Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 20/6/2016 15:17'(GMT+7)

Định hướng giá trị nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Trong đó, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.

Nói đến phát triển nguồn nhân lực là triển khai các quan điểm tư tưởng vào thực tiễn thông qua các chính sách: đào tạo, bồi dưỡng; đề bạt, khen thưởng, bảo hiểm, an sinh xã hội; đặc biệt tinh giản biên chế viên chức, sớm cải cách chế độ tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ thực sự theo nguyên tắc năng lực, sáng tạo, hiệu quả.

Vấn đề con người và nguồn nhân lực, nói cụ thể hơn, là chính sách dùng người, nhất là người tài, quan tâm đến con người, là trung tâm của văn hoá chính trị. Trong giai đoạn hiện nay, cần phải đổi mới hơn nữa trong quan điểm nhìn nhận, sử dụng con người và nguồn nhân lực. Trong đó, cần xác định rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, con người và nguồn nhân lực là nội lực quan trọng nhất và là điều kiện quyết định xây dựng và bảo vệ tổ quốc, coi trọng cả tài lẫn đức, lấy đức làm gốc.

Thứ hai, lấy phát triển con người bền vững làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển.

Thứ ba, coi trọng vai trò mỗi con người cá nhân, tạo điều kiện cho mọi người phát huy năng lực làm chủ quá trình lao động của mình.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vào việc phát triển nguồn nhân lực. Xác định con người vừa là điều kiện quyết định phát triển đất nước, vừa là con đường dân chủ hóa xã hội và thực hiện công bằng xã hội, đoàn kết dân tộc.

Thứ năm, lấy lợi ích của người lao động trên cơ sở hiệu quả lao động làm nguyên tắc cơ bản quản lý xã hội, đề cao tính tích cực xã hội của người lao động, bảo đảm lợi ích xã hội.

Thứ sáu, bảo đảm hài hòa lợi ích vật chất và nhu cầu tinh thần của cá nhân và cộng đồng.

Thứ bảy, bảo đảm môi trường dân chủ thuận lợi cho lao động giao lưu đồng thuận, tạo cơ hội thăng tiến cho tất cả mọi người.

Thứ tám, có chính sách giải phóng và phát huy mọi tiềm năng của người lao động, từng bước giải phóng con người khỏi sự tha hoá.

Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi vào thế kỷ XXI, chúng ta phải hướng tới nguồn lực con người, bao gồm con người như thực thể độc lập – tế bào của nguồn lực này, theo các định hướng giá trị nhân cách sau đây: (1) Sức khỏe: Con người có sức khỏe cường tráng. Con người có đủ trí tuệ khoa học và công nghệ, đầu óc duy lý khoa học của thời đại và kỹ năng lao động hành nghề sáng tạo hiệu quả cho bản thân và cho xã hội, có tác phong công nghiệp và lối sống nề nếp, văn hóa công nghiệp. (2) Yêu nước: Yêu đất nước, sẵn sàng xả thân vì nền độc lập dân tộc. (3) Gia đình: Tôn trọng, bảo vệ tình cảm, các giá trị gia đình. (4) Ham học hỏi: Thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức, tri thức, trí tuệ của nhân loại. (5) Sống có mục đích: Con người có bản lĩnh, lý tưởng, niềm tin và quyết tâm thực hiện sứ mệnh vẻ vang và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước theo xã hội chủ nghĩa. (6) Tôn trọng pháp luật: Con người có tinh thần công dân, sống và làm việc theo pháp luật, kỷ cương của tập thể và cộng đồng, thực hiện đúng các nghĩa vụ và biết bảo vệ quyền lợi của bản thân và toàn xã hội, của gia đình.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và chính thức công bố “Hệ giá trị Việt Nam” làm cơ sở đạo đức để xây dựng con người và phát triển nguồn nhân lực. Bước đầu, chúng tôi suy nghĩ và đưa ra một số kiến nghị một số nội dung để đưa vào “Hệ giá trị Việt Nam”, bao gồm: (1) Các giá trị chung của loài người, như tính người, tình người – các giá trị cội nguồn, sức khỏe, sống có mục đích; (2) Các giá trị chung của thế giới, khu vực, như hòa bình, an ninh, hợp tác, hữu nghị, không xâm phạm chủ quyền - độc lập dân tộc, tôn trọng pháp luật; (3) Các giá trị dân tộc, như tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nhân nghĩa (tương thân, tương ái...), tình cảm, trách nhiệm gia đình, tinh thần cộng đồng...; (4) Các giá trị cá thể, như: ham học hỏi, Giá trị lao động – giá trị gốc của tồn tại người; Trí tuệ, sáng tạo – giá trị tiêu biểu nhất của con người; Trách nhiệm xã hội – giá trị cao quý nhất của con người; Các quyền con người, quyền công dân; Thái độ đối với bản thân, với người khác, với công việc... Yêu cha mẹ, anh chị em...

 

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa

TS. Đào Thị Diệu Linh

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất