Quyết định đóng cửa rừng tự nhiên Tây Nguyên của Thủ tướng Chính phủ ngay lập tức được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình hưởng ứng. “Mất rừng là mất Tây Nguyên”, như lời Thủ tướng nói không chỉ là chuyện của tương lai mà đã là một thực tế đau lòng xảy ra mấy chục năm qua và hiện vẫn đang tiếp diễn với tốc độ nhanh chóng và mức độ nguy hiểm gay gắt.
Mất rừng, phá rừng là hiểm họa trực tiếp đe dọa đến hệ sinh thái rừng Tây Nguyên, đến thời tiết, khí hậu, đến tài nguyên, vẻ đẹp đặc trưng, đến cuộc sống của người dân tại chỗ và của tất cả chúng ta.
Theo những tính toán đầu tiên, việc thực hiện mệnh lệnh đóng cửa rừng sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn và tốn kém. Từ việc giải quyết các dự án đang triển khai, điều chỉnh kế hoạch kinh tế-xã hội của nhiều địa phương đến hoạch định đường hướng phát triển cho Tây Nguyên vốn lâu nay dựa trên cơ sở nông-lâm nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, ngay cả các chiến lược trồng cây công nghiệp, cây ăn quả cũng phải thay đổi. Cũng đã có những ý kiến bày tỏ sự lo lắng ít nhiều về khả năng thực thi của quyết định bởi câu chuyện “đóng cửa rừng” đã từng được đưa ra trước đây nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn, không có hiệu quả. Đã có hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ bị dừng lại nhưng vì sao vẫn còn những dự án không đem lại lợi ích cho người dân vẫn tồn tại và những dự án khác vẫn tiếp tục được đệ trình…
“Cháy rừng như cháy nhà ta
Đốt rừng như thể đốt da thịt mình”.
Hầu như cán bộ nào, người dân nào ở Tây Nguyên cũng thuộc câu khẩu hiệu mạnh mẽ này. Nhưng vì sao cứ mỗi năm qua đi hàng nghìn héc-ta rừng ở vùng này vẫn bị đốt phá, vì sao những loại cây quý, những động vật quý hiếm vẫn bị lén lút khai thác? Người viết bài này trong chuyến đi Bắc Tây Nguyên cuối mùa khô vừa rồi đã tận mắt chứng kiến những mảnh rừng cháy đỏ trong đêm, những đoàn xe chở gỗ rừng ngang nhiên đi trên đường, những súc gỗ, thớt gỗ chở lậu ngay cả trên xe khách. Và nữa, thay vì những cây trồng thay thế, những miền đồi trọc mỗi năm mỗi rộng ra… Khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu mà thôi nếu không có quyết tâm thật, hành động thật và ở đây yếu tố căn cốt là thực thi nghiêm minh luật pháp, là chính sách phù hợp, là sự vận hành bộ máy kiên quyết, hiệu quả, là tấm lòng yêu Tây Nguyên, yêu nước thực sự trong con người mà trước hết là những cán bộ, đảng viên.
Làm giàu, kiếm lợi từ khai thác rừng và đất rừng dễ lắm, nhanh lắm, đóng cửa rừng tự nhiên là cứu rừng, cứu cả con người khỏi sự tha hóa, tham lam.
Khó khăn nhiều, tốn phí nhiều nhưng đã đến lúc việc đóng cửa rừng, theo mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ phải được thực hiện nghiêm minh, đồng bộ. Chắc chắn các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương Tây Nguyên và các cơ quan chức năng, các nhà khoa học xây dựng các kế hoạch kiểm soát tối đa mọi hoạt động liên quan đến rừng. Chắc chắn phương châm “rừng phải có chủ” sẽ phải được thực hiện tích cực, nhanh chóng và rộng rãi trên đất Tây Nguyên cũng như nhiều vùng rừng núi trên đất nước ta. Chắc chắn những con người trực tiếp bảo vệ rừng cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa và những ai buông lỏng hoặc lợi dụng vị trí công tác của mình phải bị loại bỏ, trừng trị.
Gắn với việc cứu rừng chính là thay đổi lối sống tiêu thụ của xã hội hiện đại. Đã qua rồi quan niệm dùng đồ gỗ quý trong công sở, nhà ở, ăn thịt rừng là sang trọng. Người tự trọng, lịch sự, yêu thiên nhiên chỉ dùng sản phẩm từ gỗ trồng, vật nuôi, đó là xu thế văn minh.
Đổi mới thói quen tiêu dùng theo xu thế đó là một cách ngăn cản “đầu ra” của gỗ rừng, cũng là cách để dân ta hội nhập với thế giới./.
Nguyễn Mạnh (QĐND)