Nhìn nhận một cách khách quan, việc xúc tiến, quảng bá hàng nông sản nói
chung, sản phẩm đặc trưng của các huyện miền núi nói riêng ở nhiều địa
phương vẫn còn ở bề nổi, chưa chú trọng đến chiều sâu, chưa có chiến
lược bài bản.
Hội chợ triển lãm hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2016 vừa được khai mạc tại huyện Nam Trà My. Tại hội chợ này, hàng nghìn sản phẩm đặc trưng của 11 huyện miền núi trong tỉnh đã được giới thiệu, trưng bày và quảng bá tới đông đảo du khách.
Các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Nam liên kết với nhau để tổ chức một hội chợ giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương mình là rất cần thiết. Đây là cơ hội cho mỗi huyện miền núi giới thiệu với du khách những sản phẩm tinh túy, sản phẩm truyền thống đặc trưng của quê hương mình, đồng thời tạo điều kiện cho bà con nông dân tăng cường giao lưu, học hỏi, nâng cao hiểu biết về việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm và qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường thu hút đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Các huyện miền núi có đặc điểm chung là địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, việc canh tác vẫn dựa trên phương thức tự cung, tự cấp là chủ yếu, hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giao thương hàng hóa còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, cũng do thổ nhưỡng, địa hình, thời tiết khí hậu khá đặc trưng mà nhiều địa phương miền núi cũng có những sản phẩm đặc trưng mang giá trị kinh tế cao, được đông đảo người dân trong nước và du khách biết đến. Có thể kể đến những nông sản tiêu biểu như bưởi Đoan Hùng của huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), xoài Yên Châu của huyện Yên Châu (Sơn La), cam Cao Phong của huyện Cao Phong (Hòa Bình), rau su su Tam Đảo của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), vải thiều Lục Ngạn của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), quế Trà My của huyện Trà My (Quảng Nam)…
Được biết, thời gian gần đây, nhiều huyện miền núi ngoài việc chủ động quy hoạch, định hướng, đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương mình, đã tăng cường bảo hộ sản phẩm bằng cách dán mác “chỉ dẫn địa lý”; đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, một số địa phương miền núi đã khéo léo lồng ghép tổ chức lễ hội với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nổi tiếng của địa phương như huyện Mộc Châu (Sơn La) tổ chức Ngày hội hái mận hậu Mộc Châu; huyện Văn Yên (Yên Bái) tổ chức Lễ hội quế Văn Yên; huyện Văn Quan (Lạng Sơn) tổ chức Lễ hội hoa hồi Lạng Sơn…
Thế nhưng, nhìn nhận một cách khách quan, việc xúc tiến, quảng bá hàng nông sản nói chung, sản phẩm đặc trưng của các huyện miền núi nói riêng ở nhiều địa phương vẫn còn ở bề nổi, chưa chú trọng đến chiều sâu, chưa có chiến lược bài bản. Việc tổ chức lễ hội, hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm là cần thiết, song chưa đủ. Mấu chốt của vấn đề là phải tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, giúp người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, bảo hộ thương hiệu sản phẩm đặc trưng, cũng như nâng cao hiểu biết về kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Thực tế cho thấy, dù là người trực tiếp làm ra những nông sản và sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao của địa phương, song một phần do thiếu hiểu biết về thị trường tiêu phụ, phần khác do bị tư thương ép giá nên rất nhiều bà con nông dân vẫn khó có thể bứt phá làm giàu trên mảnh đất quê mình. Vấn đề đó đang đặt ra cho chính quyền và cơ quan chức năng của các huyện miền núi càng phải chung vai, sát cánh với người nông dân hơn nữa để giúp bà con có hướng đi hiệu quả trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của địa phương mình./.
Anh Thảo (QĐND)