Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 19/6/2016 21:23'(GMT+7)

“Công luận nghiêm buốt”

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chúng ta đã biết đến lời văn nổi tiếng của Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung viết trên tấm bia đầu tiên khắc tên các vị đỗ đạt cao, khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Nhưng Đại học sĩ còn ghi nhận và răn: “Cũng không phải là không có kẻ vì tham lam hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi xuống hạng gian tà, có lẽ vì lúc sống bọn họ chưa được nhìn thấy tấm bia này… Thế thì việc dựng tấm đá này có lợi ích rất nhiều: Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng, biết rõ dĩ vãng, nhìn rộng tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà”. 

Trên tấm bia thứ 2 được dựng, khoa thi năm Thái Hòa 6 (1448), Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận soạn khắc nhấn lại: “Nay những người được đề tên vào tấm đá này, cho dù đã có nửa phần được ghi tên vào cuốn sổ quỷ (quỷ lục-tuổi đã cao), nhưng con người trung chính hay tà ngụy thế nào, việc làm được mất nên hư thế nào, công luận nghiêm buốt, ngàn đời khó trốn". Và “Còn những người hậu tiến sờ vào tấm đá này, liếc nhìn bài văn này cũng nên biết cách thức khích lệ của thánh triều, kiếm tìm dấu tích danh thực của tiền bối, lựa thấy điều hay để theo mà bắt chước…”.

Nhắc lại ít câu để thấy Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa trọng thị, tôn vinh các vị tiến sĩ cùng nền học vấn nước nhà vừa khuyên răn, cảnh báo những người có học, những người đỗ đạt cao phấn đấu xứng với danh tiết. Mặt khác, văn bia cũng đề cao vai trò của công luận nghiêm buốt vừa giám sát những người học rộng, đỗ đạt trong công việc nơi quan trường vừa gắng sức học hành, rèn luyện theo điều hay, tránh điều xấu dở.

Bia đá công danh, đạo lý do vậy đã thể hiện tinh thần dân chủ, vai trò của công luận, ý kiến người dân. 5-6 thế kỷ trước công luận chỉ là ý kiến đàm luận trong dân, là “bia miệng”, chưa có các hình thức thông tin, truyền thông, báo chí nhưng qua bia Tiến sĩ đã có thể thấy nhu cầu của thông tin và công luận đã rất cần thiết. Và đó là động lực xã hội để thông tin báo chí phát triển trong những thời kỳ đất nước cùng nhân loại phát triển sau này, đặc biệt là thời cận-hiện đại và đương đại của chúng ta.

Tinh thần của ông cha về “công luận nghiêm buốt” đã được nền báo chí cách mạng Việt Nam phát huy cao độ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong suốt hơn 90 năm qua. Báo chí cách mạng Việt Nam đã làm tròn vai trò “cầu nối của Đảng với dân”, phản ánh ý Đảng lòng dân, góp phần đắc lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Thế kỷ 21, thông tin, báo chí đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp với nhiều hình thức và chiều hướng. Công luận bây giờ không còn chỉ là “miệng lưỡi thế gian” qua lại trong làng xã, ngõ phố mà ai ai cũng có thể thông tin, phát biểu ý kiến riêng và lập tức có thể truyền lan trên toàn cầu. Trong điều kiện ấy, “công luận nghiêm buốt” chính là sự thông tin chọn lọc, trung thực, chính là sự đấu tranh không khoan nhượng của báo chí, truyền thông chống lại những luận điệu bịa đặt, những ý đồ xấu phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động báo chí trong điều kiện thông tin đa dạng, phong phú hiện nay càng cần phải giữ vững định hướng, nêu cao trách nhiệm, tìm hiểu chính xác, tránh hiện tượng chạy đua thông tin mà vội vàng thiếu cân nhắc, sa vào giật gân câu khách. “Công luận nghiêm buốt” cần một nền báo chí cách mạng làm nòng cốt tạo nên trách nhiệm, sự tin cậy về thông tin và định hướng cho cuộc phấn đấu không ngừng phát hiện, nhân rộng những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến, những giải pháp phát triển, tạo nên sự đồng thuận xã hội. Đồng thời báo chí là cuộc đấu tranh thẳng thắn trước những yếu kém, lạc hậu, những hiện tượng tiêu cực, biến chất, suy thoái tư tưởng và đạo đức, vạch mặt những “quan tham”, những kẻ chống phá.

“Công luận nghiêm buốt” đòi hỏi báo chí luôn đề cao “dĩ công vi thượng”, không có chỗ cho sự lợi dụng vì những lợi ích cục bộ, cá nhân. Thời hiện đại, “công luận nghiêm buốt” luôn cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nhà nước và xã hội đối với báo chí./.

Mạnh Hùng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất