(TG)-Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX) về giáo dục và đào tạo, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc phát triển giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh đã xóa được phòng học ca ba, phòng học tranh tre; số phòng học gỗ ván, phòng học xuống cấp được thu hẹp. Phong trào kiên cố hóa, tầng hóa được triển khai khá tốt tại một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 72 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, mầm non: 17 (6,97%); tiểu học: 39 (13%); trung học cơ sở: 14 (7%); trung học phổ thông: 02 (4,76%).
Quy mô giáo dục, hệ thống trường lớp phát triển khá nhanh. Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh có 781 trường mầm non và phổ thông với tổng số 365.137 học sinh, tăng 301 trường và 44.260 học sinh so với năm học 2002 - 2003; Giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc và giáo dục chuyên nghiệp được củng cố và phát triển. Toàn tỉnh có 215 đơn vị, cơ sở làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Trong đó có 01 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và 202 trung tâm học tập cộng đồng... Hệ thống giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh có 20 trường mầm non ngoài công lập, hơn 69% số cháu trong độ tuổi nhà trẻ, trên 13% số cháu mẫu giáo học các trường, nhóm trẻ ngoài công lập. Ở bậc học phổ thông, có Trường phổ thông tư thục Nguyễn Văn Linh đứng chân trên địa bàn thành phố Pleiku gồm 3 cấp học với hơn 1.000 học sinh.
Công tác giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức. Hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có lớp tiểu học và mẫu giáo 05 tuổi học tại làng. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh gồm 14 trường (01 trường cấp tỉnh, 13 trường cấp huyện); 97 trường dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số; có 15 trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng khó khăn. Hiện nay, giáo dục mầm non và phổ thông toàn tỉnh có gần 150.300 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 41,2% tổng số học sinh toàn tỉnh.
Đội ngũ giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, hiện toàn ngành có 18.644 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết, đội ngũ giáo viên các cấp học có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao theo hướng “dạy thực, học thực và chất lượng thực”. Trong 10 năm trở lại đây, học sinh tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở luôn đạt trên 97%. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông đạt khá so với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện giáo dục tương tự như của tỉnh. Các trung tâm, trường chuyên nghiệp đã có nhiều giải pháp đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng các hình thức liên kết, đa dạng hóa các loại hình giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cho tỉnh và tạo cơ hội tìm việc làm cho nhiều sinh viên sau khi ra trường.
Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được tiến hành theo đúng quy định. Tỉnh đã phê duyệt danh sách quy hoạch nguồn cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trong giai đoạn mới. Từ năm 2006 đến năm 2010, tỉnh đã cử 767 đồng chí đi học các lớp cao cấp chính trị; cử 414 cán bộ đi học nghiên cứu sinh, thạc sĩ,.... Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức đánh giá lại số đối tượng được quy hoạch và tiến hành bổ sung quy hoạch. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng của trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, huyện, Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là sự chênh lệch khoảng cách về chất lượng giáo dục và đào tạo giữa các vùng trong tỉnh còn khá lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng còn thấp; Số lượng học sinh người dân tộc thiểu số vào các trường cao đẳng, đại học còn ít; thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở còn nhiều hạn chế; Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề tuy đã được quan tâm nhưng chậm phát triển về cơ sở vật chất trường lớp và mở rộng ngành, nghề đào tạo; cơ cấu đào tạo chưa sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Chất lượng đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn yếu và không đồng đều. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tuy tăng nhưng thực tế một số mới đạt chuẩn về bằng cấp đào tạo. Trình độ tin học, ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh còn yếu. Một bộ phận giáo viên còn lúng túng trong đổi mới phương pháp dạy học…
Gia Lai cũng đã đề ra một số giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, trong đó tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo. Chú trọng đến chất lượng dạy học của các cơ sở đào tạo ngoài công lập, các hình thức liên kết đào tạo. Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại giáo viên, học sinh theo hướng thực chất hơn; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo.Thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù của địa phương; Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, củng cố phát triển hệ thống trường lớp học; tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo và xây dựng xã hội học tập. Huy động mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Huy động cộng đồng tham gia quản lý nhà trường và giải quyết những vấn đề quan trọng của giáo dục…
Ánh Hồng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai.