với những điều kiện phát triển của kinh tế, mức độ phát triển của thị trường tài chính, năng lực kiểm soát thị trường tiền tệ của NHNN”./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất